Multimedia Đọc Báo in

Đẩy mạnh tuyên truyền, xử lý nghiêm những trường hợp xả rác thải bừa bãi ở Hòa Sơn

09:09, 04/05/2018

Ở xã Hòa Sơn, tình trạng những người dân thiếu ý thức vứt rác sinh hoạt, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng hoặc xác chết gia súc, gia cầm bừa bãi đã khiến một số nơi môi trường bị ô nhiễm và gây ra những hệ lụy.

Điển hình như trường hợp mới đây của cháu Nguyễn Thị Đỗ Quyên (thôn 4, xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông). Cháu có thói quen hay đùa giỡn, bắt ve, bọ chét cho hai con chó nhà mình nuôi. Tuy nhiên, hai con chó này thường xuyên đi tha, ăn xác heo, gà, chó chết bị vứt tại đập Cây Sung của thôn 4. Tháng 3-2018, cháu Quyên bị tức ngực khó thở lên cơn sốt cao. Gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện, rồi chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Sau khi siêu âm, xét nghiệm, chụp X-quang nhiều lần và hội chẩn, các bác sĩ nghi ngờ cháu bị nhiễm virút cúm A - H5N1 của gà và phải cách ly để điều trị. Rất may là sau đó cháu bé không nhiễm virút cúm A - H5N1 mà chỉ bị nhiễm virút cúm gà thông thường gây viêm phổi nặng và đã được chữa trị kịp thời.

Chính quyền xã Hòa Sơn đã triển khai nhiều giải pháp nhằm kiên quyết xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường như: thành lập Tổ thu gom rác thải hoạt động bằng việc thu phí theo Quyết định số 117/2014/NQ – HĐND tỉnh về mức thu các loại phí và lệ phí trên địa bàn tỉnh; xây dựng lò giết mổ gia súc tập trung với kinh phí 110 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 90 triệu đồng, nhân dân đóng góp 20 triệu đồng; lắp đặt 15 bể chứa rác thải nguy hại đồng ruộng tại các cánh đồng ở thôn, buôn nhằm thu gom chai lọ, vỏ thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng. UBND xã Hòa Sơn cũng chỉ đạo ban tự quản, các đoàn thể ở thôn, buôn tăng cường vận động bà con đăng ký thu gom rác; thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở việc chấp hành các quy định về thu gom, xử lý rác thải, chấn chỉnh việc để chất thải chăn nuôi gia súc ra ngoài gây ô nhiễm môi trường; khuyến khích khen thưởng những người phát hiện, tố cáo hành vi gây ô nhiễm môi trường… Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên xã cũng thường xuyên phát động các hoạt động làm sạch môi trường trong “Ngày thứ 7 tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”...

Tuy nhiên, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của một số người dân vẫn chưa cao. Tại một số địa điểm như đập Cây Sung (thôn 4), một số điểm đầu cống của các tuyến kênh N1, N3 và N3B, hồ Ông Kỷ (thôn Quảng Đông), nhất là nơi tập trung các mũi nước cuối nguồn tại một số tuyến kênh mương ở thôn 7 vẫn còn tình trạng các bao chứa xác heo chết, gà, chó chết bị vứt bừa bãi bốc mùi hôi thối. Dù đã có những bể chứa rác thải nguy hại đặt trên đồng ruộng nhưng một số người phun thuốc xong vẫn vứt chai, lọ, bao bì đựng thuốc bừa bãi ra môi trường.

Thiết nghĩ, cùng với việc tiếp tục thực hiện các giải pháp trên, xã Hòa Sơn cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường; bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp xả rác thải bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường.

Mộng Linh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.