Multimedia Đọc Báo in

Cô học trò nghèo với ước mơ giản dị

11:06, 21/08/2010

Học giỏi toàn diện, nụ cười duyên dáng và có một ước muốn giản dị nhưng ẩn chứa trong đó tình thương bao la - đó là những gì thầy cô Trường THPT Trường Chinh (xã Ea Sol, huyện Ea H’leo) nhận xét về cô học trò nghèo lớp 12A1 có cái tên thật xinh xắn: Nguyễn Thị Thu Huyền.

Dọc theo con đường về thôn 4A, xã Ea Hiao (huyện Ea H’leo) khi hỏi chuyện về cô học trò nghèo tên Nguyễn Thị Thu Huyền (SN 1993) ai cũng không ngớt lời khen. Sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, mọi chi tiêu sinh hoạt của gia đình chỉ trông chờ vào đồng lương công nhân cao su “bữa được bữa mất” của mẹ nên Huyền luôn mong ước lớn lên thật nhanh để được đi làm, có tiền để đỡ đần bố mẹ phần nào. Theo Huyền, để có được thành tích học tập tốt, ngoài những buổi học trên lớp phải biết sắp xếp thời gian biểu hợp lý bởi vì đối với em, thời gian rảnh rỗi em còn phải giúp bố mẹ việc nhà và dạy các em học bài. Cô giáo chủ nhiệm Phạm Thị Cúc Hoa cho biết: “Ở lớp Huyền học rất chăm chỉ, luôn có ý thức tự giác trong học tập, không bao giờ phải nhắc nhở. Em nhiệt tình trong các hoạt động của trường, của lớp và em ước mơ học thật giỏi để sau này có điều kiện giúp đỡ bố mẹ.

Không chỉ cô học trò chăm ngoan trong mắt thầy cô và bạn bè, Huyền còn là cô gái đảm đang.
Không chỉ cô học trò chăm ngoan trong mắt thầy cô và bạn bè, Huyền còn là cô gái đảm đang.

Đã nhiều năm nay Huyền luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện, năm học 2009 - 2010, em đạt số điểm tổng kết khá cao (8,1) dù hoàn cảnh không cho phép em đến bất cứ lớp học thêm nào. Huyền tâm sự: “Đồng lương công nhân cao su của mẹ không đủ nuôi các em ăn học nên em gái Nguyễn Thị Gái Hoài (đang học lớp 7) đành phải tạm gác việc học để giúp bố mẹ và dành tiền cho em đi học. Dù rất thương em nhưng vì cái nghèo không thể làm khác được”. Trong căn nhà tuềnh toàng, nhỏ hẹp, 5 chị em mà chỉ có mỗi chiếc bàn nên hàng đêm đợi các em đi ngủ thì em mới có chỗ để học bài, sáng sớm em lại cùng mẹ đi cạo mủ rồi mới đến lớp. Tuy vậy, Huyền vẫn chưa một lần đến lớp trễ hay nghỉ học. Giờ đây, Huyền luôn thấp thỏm âu lo vì không biết bố mẹ có đủ sức nuôi em 4 năm học đại học không nữa, bởi với đồng lương công nhân của mẹ và còn nuôi năm chị em ăn học thì đó quả là điều khó khăn. Mỗi lần nhắc đến mẹ, mắt Huyền rưng rưng: “Mẹ em đã rất vất vả với vai trò trụ cột trong gia đình suốt mấy chục năm qua, thế nên em không chỉ học cho em mà còn cho cả bố mẹ nữa”.

Thầy Lê Như Cườm, Hiệu trưởng Trường THPT Trường Chinh cũng dành cho em những lời khen ngợi: “Tuy hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn nhưng em rất hiếu học, đó là điều đáng hoan nghênh đối với học sinh vùng sâu như trường này, em xứng đáng là tấm gương để bạn bè học tập và noi theo”.

Thế Hùng

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.