Multimedia Đọc Báo in

Chuyện kể về trận đánh Đài phát thanh ngụy ở Sài Gòn Tết Mậu Thân

18:48, 22/05/2010

Theo quy định của Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, đơn vị của Nguyễn Gia Lộc tập kết ra Bắc, đóng quân ở Thanh Hóa. Trung đội trưởng Nguyễn Gia Lộc được cử đi học tại Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn. Tốt nghiệp ra trường Nguyễn Gia Lộc sung sướng vì đạt được nguyện vọng về Nam chiến đấu. Bộ Tư lệnh Thành phố Sài Gòn phấn khởi vì có được anh cán bộ có đầy đủ giấy tờ hợp pháp đi lại ở Sài Gòn với cái tên Năm Lộc lại mới tốt nghiệp pháo binh nên đã thăm dò Lộc:
-Thiệu mới trúng cử tổng thống. Chắc chắn nó sẽ tổ chức lễ ăn mừng rầm rộ. Đồng chí tìm vị trí đặt pháo hoặc súng cối để bắn trúng Thiệu.
-Báo cáo các Thủ trưởng, muốn bắn trúng đích cần chuẩn bị rất công phu, vô cùng tỉ mỉ.
Người được cử đi giúp riêng cho Năm Lộc là chị Sáu Hòa, phó chỉ huy biệt động Thành. Vào vai hai chị em con nhà giàu đi dạo phố để đếm từng bước chân, xác định khoảng cách chính xác từ nơi đặt pháo tới lễ đài. Nhận thấy cậu em lộ vẻ không ưng ý đặt pháo ở đường Lê Thánh Tông, chị Sáu Hòa đưa Năm Lộc đến đường Tôn Thất Đạm và dặn:
-Cậu Năm muốn chọn pháo hay súng cối cứ ghi thật chính xác. Chị có đường dây đưa vũ khí vào thành.
Ngày lễ đã tới. Tất cả công phu chuẩn bị được đền đáp, tuy đạn không rơi trúng Thiệu nhưng tiếng nổ lớn vang lên đã làm cho buổi lễ phải ngừng, những người trong cuộc sợ hãi, dư luận khen ngợi Việt cộng tài giỏi.
Trước Tết Mậu Thân, tiểu đoàn phó Nguyễn Gia Lộc được chỉ định giữ chức cụm trưởng (ngang chức đại đội trưởng) đơn vị đánh đài phát thanh ngụy. Các chiến sĩ biệt động có mặt ở hiệu may Quốc Anh. Anh Trần Phú Cương tức Năm Mộc là chủ nhà giữ chức cụm phó. Anh có hầm bí mật, chứa gần một tấn vũ khí. Theo đúng kế hoạch, anh Năm Mộc dùng xe ô tô riêng của gia đình chở gần một tạ thuốc nổ và sáu đồng đội tấn công mục tiêu (số còn lại đi bộ).
Anh Nguyễn Gia Lộc vận động bà chủ tiệm may:
-Thím ráng may thiệt nhanh bao đựng đạn và lựu đạn vì các loại bao để trong hầm vũ khí đều bị mục cả rồi. Thím may cho anh em ta mỗi người một băng đỏ để dễ nhận ra nhau.
Trước giờ xuất phát, Cụm trưởng Nguyễn Gia Lộc lấy bản đồ phổ biến cho toàn bộ, phân công cho từng đội viên. Tiếp đó, nhân danh Cụm trưởng, anh Nguyễn Gia Lộc tức Năm Lộc làm lễ kết nạp bà chủ tiệm may Quốc Anh đứng trong hàng ngũ Biệt động Sài Gòn. Năm Lộc được chỉ định là Bí thư chi bộ. Anh trực tiếp họp chi bộ trước giờ xuất phát.
Anh Năm Lộc ra lệnh Hùng và Hưng rẽ ra hai hướng đánh vào hai lô cốt bảo vệ đài. Anh Năm Lộc cùng Thân, Chính, Mười Nho, Tư Tăng… xông vào cửa chính của đài, chiếm được tầng hai, Năm Lộc hỏi Tư Tăng:
-Làm sao cho nó nói được, anh Tư?
Trong lĩnh vực này, anh đành chịu bó tay, ngong ngóng nhìn xuống đường. Theo kế hoạch, các kỹ sư điều khiển máy do đồng chí Thường dẫn đầu sẽ có mặt ngay tại đài phát thanh ngụy để vận hành máy móc.
Vừa trông thấy bóng đèn pha xe GMC chạy ngoài đường, anh Năm Lộc tưởng quân mình đã tới nơi nên cho lệnh bắn pháo hiệu để liên lạc. Ai ngờ đây là quân tiếp viện của địch phản công ta. Chúng nã tên lửa từ trực thăng xuống, ném lựu đạn cay và cho quân đánh từ dưới lên.
Tuy bọn địch cố gắng hết sức nhưng cũng không thể nào đánh lên gác được. Ở trên cao có lợi thế nên ta dùng thủ pháo diệt địch rất có hiệu quả. Gần sáng, đội trưởng Năm Lộc đưa ra quyết định:
-Chúng ta không đủ sức cầm cự lâu hơn nữa vì đã gần hết đạn và lựu đạn, thủ pháo cũng còn ít. Tôi xin phép anh Tư cho chúng tôi thực hiện phương án hai.
Tiểu đoàn trưởng Tư Tăng hiểu rõ ý định của Năm Lộc về khối thuốc nổ cực mạnh nặng tới 30 kilôgam. Theo kế hoạch, vào trường hợp bất đắc dĩ, ta sẽ cho nổ tung toàn bộ máy móc trong đài phát thanh. Vì không có kíp nổ hẹn giờ nên ai chịu trách nhiệm giật nụ xòe cho khối thuốc nổ là tự nhận lấy cái chết cho mình.
Năm Lộc đề nghị:
-Tôi, đồng chí Bảy Rỗ và Chính, Nho bảo vệ cho đồng chí Tư Tăng rút. Anh Tư sẽ báo cáo với Đảng là chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ tới hơi thở cuối cùng.
Bảy Rỗ góp ý thêm:
-Tôi đồng ý. Chúng ta sẵn sàng hy sinh nhưng cần báo cáo với Đảng là ta đã sống những giây phút cuối cùng của đời mình như thế nào. Anh Tư đảm nhận việc này rất tốt, rất đúng.
Tư Tăng phản đối:
-Không được. Tôi là chỉ huy cao nhất ở đây, tôi ra lệnh đồng chí Năm Lộc rút.
Đồng chí Chính gợi ý:
-Tôi nghĩ anh Tư nên ra. Đừng để kẻ địch vui sướng vì đã hạ được một đại úy, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Vốn có kinh nghiệm chiến đấu. Bảy Rỗ, người có công trong nhiều trận đánh vào Khách sạn Vích-to-ri-a nói:
-Tôi công nhận anh Tư Tăng là chỉ huy cao nhất ở đây. Vì lý do đó, anh chịu trách nhiệm báo cáo là chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ như thế nào.
Phạm Văn Nho phát biểu:
-Dứt khoát ta cần ra lấy một người. Khẩu đại liên cướp được của địch chỉ còn có 15 viên, mỗi khẩu AK còn không quá 10 viên. Nếu chần chừ dễ bị địch phản công là sẽ mất thời cơ.
Như người điều khiển cuộc họp, đội trưởng Nguyễn Gia Lộc kết luận:
-Anh Tư có quyền hạn của người chỉ huy cao nhất, còn tôi có quyền của một bí thư chi bộ. Nhân danh bí thư, tôi yêu cầu các đồng chí đảng viên trong chi bộ ta yêu cầu đảng viên Nguyễn Văn Tăng phải rút, phải có trách nhiệm báo cáo với Đảng. Ai đồng ý giơ tay.
Cả bốn cánh tay đều giơ cao. Anh Tư Tăng không làm gì được trước quyết định của tập thể và của đội trưởng Năm Lộc. Dường như cũng đoán được tâm sự của Tư Tăng, Năm Lộc chủ động ôm hôn anh Tư, tuyên bố:
-Đồng chí Tư Tăng. Con đường rút lui không phải dễ dàng đâu. Ở tầng dưới địch đông lắm, các họng súng đều chĩa lên lầu. Đồng chí không được phép chần chừ nữa khi chúng tôi yểm hộ.
Anh Tư Tăng ôm hôn vĩnh biệt từng đồng chí. Sau cái khoát tay ra lệnh của đội trưởng Năm Lộc, anh Tư Tăng chạy xuống cầu thang, lao vội ra sân, vượt qua tường phía sau. Ở trên lầu hai, các bạn anh đang bắn nhằm hút hỏa lực về phía mình.
Anh Tư Tăng vừa vọt ra được đã nghe một tiếng nổ to rung chuyển cả mặt đất. Anh nhìn về phía sau. Cả tầng trên ngôi nhà chưa đổ sụp hẳn nhưng chắc chắn là toàn bộ máy móc của đài phát thanh đã bị phá hỏng, và các đồng đội… Mắt Tư Tăng nhòe lệ. Các đồng chí của anh ra đi thanh thản quá. Cuộc đời của anh nếu còn một ngày cầm súng, anh thề là sẽ trả được mối thù này.

Ngày 17-4-2010 vừa qua, đồng chí Nguyễn Gia Lộc được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.

 

Đại tá, Nhà văn quân đội Nguyễn Trần Thiết

Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.