Multimedia Đọc Báo in

Tư vấn mùa thi

Làm sao thi tốt môn Sinh

11:28, 27/03/2011

Môn Sinh học lớp 12 tương đối dài, khó. Đề thi trắc nghiệm môn Sinh có cả phần lí thuyết và bài tập, học sinh khó học khó nhớ. Vài kinh nghiệm nhỏ sau sẽ giúp học sinh ôn tập và làm tốt bài thi môn này:

- Khi ôn tập:
Trước hết, bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng và sách giáo khoa: Chuẩn kiến thức, kỹ năng và sách giáo khoa được xem như tài liệu chuẩn hướng dẫn học sinh triển khai đề cương ôn tập kiến thức, rèn luyện kỹ năng đúng với trọng tâm, không lan man, ôm đồm, quá tải. Điều quan trọng là học sinh cần hệ thống lại phần kiến thức đã học sao cho “ôn đến đâu chắc đến đó”.

Tiếp đó, giải các bài tập trong sách giáo khoa. Muốn giải nhanh các bài tập học sinh phải học kỹ lý thuyết. Bất kỳ môn nào, nếu lý thuyết được hiểu đến nơi đến chốn thì sẽ giải quyết bài tập nhanh hơn. 
Ví dụ: Chương 2, Quy luật di truyền nên tách ra học và đặt câu hỏi “như thế nào” đối với từng cặp phép lai, phép lai 1 cặp tính trạng và phép lai 2 cặp tính trạng, quy luật di truyền nào bị chi phối. Nếu phân biệt được thì các em sẽ làm bài rất hiệu quả và nhanh.

Chú ý câu hỏi thêm có ký hiệu hình tam giác, các em nên  tự xây dựng cách trả lời tất cả câu hỏi đó bởi chúng rất có thể  sẽ là những câu hỏi trong đề thi trắc nghiệm. Cũng cần chú ý là khi tìm ra được đáp án trong thi trắc nghiệm thì nên đặt lại câu hỏi tại sao đáp án này đúng và có cách giải thích phù hợp theo lý thuyết đã học. Trong sách bài tập Sinh học có rất nhiều câu hỏi trắc nghiệm, các em nên trả lời hết tất cả các câu hỏi, nếu trả lời được hết coi như học sinh đã làm được bài thi đạt 80-90% .

Ngoài ra, các em nên tham khảo các đề thi trắc nghiệm môn Sinh học của Bộ GD-ĐT để xem khả năng của mình như thế nào. Trong quá trình ôn tập làm thử cũng nên canh thời gian làm bài theo quy định của đề thi. Cái khó thì phải suy luận để xem cái nào bất hợp lý trong đáp án. Có hai cách giải quyết câu hỏi trắc nghiệm: Một là nhận ra phương án đúng, hai là loại trừ phương án sai.

- Khi làm bài: Tuy học thuộc bài nhưng không ít học sinh trong các kỳ thi vẫn không đạt điểm cao, thậm chí bị trượt, chính là do không chú ý đến phương pháp làm bài. Vậy để có một phương pháp làm bài hiệu quả, cần chú ý  những yếu tố sau đây:

Trước hết, các em chuẩn bị sẵn sàng một barem đánh số từ 1 đến 50, đọc lướt nhanh chừng 1 phút mỗi câu, nhận ra phương án đúng thì ghi vào bên cạnh barem (A/B..), câu tính toán hoặc chưa quyết định chừa lại. Sau khi đã đến câu cuối (câu 50) thì rà soát lại các câu chưa kết luận cuối cùng. Tranh thủ thời gian giải  quyết các câu tính toán. Các câu này thường suy luận đưa ra một công thức dạng chuỗi phép tính liên hoàn, rồi dùng máy kiểm thử so sánh với phương án trên đề. Cái khó của toán sinh là từ ngữ cũng thay bằng số được. Ví dụ, “một nửa trong số ruồi đem lai tương đương (1/2 = 50%)”, “một nửa số cá thể đực trong đàn” có thể hiểu bằng 25% của tổng số cá thể trong đàn…

Thận trọng khi tính toán và đừng quên kiểm thử với đáp án, bởi thi trắc nghiệm chỉ chính xác đúng-sai mà thôi. Đừng để mất quá  nhiều thời gian dành cho các câu khó. Trung bình đề có 50 câu, 35 câu không tính toán cố gắng làm trọn trong 40 phút, 15 câu còn lại chiếm hết 40 phút là dạng đề khó, bảo đảm tính thi tuyển, chọi nhau.

Điều quyết định sự thành công là ôn tập có thứ tự, biết phân phối thời gian, làm thử nhiều đề, đọc nhiều sẽ giúp ta phát hiện nhanh, linh hoạt trong tính toán, thử sai, loại trừ… Đọc hiểu nhanh, suy nghĩ lôgic, bấm máy chính xác, tự tin cộng với ôn luyện sẽ là những yếu tố quan trọng để thi tốt.

Thi trắc nghiệm là một lợi thế của môn Sinh học nên không phải diễn giải nhưng học sinh phải học thuộc và nắm chắc, hiểu đúng từ luận của đề thì mới đủ tự tin, an tâm làm được bài. Hơn nữa, thi trắc nghiệm kiến thức dàn trải nên khi ôn tập, học sinh không nên bỏ phần nào trong sách giáo khoa, thậm chí không được bỏ 1 mục nhỏ nào.

 

Nguyễn Văn Phiên

 


Ý kiến bạn đọc