Multimedia Đọc Báo in

Dân bức xúc khi bị thu hồi đất nhưng mãi không được bồi thường

09:22, 25/06/2018

Bị thu hồi đất hơn một năm nay, cây cối để hoang, chết dần chết mòn nhưng vẫn không được bồi thường do chờ vị trí đặt trạm BOT mới khiến hàng chục hộ dân tại xã Ea Đrơng (huyện Cư M’gar) bức xúc và nhiều lần kiến nghị chính quyền.

Theo Quyết định ngày 27-4-2017 của UBND huyện Cư M’gar, có 45 hộ dân tại xã Ea Đrơng bị thu hồi đất để thực hiện Dự án xây dựng tuyến tránh phía tây thị xã Buôn Hồ với tổng số tiền phải bồi thường là gần 11,3 tỷ đồng.

Dự án tuyến đường tránh tây Buôn Hồ dài 26 km, tổng mức đầu tư là 757 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đã thi công được khoảng 20 km, còn lại 6 km đang phải tạm dừng do chủ đầu tư dự án BOT Quang Đức có khiếu nại và việc bồi thường cho người dân cũng chưa được thực hiện.

Anh Đinh Văn Hoàn (trú thôn Tân Phú, xã Ea Đrơng) cho biết, gia đình anh bị thu hồi hơn 4 sào đất đang trồng khoảng 1.000 trụ tiêu để thực hiện dự án này. Trước đó, rẫy tiêu cho thu hoạch mỗi năm từ 3 tấn trở lên, mang về nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. “Giờ họ thu hồi, đất đai tôi không có, vốn liếng thì không vay được nên kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Tôi mong chính quyền các cấp phải có quyết định dứt khoát với dân, không thể để chúng tôi thiệt hại mà không có đền bù thỏa đáng được”, anh Hoàn bức xúc.

Ông Lê Hồng Hương (Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Tân Phú, xã Ea Đrơng) cũng bị thu hồi hơn 2 sào đất để giao đất cho Dự án. Những hộ có đất bị thu hồi, cơ quan chức năng đã yêu cầu bà con ngừng chăm sóc cây cối để bàn giao. Tuy nhiên, ông Hương cho biết, đến nay đã hơn một năm nhưng vẫn chưa có hộ dân nào được nhận tiền bồi thường. Ông Hương băn khoăn: “Trong các cuộc họp, phía huyện đều cho biết do vướng mắc BOT trên Quốc lộ 14 nên chưa chi trả được. Nhà nước cần phải nói rõ dự án có tiếp tục hay không, thiệt hại về thu nhập của người dân trong thời gian qua sẽ được chi trả ra sao?”.

Trao đổi về vấn đề này, theo ông Phạm Ngọc Thái, Giám đốc chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Cư M’gar, vừa qua trong buổi tham vấn ý kiến cộng đồng, đa số người dân đã đồng ý việc dời trạm BOT Quang Đức từ vị trí hiện tại (Km 1747, thị xã Buôn Hồ) về vị trí mới Km 1758+085 (xã Cuôr Đăng, Cư M’gar) nhưng hiện phía UBND tỉnh chưa có ý kiến chỉ đạo nên đơn vị chưa thể triển khai. Ông Thái cũng nhận định, việc đất đai để hoang, chậm bồi thường cho người dân là việc rất phức tạp.

Còn ông Lê Công Du, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải thì giải thích: Việc người dân chưa được nhận tiền bồi thường là do Dự án tuyến tránh phía tây thị xã Buôn Hồ đang tạm dừng tại đoạn thuộc huyện Cư M’gar. Hiện Văn phòng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải phối hợp UBND tỉnh đánh giá tác động các phương án di dời trạm BOT Quang Đức, xem xét quyết định lựa chọn phương án tối ưu. “Sau khi có kết quả sẽ tiếp tục triển khai dự án trên và công tác giải phóng mặt bằng” - ông Du cho biết. Về những thiệt hại phát sinh do chậm bồi thường, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lê Công Du cho biết sau này sẽ căn cứ vào Luật Đất đai để có mức bồi thường đúng quy định.

Võ Trường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.