Multimedia Đọc Báo in

Cái sảy nảy cái ung

16:17, 16/01/2011

Anh chị tôi có một cháu gái ngoan, học giỏi, là con một nên anh chị rất cưng chiều cháu.

Một hôm cháu đi học về nước mắt lưng tròng: “Ba mẹ ơi! Bạn An đã làm hỏng mất cái cặp của con rồi!”. Chị tôi gặng hỏi: “Tại sao nó lại làm hỏng cặp của con?”. “Bạn ấy mượn con quyển vở bài tập về nhà để chép lại, nhưng con không cho mượn, thế là bạn ấy xông vào giật lấy cặp xổ tung sách vở con xuống đất, rồi lấy cặp chơi trò tung hứng”. Chị tôi giận dữ quát: “Sao con không mách cô giáo?”. “Con sợ bạn ấy trả thù, cả lớp ai cũng sợ bạn ấy cả”. Anh rể tôi ngồi nghe giận tím cả mặt nói: “Hãy để tôi đến trường nện cho thằng đó một trận cho chừa cái thói côn đồ”. Cậu em tôi ngồi cạnh cùng lên tiếng: “Anh chị cứ để việc đó cho em, sáng mai em đến trường bắt nó phải đền cho cháu cái cặp, nếu nó không đền thì em sẽ dần cho nó một trận để bỏ cái thói bắt nạt người khác”. Lúc này chị tôi có vẻ dịu dàng hơn: “Hay tối nay tôi đến nói với ba mẹ nó?”. Nói rồi chị quay sang hỏi tôi: “Em là cô giáo việc này theo em tính sao cho hợp lý?”. Nghe chị hỏi tôi chợt nhớ đến một chuyện xảy ra ở lớp tôi làm chủ nhiệm, giờ nghĩ lại tôi còn rùng mình. Sáng hôm đó là thứ hai chào cờ, lớp tôi và lớp 7B đứng gần nhau, một em ở lớp 7B cứ nhìn chằm chằm vào Hùng, học sinh lớp tôi. Lúc đó Hùng chẳng có thái độ gì, nhưng đến sáng hôm sau vào lớp, một em ở tổ cờ đỏ ngầm báo với tôi trong cặp bạn Hùng có một con dao Thái Lan nhọn và sắc. Tôi mời Hùng lên thu lại con dao và hỏi: “Em mang theo dao đi học để làm gì?”. Hùng trả lời tỉnh queo mà không chút do dự: “Để em đâm bạn ở lớp 7B hôm qua nó nhìn em như muốn khiêu khích cô ạ!”. Hôm sau tôi đến nhà Hùng, mẹ Hùng đon đã mời tôi uống nước rồi chị gọi với vào: “ Mình ơi! Có cô giáo của thằng Hùng đến chơi mình này!”. Tôi nghe tiếng la lớn trong phòng dội ra: “Đâm chết mẹ nó đi, đừng cho nó vào!” tôi giật bắn cả người. Mẹ Hùng thanh minh: “Khổ lắm cô ạ! Cả hai ba con suốt ngày cứ ngồi chơi game online toàn là những trò chơi bạo lực, đâm chém, cướp bóc giết nhau đủ trò, hình như cả hai ba con đều nghiền chơi trò đó, tôi nhìn cũng không dám nhìn cô ạ! Có lẽ cứ đà này tôi cũng bị bệnh tâm thần mất thôi”. Khi ba của Hùng ra, tôi trao đổi chuyện Hùng cho anh chị nghe thì ba Hùng cười nói tỉnh bơ: “Trẻ con chuyện nhỏ mà cô, ra xã hội kẻ nào mạnh thì thắng”. Giờ thì tôi hiểu ra tại sao ở trường Hùng thường hay gây gổ đánh nhau với bạn bè, học hành ngày càng sa sút. Rút kinh nghiệm câu chuyện Hùng, tôi khuyên anh chị nên đến trường gặp cô giáo chủ nhiệm để cô có biện pháp giải quyết một cách êm thấm, đừng để “cái sảy nảy ra cái ung” đến lúc đó thì khó lòng cứu vãn.

Qua câu chuyện này tôi muốn các bậc phụ huynh cần quan tâm hơn nữa việc học hành chơi bời của con em mình, ngăn cấm các em chơi những trò chơi bạo lực trên mạng Internet tai họa thật khó lường.

 

Hoàng Bích Hà

 


Ý kiến bạn đọc