Những lưu ý ngày thi
Thời điểm trước và trong ngày thi, sức khỏe là yếu tố cần quan tâm nhất. Để giữ sức khỏe, cần lưu ý lịch sinh hoạt hằng ngày một cách khoa học. Phải sắp xếp thời gian học – ăn - ngủ - thức dậy đúng giờ. Thời gian học phải đúng đều đặn với đồng hồ sinh học lâu nay. Không nên chủ quan bỏ học vì đã nắm vững kiến thức, cũng không nên quá lo lắng mà học nhiều, học quá khuya sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, đến hiệu quả học thi trong ngày hôm sau. Nên ăn đủ bữa, đúng giờ, đủ chất dinh dưỡng. Trời nắng cần uống nhiều nước và ăn các loại rau quả tươi. Chú ý không nên ăn những thức ăn lạ, tránh các món ngoài hàng quán vì dễ gây đau bụng bất thường. Thời gian ngủ phải bảo đảm, nên ngủ trước 11 giờ và thức dậy khoảng 4 giờ sáng hôm sau để coi lại bài.
Ngoài sức khỏe, tâm lý cũng là một vấn đề quan trọng không kém. Học sinh và cả phụ huynh phải giữ vững tâm thế trong những ngày trước và trong khi thi.
Trước ngày thi, thí sinh nên biết và đến địa điểm thi để ước định thời gian từ nhà đến hội đồng
mình thi là bao nhiêu để hôm sau sắp xếp đi đúng giờ. Tránh tình trạng trễ giờ, nôn nóng sẽ dễ xảy ra những điều không may. Nếu có điều kiện, phụ huynh nên chở con em mình đến trường cho an toàn. Việc chuẩn bị các vật dụng cần thiết như: thẻ dự thi, nhớ số báo danh, giấy chứng minh nhân dân, thước kẻ, bút chì theo quy định, gọt bút chì, cục gôm, máy tính, At lát địa lý, bút viết cùng loại cùng mực… (đặc biệt cần nhớ không được mang bút xóa, điện thoại và các vật dụng quy định không mang vào phòng thi).
Trong buổi học quy chế trước ngày thi, thí sinh nên có mặt đầy đủ để nghe hướng dẫn thời gian, những điều thí sinh nên và không nên làm, nhất là cách ghi phiếu trả lời trắc nghiệm đối với các môn thi theo hình thức trắc nghiệm.
Đến ngày thi, học sinh phải ăn uống đầy đủ, có mặt tại hội đồng thi trước 20 phút để giữ tâm lý thoải mái. Khi vào phòng thi, thời gian chờ nhận đề khá lâu, nhất là các môn thi trắc nghiệm nên phải giữ tâm lý ổn định, không nên quá hồi hộp. Khi nhận đề phải đọc kỹ tất cả các trang, đủ số câu hỏi, nếu đề bị mờ, rách phải kịp thời báo với giám thị để thay đề khác. Nên nhớ rằng tất cả kiến thức và căn cứ để có điểm thi đều thể hiện trên bài thi. Phải nghiên cứu thật kỹ đề, khi có hiệu lệnh trống mới làm bài. Chú ý, ghi cả số báo danh và chữ ký trên cả đề thi và giấy nháp để tránh những điều bất thường khó lường.
Nên làm nháp rồi mới ghi vào bài làm chính thức. Cách thể hiện bài làm phải sạch đẹp khoa học, ranh giới giữa mỗi câu trong bài tự luận phải rõ ràng. Nếu bỏ phần nào không nên tẩy xóa nhem nhuốc mà chỉ dùng bút gạch chéo một đường. Có thể chọn làm những câu dễ trước, câu khó sau. Canh thời gian làm bài phù hợp, tránh tình trạng câu điểm ít làm nhiều hơn câu điểm nhiều. Khi làm xong bài không ra khỏi phòng thi quá sớm mà phải bình tĩnh, đọc kỹ lại bài làm trước khi ký nộp cho giám thị.
Một điểm thường gặp nữa là thí sinh có tâm lý chán nản, bỏ thi giữa chừng khi không làm được bài thi. Điểm tốt nghiệp là điểm tổng của 6 môn thi, điểm tuyển sinh là điểm tổng 3 môn thi nếu không có môn nào bị liệt. Vì vậy sau mỗi môn thi, nếu ta làm bài không tốt cũng không nên tự gây áp lực cho bản thân mà phải tự động viên và cố gắng trong những môn thi tiếp theo.
Ý kiến bạn đọc