Multimedia Đọc Báo in

Sư đoàn Anh hùng ở tuyến cuối đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh

08:45, 22/05/2010

Trước sự đòi hỏi cấp bách của các chiến trường không những ở miền Nam mà cả Campuchia và Lào, thực hiện quyết tâm của Trung ương Đảng kiên quyết đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn, ngày 15-4-1970, Sư đoàn 470 được thành lập tại khu rừng Huội Nạm Pa thuộc tỉnh Atôpơ (Lào), là cấp sư đoàn đầu tiên của tuyến vận tải chiến lược quân sự trên đường Trường Sơn trực thuộc Đoàn 559.

Sư đoàn 470 gồm nhiều lực lượng binh chủng hợp thành với nhiệm vụ là đánh địch, mở đường, bảo đảm giao thông, vận chuyển hàng hóa, chi viện sức người, sức của cho chiến trường B3, B2; giúp cách mạng hai nước Campuchia và Lào về xây dựng lực lượng vũ trang, chính quyền nhân dân.
Hoạt động ở tuyến cuối cùng trên đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh xa hậu phương lớn, địa bàn hoạt động rộng, các lực lượng sư đoàn 470 phải đương đầu với nhiều nguy hiểm: địch rải chất độc hóa học trên toàn tuyến, tập trung đánh phá ở các trọng điểm đường bộ, đường sông bằng các loại vũ khí hiện đại… nhưng cán bộ, chiến sĩ đã đoàn kết một lòng, không quản hy sinh, gian khổ, phát huy tinh thần quyết chiến quyết thắng, chủ động hiệp đồng tấn công, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Lực lượng công binh xung kích đi đầu, vừa khảo sát vừa mở đường, vừa đánh địch, phá, tháo gỡ bom mìn, bảo đảm giao thông thông suốt trong mọi tình huống,  tham gia tích cực cứu xe, cứu hàng, cứu đồng đội mỗi khi địch đánh phá. Lực lượng công binh đã ứng dụng khoa học kỹ thuật, tận dụng gỗ tại chỗ xẻ ván đóng thuyền ghép thành phà chuyển xe tăng, xe ô tô qua sông Sêsan, Sêrêpôk vào B2. Từ tháng 4-1970 đến tháng 4-1975, công binh sư đoàn đã mở được 885 km đường mới, trong đó có 300 km đường kín xe chạy ban ngày; khôi phục, sửa chữa đường địch đánh phá hằng ngày, bảo đảm giao thông 1.765 km đường ô tô, đường sông, hàng trăm cầu, cống, ngầm; ba bến phà lớn vượt sông Pôkô, Sêsan, Sêrêpôk nối liền chiến trường miền Nam, Trung Hạ Lào, Đông Bắc Campuchia; cải tạo mở rộng luồng lạch 500 km đường sông từ Bản Đàn (Nam Lào) đến Kratrê (Campuchia). Tiêu biểu cho lực lượng công binh có Trung đoàn 4, Tiểu đoàn 2 đã được Đảng và Nhà nước tuyên dương đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.

Chiến sĩ cầu phà Trung đoàn 4 Sư đoàn 470 đang cho xe ô tô vượt sông Sêrêpôk tháng 1 năm 1975. (Ảnh: T.L)
Chiến sĩ cầu phà Trung đoàn 4 Sư đoàn 470 đang cho xe ô tô vượt sông Sêrêpôk tháng 1 năm 1975. (Ảnh: T.L)

Cán bộ, chiến sĩ lái xe, lái ca nô, thợ sửa chữa thuộc lực lượng vận tải đường bộ, đường sông đã dũng cảm vượt qua mưa bom, bão đạn đưa hàng tới chiến trường với phương thức vận chuyển phù hợp, linh hoạt, kết hợp cơ giới và gùi thồ, vận chuyển hai chiều đưa hàng vào và đưa thương binh, bệnh binh ra. Từ năm 1970 đến tháng 4-1975, lực lượng vận tải vận chuyển được 110.000 tấn hàng, hộ tống hàng trăm đoàn binh khí kỹ thuật kịp thời chi viện cho các chiến trường. Tiêu biểu cho lực lượng vận tải là Tiểu đoàn 58 ô tô Anh hùng và tấm gương quên mình vì nhiệm vụ của Trung đội trưởng Hồ Công Dung. Mặc dù bị thương gãy tay phải anh Dung vẫn bình tĩnh dùng tay trái lái xe, chỉ huy đoàn xe vượt qua trọng điểm địch đánh phá ác liệt, đưa hàng tới đích an toàn. Ngoài ra, còn có các đồng chí Vi Văn Giáo, Phạm Ngọc Đỉnh, chiến sĩ lái ca nô trên sông Mê Công, sông Xê Công, 19 lần dũng cảm cứu thuyền cứu hàng đưa 400 tấn hàng giao cho chiến trường B2.
Các chiến sĩ giao liên của Sư đoàn đã đưa đón 19 vạn lượt cán bộ, chiến sĩ vào ra chiến trường, hàng chục nghìn cán bộ Dân Chính Đảng, thương bệnh binh ra Bắc điều trị an dưỡng. Đặc biệt, mùa khô năm 1972, 1973, Bộ Tư lệnh 559 cùng Sư đoàn 470 đã bảo đảm an toàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tổ chức đưa đón vợ chồng Quốc trưởng Campuchia Norodom Sihanuc cùng một số thành viên mặt trận kháng chiến Campuchia về thăm vùng giải phóng của nước bạn. Tiêu biểu lực lượng giao liên là Trạm 73 Anh hùng, đầu mối giao quân và tiếp nhận thương binh, bệnh binh của chiến trường B3 và tấm gương Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Hồ Sĩ Tư, người trạm trưởng bảy năm liền bền bỉ với công việc, mưu trí lừa địch đưa đón hàng chục nghìn người qua trạm an toàn.
Bộ binh Sư đoàn 470 đã hợp đồng chặt chẽ với các lực lượng trên tuyến truy lùng biệt kích, thám báo, phối hợp với bộ đội chủ lực B3 chốt chặn địch, không cho địch lấn chiếm đường vây ép địch ở Buôn Đôn, diệt 740 tên địch, bắn rơi một máy bay.
Lực lượng Pháo cao xạ với khẩu hiệu “còn người, còn trận địa, còn đạn, còn đánh” đã chốt giữ ngoan cường trên các trọng điểm, bến vượt cầu phà, chủ động linh hoạt, cơ động hiệp đồng lập công xuất sắc, đánh 300 trận, bắn rơi 88 máy bay các loại có trận chỉ trong 5 phút, tiểu đoàn 100, trung đoàn 546 đã bắn rơi hai máy bay trực thăng HU1A.
Lực lượng đường ống xăng dầu đã xây dựng gần 1.000 km đường ống từ Nam Lào, vượt qua nhiều sông suối, núi cao vào đến Lộc Ninh góp phần vận chuyển chục vạn tấn xăng dầu phục vụ chiến trường. Trong đó còn có chiến công thầm lặng của lực lượng kho hàng, đã tiếp nhận, bảo quản, tháo dỡ, cấp phát hàng nghìn tấn hàng hóa an toàn.
Lực lượng giúp bạn đoàn 655 thực hiện “cùng ăn, cùng ở, cùng làm”, học tiếng của nước bạn Lào, Campuchia; bám sát cơ sở xây dựng chính quyền, lực lượng vũ trang, tuyên truyền đẩy mạnh sản xuất, phát triển văn hóa, y tế, xây dựng mối đoàn kết keo sơn giữa các nước anh em.

Đại tá Lê Xuân Bá (Nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 470)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.