Hứa Trần Thanh Trúc - cô học trò nghèo chăm ngoan, học giỏi
Từ 7 giờ – 11 giờ: học ở trường; 11 giờ - 13 giờ: ăn trưa, nghỉ ngơi; 13 giờ-21 giờ: phụ ba mẹ làm bánh; 21 giờ - 1 giờ: học và làm bài tập ở nhà; 1 giờ - 5 giờ: ngủ; 5 giờ - 7 giờ: học bài và phụ mẹ chuẩn bị bánh đi bán. Đó là thời khóa biểu của cô học trò nghèo, 8 năm liền là học sinh giỏi, Hứa Trần Thanh Trúc (sinh năm 1996, hiện là học sinh lớp 9, Trường THCS Lý Tự Trọng, xã Pơng Drang, huyện Krông Buk).
Gia đình Trúc có lẽ là nhà nghèo nhất xóm 11, thôn 8, xã Pơng Drang. Một căn nhà gỗ nhỏ, ẩm thấp, hơi xiêu vẹo là nơi tá túc của cả gia đình. Ba mẹ Trúc trước đây là cán bộ, công nhân viên của một lâm trường trên địa bàn huyện Krông Buk nhưng đã nghỉ việc theo chế độ mất sức từ nhiều năm nay. Nhà chỉ có hơn 1 sào cà phê trồng từ năm 1984 nên đã già cỗi, năng suất rất thấp, thu nhập mỗi năm chẳng đáng là bao. Nguồn sống chủ yếu của gia đình là những đồng tiền kiếm được từ nghề làm và bán bánh ít lá gai của ba mẹ. Trúc có 4 chị em, chị đầu vừa tốt nghiệp đại học, hiện đang tìm việc ở tận TP. Hồ Chí Minh; chị thứ hai đang học tại chức năm thứ nhất tại Trường Đại học Tây Nguyên; anh kế Trúc đang học đại học năm thứ hai tại TP. Hồ Chí Minh. Trúc cho biết, chính vì “quân số” đi học nhiều hơn đi làm nên dù đã cố gắng nhưng gia đình vẫn chưa thoát ra khỏi diện hộ nghèo.
Hứa Trần Thanh Trúc (trái) phụ mẹ làm bánh. |
Nghề làm bánh ít lá gai khá vất vả, lợi nhuận mang lại từ việc bán lẻ khoảng 200 chiếc bánh mỗi ngày là không nhiều, nhưng để làm được số bánh này cả ba mẹ và Trúc phải “tay làm hàm nhai”. Nào là đi mua lá chuối ở các buôn đồng bào xa cách nhà hàng chục cây số. Rồi đến ngâm gạo nếp, xay bột, ủ bột, giã lá gai (một thứ lá làm nên vị đặc trưng của bánh). Đặc biệt, phải thức đêm để nấu mới có được những chiếc bánh còn nóng hổi trong mỗi phiên chợ sáng. Chính vì thế, ngoài giờ học chính khóa ở trường, thời gian còn lại Trúc dành phần lớn vào việc phụ giúp ba mẹ làm bánh. Thông thường, phải đến 21 giờ, khi nồi bánh đã được đặt lên bếp để nấu thì Trúc mới có thời gian dành cho việc học và làm bài tập ở nhà. Trúc cho biết, vì quỹ thời gian dành cho việc học ở nhà quá ít nên em rất chú tâm đến việc nghe thầy cô giảng bài; chủ động thảo luận với bạn bè, đồng thời nhờ các thầy cô giảng giải thêm những điều chưa hiểu ngay tại lớp. Nhờ đó, kết thúc buổi học là Trúc đã nắm hoặc thuộc luôn bài cũ. Trúc tâm sự: “Em mơ ước trở thành giáo viên dạy môn Tiếng Anh nhưng lo quá. Lo vì ba mẹ mỗi ngày mỗi già thêm nên thường ốm đau; nghề làm bánh ngày càng “co” lại vì ít người mua. Trong vài năm tới, chưa chắc các anh chị đã có việc làm ổn định nên không biết ba mẹ có đủ sức để lo cho em thực hiện ước mơ của mình”.
Ý kiến bạn đọc