Những điều bí ẩn về người phụ nữ có "3 bộ mặt"
Nhờ phim, dư luận biết đến căn bệnh lạ
Năm 1957, nhà báo Alistair Cooke - người dẫn truyện cho phim The Three Faces of Eve - đã công bố hàng loạt bài viết về sự kiện "lạ nhưng có thật " này. Phim dựa trên cuốn sách của hai bác sĩ tâm thần Corbett H. Thigpen và Hervey M. Cleckley, kể về cuộc đời của một nữ bệnh nhân người Mỹ, Christine Costner Sizemore.
Nhân vật Eve có nguyên mẫu là Christine Costner Sizemore do nữ diễn viên từng đoạt giải Oscar Joanne Woodward thủ vai. Eve là một phụ nữ nội trợ mắc phải căn bệnh rối loạn đa nhân cách, hay gọi theo y học hiện đại là rối loạn nhận dạng phân ly (DID: Dissociative Identity Disorder) – một dạng bệnh tâm lý với nhiều cá tính khác nhau. The Three Faces of Eve thực chất là nói về nửa cuối đời của bà Sizemore với 20 nhân cách khác nhau, lúc là Eve Trắng từ tốn, khi thì Eve Đen buông thả và rất nhiều nhân cách lạ khác như quý cô dâu tây hay cô bé chuối... Theo dẫn chuyện của Alistair Cooke, cuộc đời Sizemore kết thúc có hậu là quá sớm. Thực sự Sizemore đã phải sống một thời gian vô cùng khắc nghiệt, kể cả cuộc sống riêng lẫn hôn nhân do bản sắc bị phân mảnh.
Bức tranh tự họa của Sizemore vẽ năm 1957 nói về tâm trạng của bản thân mình. |
Costner Sizemore và căn bệnh DID
Costner Sizemore tên khai sinh là Christine Costner, sinh năm 1927 và mới qua đời hôm 24-7-2016 tại bang Florida (Mỹ), thọ 89 tuổi.
Theo hồ sơ bệnh án, trong 40 năm cuối đời, bà Sizemore phải sống "cuộc đời nhiều mặt". Theo các bác sĩ tâm thần, nguyên nhân gây bệnh DID rất đa dạng, có thể đây là cơ chế tự vệ phản ứng với chấn thương nghiêm trọng khi còn trẻ hoặc bị tổn thương thể chất kéo dài hay bị lạm dụng tình dục. Trường hợp Sizemore có thể do những trải nghiệm khủng khiếp nào đó ngay từ tuổi ấu thơ. Trên thực tế, Sizemore đã trải qua hàng loạt sự kiện khiến bà có thể bị tổn thương, như mẹ bị chảy máu nặng bởi tai nạn nhà bếp, đám tang của đứa trẻ sơ sinh hàng xóm, xác chết bị kéo lê trên con mương hay chứng kiến cảnh một người đàn ông bị chiếc cưa xẻ gỗ cắt đôi thân. Khi lớn lên, Sizemore còn nhiều lần bị trừng phạt một cách tàn nhẫn về hành vi không nghe lời thầy cô, bố mẹ. Suốt thời gian dài, giáo viên cùng gia đình nghĩ rằng Sizemore đang bày trò quậy phá hoặc nói dối mà không hề biết bản thân Sizemore đang mắc bệnh, không hề nhớ những gì do thay đổi nhân cách gây ra. Vì vậy việc học hành của Sizemore gặp nhiều khó khăn, bởi nhân cách này đến lớp còn nhân cách khác lại nghĩ vẩn vơ, đầu rỗng tuếch và hậu quả là bà đã không hoàn thành bậc trung học.
Theo các chuyên gia tâm lý, mỗi khi nhân cách luân phiên là lúc Sizemore bị đau đầu dữ dội. Hai bộ mặt Eve và Jane đôi khi xuất hiện cùng một lúc hoặc chết dần, xuất hiện cả những nhân cách khác như nhân cách quý cô dâu tây chỉ ăn dâu tây hay nhân cách của cô bé chuối thích ăn chuối hay nhân cách của quý cô trinh nữ không thích trang điểm. Sizemore cho biết, sự thay đổi nhân cách này đã làm cho bà không thể nhận ra mình, có lúc ăn vô tội vạ, ăn cho 3 người cùng một lúc nên trong lượng tăng gần 80 ký. Thậm chí có vài nhân cách biến bà thành một tài xế xe hơi.
Từ năm 1970, Sizemore trải qua liệu pháp 4 năm để thống nhất các nhân cách. Sau đó, bà đã biết cách chấp nhận thực tế cũng như nỗi sợ hãi và cảm giác thiếu an toàn. Năm 1974, Sizemore nằm mơ thấy "các nhân cách này đã tìm được tiếng nói chung, nắm tay nhau bước qua một tấm màn rồi biến mất", từ đây rối loạn đa nhân cách của Sizemore kết thúc.
Sau khi trở lại với cuộc sống bình thường, năm 1989, Sizemore bắt đầu viết tự truyện mang tên A Mind of My Own (Tâm trí tôi) kể về 40 năm cuối đời của mình, tiếp tục phát huy năng khiếu hội hoạ, thường xuyên diễn thuyết về bệnh tâm lý và tham gia làm phim tài liệu cho đến khi qua đời.
Bệnh rối loạn nhận dạng phân ly (DID) được cho là một tình trạng tâm lý phức tạp gây nên bởi nhiều yếu tố. Do xuất hiện của nhiều cá tính nên việc chẩn đoán gây nhiều tranh cãi, thậm chí có chuyên gia tâm lý, thần kinh còn tin rằng DID là một "nhánh" của căn bệnh tâm thần, hoặc một dạng mất trí nhớ phân ly. Hệ lụy từ DID không đồng nhất, thường làm cho người bệnh bị mất nhân cách, cảm giác thế giới là không thật, hay quên, thường hay nhầm lẫn... Do chứa đựng nhiều bí ẩn nên căn bệnh này chưa có giải pháp điều trị dứt điểm. |
Duy Hùng
(Dịch từ NYT - 8/2016)
Ý kiến bạn đọc