Multimedia Đọc Báo in

Cần "dẹp" chợ tự phát trên đường Y Nuê

09:54, 13/08/2019

Chợ tự phát trên đường Y Nuê (TP. Buôn Ma Thuột) tồn tại từ nhiều năm nay, gây mất mỹ quan đô thị và nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.

Đường Y Nuê nối với nhiều tuyến giao thông khu vực trung tâm TP. Buôn Ma Thuột như: Trần Quý Cáp, Mai Thị Lựu, 19-5… do đó, lưu lượng tham gia giao thông trên đường này rất lớn. Đặc biệt, từ ngày Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đi vào hoạt động, mật độ giao thông cao gấp hàng chục lần so với trước đó. Do vậy, đoạn đường trở nên chật hẹp, khó di chuyển hơn và nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cao.

Đặc biệt, vào tầm 6 đến 8 giờ sáng và 16 đến 18 giờ chiều hằng ngày, một số người dân, tiểu thương bày hàng hóa hai bên lề đường, thậm chí cả lòng đường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Vào những khung giờ này, phương tiện lưu thông qua đoạn đường này rất khó, nhất là ô tô. Thêm vào đó, đường Y Nuê đoạn qua chợ tạm có độ dốc cao, mặt đường có vị trí gần như hư hỏng hoàn toàn, lớp nhựa bị bong tróc, đá nhô lên lởm chởm.

Thực tế, đã có không ít trường hợp người dân khi lưu thông qua đây bị té xe, nhẹ trầy xước, nặng gãy tay, gãy chân và hư hỏng phương tiện. Đơn cử như trường hợp chị T.T.N (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) trên đường từ nhà đến chỗ làm, khi đi qua khu vực này bị ngã xe do đường bị lấn chiếm buôn bán, quá chật hẹp. Hậu quả chị bị gãy tay, 2 chân trầy xước phải đi cấp cứu tại bệnh viện.

Mặt đường Y Nuê đoạn khu vực chợ tạm hư hỏng nặng.
Mặt đường Y Nuê đoạn khu vực chợ tạm hư hỏng nặng.

Thêm vào đó, hơn 300 m trên tuyến đường này đoạn nối với đường Lê Duẩn đến khu vực chợ tạm Y Nuê mặt đường, lề đường nhiều vị trí bị hư hỏng nặng, trở thành "cái bẫy" đối với người tham gia giao thông.

Do đó, trong khi chờ vốn để làm mới tuyến đường này, UBND TP. Buôn Ma Thuột cần chỉ đạo lực lượng chức năng có giải pháp giải tỏa chợ tự phát trên đường Y Nuê, nhằm bảo đảm an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.