Multimedia Đọc Báo in

Dạt dào nghĩa tình đồng đội

09:01, 30/04/2010

Cống hiến tuổi trẻ của mình để bảo vệ Tổ quốc, khi trở về với cuộc sống đời thường, những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” vẫn đoàn kết, chia ngọt sẻ bùi, sát cánh cùng nhau trên mặt trận xóa đói nghèo, góp phần làm giàu cho quê hương, đất nước...

Đến nay, gia đình ông Nguyễn Xuân Bút, cựu chiến binh Chi hội thôn 3-721,  xã Ea Kmút (Ea Kar) đã có cuộc sống tương đối ổn định. Nhờ được vay vốn từ quỹ của Chi hội, ông đã xây dựng mô hình kinh tế vườn – ao – chuồng khá quy mô. Hằng năm, khu vườn với 300 trụ tiêu, 4 sào lúa nước, rẫy cà phê, ao cá cùng với 30 con heo thịt, vài chục con gà mái đẻ đã mang lại cho gia đình ông 120 triệu đồng tiền lãi. Ông đã xây được căn nhà rất khang trang và nuôi 5 người con ăn học trưởng thành. Ông Bút tâm sự: “Là người lính chiến đấu trên chiến trường Tây Nguyên rồi ở lại lập nghiệp trên quê hương mới, thời gian đầu, gia đình tôi đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nhờ có những người đồng đội từng vào sinh ra tử trong kháng chiến nay lại cùng sát cánh với nhau trong cuộc chiến xóa đói giảm nghèo, tôi đã vượt qua và từng bước ổn định cuộc sống như hôm nay”.

Những cựu chiến binh thuộc Chi hội thôn 3-721, xã Ea Kmut (Ea Kar) trên con đường tự quản vừa được tu sửa (Ảnh: Lê Hương)
Những cựu chiến binh thuộc Chi hội thôn 3-721, xã Ea Kmut (Ea Kar) trên con đường tự quản vừa được tu sửa        (Ảnh: Lê Hương)
Chi hội Cựu chiến binh thôn 3-721 có 43 hội viên, là những người lính chiến đấu trên khắp các chiến trường trong cả nước đã chọn Dak Lak làm nơi lập nghiệp. Hầu hết các gia đình cựu chiến binh đều sống nhờ vào nghề nông: trồng lúa, tiêu, cà phê và chăn nuôi heo, bò, gà. Họ cùng chia sẻ những khó khăn trong buổi ban đầu định cư trên vùng đất mới và giúp nhau  bằng những cách thiết thực như: hỗ trợ cây, con giống; góp quỹ cho nhau vay không tính lãi hoặc lãi suất thấp; chia sẻ kinh nghiệm sản xuất… Từ năm 2004 đến nay, đã có 15 lượt gia đình hội viên kinh tế khá giúp cây, con giống cho các hộ hội viên nghèo và các hộ dân trong thôn với tổng trị giá hơn 10 triệu đồng. Vụ lúa nào, gia đình các cựu chiến binh có máy cày lồng đất như: Nguyễn Đình Nhuần, Võ Văn Dưỡng, Lê Xuân Trường cũng cày giúp các đồng đội nghèo không lấy tiền. Cụu chiến binh Phùng Minh Sơn ươm hàng nghìn cây giống để cung cấp miễn phí cho các hội viên có nhu cầu làm trụ tiêu. Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Bút còn hỗ trợ miễn phí hai con heo giống cho đồng đội Trần Văn Hùng. Chi hội hiện đã xây dựng được nguồn quỹ gần 20 triệu đồng để giúp các gia đình hội viên gặp rủi ro, hoạn nạn vay không tính lãi và cho các hội viên khác được vay đầu tư sản xuất với lãi suất thấp. Nhờ vậy, đến nay chi hội thôn 3-721 không còn hội viên nghèo, có 21 gia đình hội viên có thu nhập hằng năm từ 100 triệu đồng trở lên, 17 hộ có mức thu nhập từ 50-70 triệu đồng/năm. Không chỉ giúp nhau về kinh tế, các cựu chiến binh ở thôn 3-721 còn bảo nhau đi đầu, gương mẫu trong các hoạt động của thôn, xã. Đầu năm 2010, chi hội đã vận động nhau góp tiền để tu sửa 1 km con đường liên thôn.
Năm 2009, các cấp Hội Cựu chiến binh trong tỉnh đã huy động 237 tỷ đồng từ các kênh để cho hội viên vay phát triển sản xuất, vận động xây dựng quỹ hội trên 17 tỷ đồng, huy động vốn nội lực trên 5 tỷ đồng. Toàn tỉnh hội có 13.569 hộ khá, giàu có mức thu nhập từ 50 triệu đồng trở lên (chiếm 37,64%), có 19.932 hộ có mức sống trung bình (chiếm 55,29%), xóa được 2.052 hộ nghèo (tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 7,07%).
 

Ở Chi hội Cựu chiến binh 3A (thị trấn Ea Kar), trong 5 năm qua, không những các hội viên đã giúp nhau xóa nghèo rất hiệu quả (từ 4 hộ nghèo năm 2004 đến nay đã không còn hội viên nghèo) mà còn xuất hiện ngày càng nhìều mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, trong đó có những doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương. Ông Phan Văn Hứa, chi hội trưởng, cho biết: Chi hội đã xây dựng được nguồn quỹ với 90 triệu đồng, hằng năm trích 10% để cho hội viên nghèo vay không lấy lãi, số còn lại để cho các hội viên khác vay đầu tư mở rộng kinh doanh, sản xuất. Chi hội đã năng động thuê mặt bằng giữ xe đạp, xe máy khoán cho 4 hộ nghèo trông giữ, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho các hội viên. Ngoài ra, được UBND thị trấn Ea Kar tạo điều kiện, chi hội còn thuê đất trống ở khu vực trung tâm để xây dựng kiốt cho thuê, tạo thêm nguồn quỹ cho hoạt động.

Nhờ những cách làm năng động, chi hội 3A không chỉ giúp hội viên xóa nghèo mà còn có điều kiện tổ chức các hoạt động khác như: đưa hội viên đi tham quan trong và ngoài nước; trao thưởng cho con em hội viên học giỏi; mừng thọ cho hội viên cao tuổi; hỗ trợ hàng chục triệu đồng cho những hội viên đau ốm; hỗ trợ tổ chức mai táng chu đáo cho những hội viên qua đời… Đặc biệt, chi hội đã cưu mang, chăm sóc, hỗ trợ cháu Vũ Thị Bích Thủy – con của một hội viên có hoàn cảnh khó khăn đã mất sớm. Ông Hứa vui mừng thông báo: “Cháu Thủy như là con chung của 48 anh em trong chi hội. Chúng tôi đã hỗ trợ tiền ăn học, xin cấp đất cho cháu. Hiện cháu Thủy đã tốt nghiệp đại học và mới lập gia đình”.

 

Lã Hồng Thủy

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.