Multimedia Đọc Báo in

Về vụ án "cố ý gây thương tích" ở huyện Ea H'leo: Các căn cứ để truy tố bị can Trần Thị Thanh Hiền liệu đã hợp lý?

07:46, 05/10/2018

Ngày 7-5-2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Ea H’leo đã ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “cố ý gây thương tích” và khởi tố bị can đối với Trần Thị Thanh Hiền (SN 1971, trú số 2 Quang Trung, phường 10, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) theo quy định tại điểm đ, khoản 2, điều 134 Bộ luật Hình sự.

Tiếp đó, ngày 16-8-2018, Viện KSND huyện Ea H’leo đã ban hành cáo trạng số 77/CT-VKS truy tố bà Hiền về tội “cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm a, c khoản 1 và điểm đ, khoản 2, điều 134 Bộ luật Hình sự. Đối chiếu với các quy định của pháp luật hiện hành cũng như diễn biến vụ việc cho thấy căn cứ để truy tố bà Hiền còn nhiều vấn đề cần phải được các cơ quan chức năng quan tâm.

Vụ việc như sau: vào khoảng 7 giờ 30 ngày 8-9-2017, bà Hiền đến khu vực nhà đội của Nông trường Cao su Dliê Yang (thôn 3, xã Dliê Yang, huyện Ea H’leo) để gặp Trần Thị Hạnh - là em cùng cha khác mẹ với bà Hiền. Do có mâu thuẫn trong việc góp vốn kinh doanh trồng khoai nên bà Hiền yêu cầu bà Hạnh trả lại số tiền đã vay của bà Hiền trước đây. Hai bên xảy ra tranh cãi, bà Hiền dùng tay tát vào mặt bà Hạnh hai cái, trong lúc giằng co, bà Hạnh dùng răng cắn vào tay bà Hiền, bà Hiền đã lấy vỏ quả sầu riêng gần đó đánh một cái trúng vào má bên phải của bà Hạnh. Thấy vậy mọi người chạy đến can ngăn và hai bên ra về. Đến ngày 10-9-2017, bà Hạnh đến khám và siêu âm tại Phòng khám tư nhân Bác sĩ Phượng (529 Giải Phóng, thị trấn Ea Đrăng, huyện Ea H’leo), kết quả siêu âm kết luận: “Kích thước tử cung to hơn bình thường, cấu trúc cơ tử cung đồng nhất, không có khối choáng chỗ, có hình ảnh túi ối trong buồng tử cung, kích thước 14.4 mm, có nhiều máu tụ sau nhau. Một thai sống trong tử cung 4 tuần 5 ngày, động thai”.

Ngày 11-9-2017, bà Hạnh đến Bệnh viện Đa khoa Ea H’leo xin cấp giấy chứng nhận thương tích. Tại đây, bác sĩ Phượng - người thực hiện việc siêu âm cho bà Hạnh vào ngày 10-9-2017 đã dùng kết quả siêu âm tại phòng khám tư nhân của mình để làm căn cứ ghi vào giấy chứng nhận thương tích cho bà Hạnh.

Ngày 29-10-2017, bà Hạnh đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh, kết quả bà Hạnh có thai khoảng 9 - 10 tuần tuổi, đã chết lưu.

Bản kết luận giám định pháp y thương tích số 1304 ngày 1-11-2017 của Trung tâm Pháp y tỉnh Đắk Lắk kết luận tỷ lệ thương tích của Trần Thị Hạnh là: “Vết thương vùng mặt 7%, vật gây ra thương tích là cứng, nhọn. Thai chết lưu 10 tuần 10%, tổng cộng 17%”.

Qua theo dõi diễn biến vụ việc cho thấy nhiều nội dung được dùng làm cơ sở xử lý bà Hiền thiếu căn cứ, phi khoa học. Bản kết luận của Trung tâm Pháp y tỉnh Đắk Lắk được lập ngày 1-11-2017 có sử dụng căn cứ là hồ sơ của bà Hạnh tại Bệnh viện Đa khoa huyện Ea H’leo và Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh. Theo Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh, ngày 6-11-2017, đơn vị này mới sao lục hồ sơ bệnh án của bệnh nhân Hạnh theo yêu cầu của Trung tâm Pháp y. Như vậy, Trung tâm Pháp y tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành việc giám định trước khi có hồ sơ bệnh án của bà Hạnh… 5 ngày (!?). Một hồ sơ khác mà Trung tâm Pháp y Đắk Lắk cũng dùng làm căn cứ là hồ sơ của bệnh nhân Hạnh tại Bệnh viện Đa khoa huyện Ea H’leo. Tuy nhiên, hồ sơ này thật ra chỉ là giấy chứng nhận thương tích do bác sĩ Phượng lập, trên cơ sở phiếu siêu âm do chính bác sĩ Phượng thực hiện tại phòng khám tư của mình. Tại buổi làm việc với Bệnh viện Đa khoa huyện Ea H’leo ngày 27-9-2018, lãnh đạo bệnh viện đã xác nhận rằng: không có hồ sơ bệnh án của bà Trần Thị Hạnh tại bệnh viện.

Tương tự, việc xác định nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái thai trong bụng bà Hạnh bị chết lưu cũng cần được xem xét một cách khách quan, toàn diện và khoa học. Bởi lẽ, diễn biến xô xát giữa bà Hạnh và bà Hiền được ghi nhận trong hồ sơ không thể hiện tác động mạnh nào đến vùng bụng của bà Hạnh. Như vậy, việc xô xát giữa hai người có phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến bà Hạnh bị động thai gây thai chết lưu hay không là vấn đề cần được làm rõ. Một điểm khác cần lưu ý, tại sao sự việc xảy ra từ ngày 8-9-2017 nhưng mãi đến 29-10-2017, bà Hạnh mới đến Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh để khám. Và, trong thời gian hơn 50 ngày này, ai dám bảo đảm rằng bà Hạnh không làm một việc gì khác, hoặc không bị bất kỳ tác động gì có thể ảnh hưởng đến cái thai (!?).

Một điểm đáng quan tâm nữa là cơ quan chức năng xác định việc bà Hiền dùng vỏ sầu riêng tát bà Hạnh là “dùng hung khí nguy hiểm”, trong khi đó, danh mục hung khí nguy hiểm hiện hành không có vỏ sầu riêng. Như vậy, việc áp dụng tình tiết “dùng hung khí nguy hiểm” này liệu có phù hợp?.

Việc bà Hiền vi phạm pháp luật và bị xử lý là điều đương nhiên. Tuy nhiên, để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, tránh xử lý oan sai cũng như bỏ lọt tội phạm, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần làm việc một cách khoa học, thận trọng trong thu thập chứng cứ, tài liệu để làm căn cứ xác định hành vi, mức độ vi phạm của bà Trần Thị Thanh Hiền.

Luật sư  Tạ Quang Tòng


Ý kiến bạn đọc