Multimedia Đọc Báo in

“Em không muốn trở thành gánh nặng của mọi người”

17:10, 30/08/2010

Mặc dù hai chân đều bị khoèo, bàn tay trái bị tật khiến cho việc đi lại và sinh hoạt rất khó khăn nhưng 8 năm liền, Huỳnh Thanh Ngân, học sinh lớp 8, Trường THCS Hùng Vương (thị trấn Ea Knốp, huyện Ea Kar) đều là học sinh khá giỏi, được thầy cô, bạn bè yêu mến.

Huỳnh Thanh Ngân (ngồi) luôn nỗ lực vượt khó học giỏi.
Huỳnh Thanh Ngân (ngồi) luôn nỗ lực vượt khó học giỏi.

Ngày Ngân cất tiếng khóc chào đời, vợ chồng anh Huỳnh Văn Hoàng (bố Ngân) vui mừng khôn xiết vì có cô con gái xinh xắn, đáng yêu. Nhưng niềm vui kéo dài chưa được bao lâu, anh chị đã phải đón nhận sự thật về chứng bệnh bại liệt bẩm sinh mà Ngân đang mắc phải. Mặc dù kinh tế gia đình khó khăn, thương con, bố mẹ đã đưa em đi chạy chữa khắp nơi nhưng mọi cố gắng, nỗ lực đều không có kết quả. Ngân càng lớn, đôi chân càng bị khoèo, teo tóp, tay trái cũng bị tật, cầm nắm rất khó khăn, mọi sinh hoạt, vận động của em đều phải có người giúp đỡ. Năm nay Ngân đã 17 tuổi nhưng mới học đến lớp 8 bởi hành trình đi tìm con chữ của em khá gian nan. “Đến tuổi đi học, ngày ngày nhìn các bạn cắp sách đến trường, Ngân rấm rứt khóc mãi. Thấy vậy, tôi đã nhiều lần lên trường xin cho cháu vào học nhưng đều bị từ chối vì thầy cô khuyên gia đình nên cho em đi học ở trường dành cho trẻ khuyết tật. Tôi thuyết phục mãi và cam kết sẽ đưa đón em đi học đầy đủ, cuối cùng nhà trường cũng đồng ý”, bố Ngân thổ lộ. Vậy là từ ngày ấy, bố vừa là đôi chân, vừa là người dẫn đường và người bạn lớn theo em suốt 8 năm học vừa qua. Nhà Ngân cách trường hơn 3 km, trong đó có 2 km đường đất, đi lại khó khăn nhưng dù trời nắng hay mưa, bố vẫn luôn đồng hành cùng em đến lớp. Đáp lại sự thương yêu, quan tâm của bố mẹ, Ngân đã có gắng học tập tốt, điểm tổng kết của em luôn đạt trên 8. Để có được thành tích học tập đó, đối với một học sinh khuyết tật như Ngân là cả sự cố gắng, nỗ lực vượt bậc. Trên lớp em luôn cố gắng chăm chú nghe giảng để nắm vững kiến thức. Về nhà, ngoài các bài tập thầy cô giáo, Ngân còn đọc thêm sách tham khảo và làm các bài tập nâng cao. Những chỗ chưa hiểu hoặc những hôm ốm nặng phải nghỉ học, Ngân đều nhờ thầy cô và bạn bè giảng giải thêm. Khâm phục nghị lực của cô học trò khuyết tật, thầy cô và các bạn trong lớp đều rất thương yêu và sẵn sàng giúp đỡ em chép bài, giảng bài, tìm tài liệu học tập. Ngân thích nhất là môn Tin học, Văn và Toán, ước mơ lớn nhất của em là trở thành một kỹ thuật viên máy tính vì nó phù hợp với sức khỏe và hoàn cảnh của em.

Mặc dù đi lại khó khăn nhưng Ngân vẫn luôn cố gắng tự làm những việc có thể để giúp đỡ mẹ và kèm cặp hai em học. Hỏi về mong muốn lớn nhất của mình, Ngân chia sẻ:  “Hoàn cảnh gia đình em rất khó khăn, mọi chi tiêu sinh hoạt đều trông chờ vào mấy sào rẫy và tiền làm thuê của bố mẹ. Căn nhà gia đình em đang ở cũng do anh em, bà con hàng xóm giúp đỡ xây cho. Vì vậy, em chỉ mong muốn học thật giỏi, sau này được tạo điều kiện có nghề nghiệp ổn định, tự lo cho bản thân để không trở thành gánh nặng của mọi người”. Mong ước của Ngân thật giản dị, nhưng để thực hiện được điều đó, ngoài nỗ lực, cố gắng của bản thân em, rất cần sự chung tay, giúp đỡ của cộng đồng.

 

Nguyễn Xuân

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.