Multimedia Đọc Báo in

Lật tẩy âm mưu sát hại Thống đốc Sarawak

16:58, 02/07/2012

Cách đây 63 năm, vào ngày 3-12-1949, tại chuyến thăm thị trấn Sibu, bang Sarawak (Malaysia), tân Thống đốc người Anh, Duncan Stewart đã bị chết thảm ngay giữa thanh thiên bạch nhật bởi một nhóm giả danh phóng viên. Vụ án chứa đựng vô vàn bí ẩn nhưng nhờ bức thư mật vừa được phát hiện, tình tiết đã được sáng tỏ.

Duncan Stewart
Duncan Stewart

Sau Chiến tranh thế giới thứ 2, phần lớn các nước khu vực Đông Nam Á đều nằm dưới sự đô hộ của các đế quốc lớn, Malaysia cũng không ngoại lệ. Ngày 3-12-1949, Sarawak, thuộc địa mới mà Anh vừa giành được đã đón chào một vị Tân thống đốc thay cho người tiền nhiệm người gốc Palestine. Dưới con mắt người Anh, Sarawak là một trong những điểm nóng và nguy hiểm nhất trên thế giới hồi đó. Sau một vài tuần tìm hiểu, Duncan Stewart  quyết định có chuyến thăm chính thức tới thị trấn Sibun. Theo báo chí thì Stewart được chào đón nồng nhiệt bởi một đám đông dân chúng háo hức và phấn khích. Sau khi duyệt đội danh dự, Duncan Stewart được các em thiếu nhi lên tặng hoa. Nhân lúc lộn xộn, một nhóm thanh niên tay cầm máy ảnh tiến về phía Duncan, đề nghị được chụp ảnh; và một thanh niên đã bất ngờ rút kiếm đâm thẳng vào tân Thống đốc. Ngay sau khi bị trọng thương Duncan Stewart đã được đưa đi cấp cứu nhưng do bị thương quá nặng, nên sau đó đã tử vong tại một bệnh viện ở Singapore.

Hai thanh niên địa phương người Mã Lai tên là Rosli bin Dobi và Moshidi bin Sedek đã bị bắt. Cả hai đều là thành viên thuộc tổ chức Rakun 13, có nhiệm vụ phục hồi danh dự cho Anthony Brooke, thừa kế người Anh được dư luận gọi là gia đình White Rajahs hay còn gọi là tổ chức "chống chuyển giao quyền lực" ở Sarawak. Gia đình Anthony Brooke từng cai trị vùng đất phía bắc từ giữa thế kỷ 19. Nó đã được truyền qua nhiều đời, từ thời cụ của Anthony Brooke tên là James, sau đó là Vua Brunei trước khi nhà thám hiểm thời Victoria này dẹp yên một cuộc bạo loạn và trở thành người cai trị chính thức Sarawak.

Dưới sự điều hành của gia đình Anthony Brooke, vương quốc Sarawak  khá yên tĩnh, lợi ích của các bộ lạc địa phương được bảo hộ nhưng càng về sau, kinh tế phát triển sự giao lưu  thương mại ồ ạt thì miếng mồi Sarawak lại có thêm nhiều kẻ nhòm ngó, trong đó có cả những người Anh từ chính quốc.  Và, cuối cùng, vào tháng 7-1946, Sarawak đã chính thức trở thành thuộc địa cuối cùng của Anh thông qua một cuộc chuyển giao giữa chú của Anthony Brooke là Charles Vyner Brooke với chính phủ Hoàng gia để đối lấy khoản tiền 200.000 bảng. Còn Anthony Brooke thì đinh ninh trước sau sẽ được bổ nhiệm chức Thống đốc mới của Sarawak. Nỗi buồn của Anthony Brooke cũng chính là nỗi buồn của những người dân địa phương, mặc dù gia đình Anthony Brooke là người Anh, vì vậy mà sự kiện này đã dấy lên làn sóng "ngầm" âm ỉ. Làn sóng biểu tình lan rộng từ làng này sang làng kia, ban đầu là mục đích chống trao quyền, sau đó là ủng hộ gia đinh White Rajah, cụ thể hơn là muốn Anthony Brooke quay lại nắm quyền.

Vì vậy, khi tân Thống đốc Duncan Stewart bị giết, mối nghi ngờ đầu tiên là Anthony Brooke, ông còn bị xem là thủ lĩnh của phong trào này. Rất nhiều câu hỏi được đặt ra, nào là Anthony Brooke đã đứng sau âm mưu ám sát Duncan Stewart để giành quyền lực? Người Sarawak muốn nhân sự kiện này giành độc lập?  Liên quan về câu hỏi này, Giáo sư  Sử học Simon Ball, ở Đại học Glasgow (Anh), người đã bỏ ra nhiều năm nghiên cứu cho rằng câu hỏi này phải dành cho chính phủ Anh, bởi hơn ai hết họ hiểu rất rõ ngọn ngành.

Với bằng chứng mới vừa được phát hiện thì những kẻ ám sát Duncan Stewart đã không hành động vì Anthony Brooke, không muốn ông trở lại nắm quyền mà cũng chẳng ủng hộ Duncan Stewart. Bằng chứng, trong một bức thư được phát hiện  bởi Giáo sư Simon Ball và những  cộng sự cùng tham gia điều tra vụ này vào trung tuần tháng 3-2012 vừa qua, những kẻ ám sát muốn giúp nước láng giềng Indonesia thay thế Anh tiếp nhận Sarawak, biến Sarawak thành khu vực tự do bên cạnh Indonesia. Còn người Anh thì sợ phải đối đầu với Indonesia, quốc gia thuộc địa vừa giành độc lập từ tay Hà Lan bằng vũ lực giống như chiến dịch bài Anh mà Anh đang phải đối mặt ở vùng Tây Bắc Malaysia. Vì vậy, Anh quyết định "im lặng là vàng" để làm dịu tình hình, nhất là những người ủng hộ  Brooke và trấn an phong trào bài thực dân. Trong bức thư được ghi "mật” do John Higham, Văn phòng thuộc địa gửi cho Bộ Ngoại giao cho hay thông tin công khai trên báo chí là rất nguy hiểm, nếu không nói là buộc tội Anthony Brooke. Sau một tuần, lá thư được phản hồi, nhấn mạnh rằng không hề có bằng chứng AB (Anthony Brooke) biết về ý định ám sát ngài Thống đốc, nên dư luận vẫn chĩa mũi nhọn vào Anthony Brooke.

Một năm sau, Anthony Brooke chính thức từ bỏ ước muốn trở thành Thống đốc Sarawak và chu du khắp nơi với tư cách đại sứ hòa bình tự phong, trước khi định cư ở vùng nông thôn hẻo lánh ở New Zealand, nơi ông qua đời ở tuổi 98 năm 2011. Sau khi ông qua đời, cháu ông là Jason Brooke cho biết, cho đến khi từ giã cõi đời ông nội của Jason vẫn chưa biết sự thật, vẫn mang danh giết Duncan Stewart, mặc dù ông chẳng có hiềm khích gì với người bị hại.

Vài nét về Rosli Dhobi

Một trong hai người trực tiếp sát hại Duncan Stewart là Rosli Dhobi (1932-1950), thành viên thuộc nhóm dân tộc Rakun 13, người Mã lai ở Sarawak. Đây là một tổ chức bí mật chuyên thực hiện các vụ ám sát sĩ quan thực dân Anh ở Sarawak. Rosli gia nhập Rukun ngày 13-8-1948. Ngày 3-12-1949, Rosli cùng Awang Ramli Amit Mohd Deli, Morshidi Sidek và Bujang Suntong đến Sibu. Morshidi và Morshidi Sidek giả vờ chụp ảnh bằng một máy ảnh bị hỏng, khi tiếp cận gần Duncan Stewart, Rosli đã đâm liên tiếp nhiều nhát làm cho Stewart gục ngay tại chỗ. Sau một vài tháng tạm giam, Dhoby Rosli, Awang Ramli Amit Mohd Deli, Morshidi Sidek và Suntong Bujang đã bị kết án tử hình bằng hình thức treo cổ. Lo sợ sự nổi dậy của người dân địa phương, chính phủ Anh đã không cho phép đưa thi hài Rosli ra khỏi nhà tù Trung Kuching mà chôn trong một ngôi mộ không có dấu hiệu. Sau khi Sarawak giành được độc lập ngày 22-7-1963 và sau đó là việc ra đời Liên bang Malaysia vào ngày 16-9-1963, bia mộ Rosli Dhoby đã được khôi phục. Năm 1996, người ta đã hỏa táng hài cốt Rosli và đưa về an táng tại Bảo tàng Hồi giáo Sarawak ở Kuching.

Khắc Hùng (Theo BBC-13-3-2012)


Ý kiến bạn đọc