Multimedia Đọc Báo in

Trận quyết chiến chiến lược giành toàn thắng

18:39, 22/05/2010

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 với trận mở đầu Buôn Ma Thuột và Chiến  dịch Tây Nguyên, tiếp đó là Chiến dịch Huế - Đà Nẵng, cuối cùng là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc hoàn toàn thắng lợi, làm nức lòng nhân dân cả nước, làm chấn động cả thế giới.

Ngày 14-4-1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã đặt tên "Chiến dịch Hồ Chí Minh" cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng giành toàn thắng bắt đầu từ 17 giờ ngày 26-4-1975 đến 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975 với phương châm "thần tốc, táo bạo, bất ngờ, tất thắng".
Lực lượng ta tham gia chiến dịch có các quân đoàn 1,2,3,4 và đoàn 232 (tương đương quân đoàn)...Đó là những binh đoàn chủ lực vừa chiến thắng lớn ở Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng và trên chiến trường miền Đông Nam Bộ. Tham gia chiến dịch còn có các trung đoàn, tiểu đoàn bộ đội địa phương, các trung đoàn đặc công, biệt động ...đã nhiều năm bám trụ chiến trường, am hiểu địa hình trong và ngoài thành phố Sài Gòn.
Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định tiến công giải phóng Sài Gòn từ  năm hướng: tây-bắc, đông-bắc, đông đông-nam, tây và tây-nam.
Hướng tây-bắc: Quân đoàn 3 do Thiếu tướng Vũ Lăng làm Tư lệnh, Đại tá Đặng Vũ Hiệp làm Chính ủy, có 3 sư đoàn bộ binh và các đơn vị binh chủng, tổng cộng khoảng 46.000 người. Ngoài ra, còn có 2 trung đoàn Gia Định (1 và 2), các đội đặc công - biệt động của Thành đội Sài Gòn và được sự chi viện của pháo binh và phòng không chiến dịch. Lực lượng trên hướng này có nhiệm vụ đánh chiếm Đồng Dù, tiêu diệt Sư đoàn 25 ngụy, đánh chiếm sân bay Tân sơn Nhất, và cùng với quân đoàn 1 chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy.
Hướng đông-bắc: Quân đoàn 1 (thiếu sư đoàn 308) do Thiếu tướng Nguyễn Hòa làm Tư lệnh, Thiếu tướng Hoàng Minh Thi làm Chính ủy, có 2 sư đoàn bộ binh và các đơn vị binh chủng  (khoảng 30.000 người), được tăng cường trung đoàn 95 bộ binh (sư đoàn 325, quân đoàn 2) và một trung đoàn cao xạ tự hành, có nhiệm vụ đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy và căn cứ Bộ Tư lệnh các binh chủng ngụy ở Gò Vấp.
Hướng đông đông-nam: Có hai quân đoàn: Quân đoàn 4 do Thiếu tướng Hoàng Cầm làm Tư lệnh, Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện làm Chính ủy, có 3 sư đoàn bộ binh và các đơn vị binh chủng (khoảng 30.000 người), được tăng cường lữ đoàn 52 bộ binh (Quân khu 5), một tiểu đoàn pháo 13 ly, 3 tiểu đoàn xe tăng thiết giáp, một trung đoàn và một tiểu đoàn cao xạ hỗn hợp, có nhiệm vụ tiêu diệt Sở Chỉ huy Bộ Tư lệnh Quân khu 3 và sư đoàn 18 ngụy ở Biên Hòa, sau đó thọc sâu vào nội thành chiếm dinh Độc Lập. Quân đoàn 2 do Thiếu tướng Nguyễn Hữu An làm Tư lệnh và Thiếu tướng Lê Linh làm Chính ủy, có 3 sư đoàn bộ binh và các đơn vị binh chủng (khoảng 40.000 người), có nhiệm vụ đánh chiếm Bà Rịa, Nước Trong, Long Bình, chặn sông Lòng Tàu, sau đó, vào nội thành, cùng với quân đoàn 4 chiếm dinh Độc Lập.
Hướng tây và tây-nam: Đoàn 232 do Trung tướng Lê Đức Anh làm Tư lệnh và Thiếu tướng Lê Văn Tưởng làm Chính ủy, có 3 sư đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn xe tăng thiết giáp và một đại đội thiết giáp, một tiểu đoàn pháo 130 ly, một trung đoàn và 5 tiểu đoàn pháo cao xạ cùng với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương Quân khu 8 (khoảng 4.200 người), có nhiệm vụ tiêu diệt sư đoàn 25 ngụy, cắt đứt đường số 4, rồi thọc sâu đánh chiếm biệt khu thủ đô ngụy, Tổng Nha Cảnh sát. (1)
Điểm hội quân là dinh Độc Lập.
0 giờ ngày 29-4-1975, cũng là giờ quy định cho các đơn vị đặc công, các đội biệt động, các đơn vị bộ đội địa phương từ những nơi ém quân ở ngoại ô và nội thành, đồng loạt đứng dậy đánh chiếm các mục tiêu được giao phó.
Năm cánh quân của đại quân ta theo 5 hướng từ 0 giờ ngày 29-4-1975 đều triển khai nhanh chóng, nhịp nhàng, tiến vào Sài Gòn như thác đổ. Quân ngụy số lượng còn đông, nhưng hàng ngũ đã rệu rã, chống cự yếu ớt, rồi tháo chạy tan tác.
0 giờ ngày 29-4-1975 cũng là giờ quy định cho cán bộ chính trị, hội quần chúng từ trong các khu phố vùng lên, dẫn đầu đồng bào nổi dậy diệt ác ôn, phá ngụy quyền, làm tan rã ngụy quân, lập chính quyền cách mạng.
Đến sáng ngày 30-4-1975, quân ngụy đã bị dồn vào Sài Gòn, không còn đường tẩu thoát, tất cả các mặt đã bị quân ta bao vây, tất cả các đường đã bị cắt đứt. Quân ngụy tan rã tại chỗ và đầu hàng.
Khi cả bốn hướng đều tràn ngập quân giải phóng, Tổng thống Dương Văn Minh ra lệnh cho Vũ Văn Mẫu đưa bản tuyên bố phát trên Đài Phát thanh Sài Gòn: "Xin ngừng bắn để cùng thảo luận về việc bàn giao chính quyền". Nhận được tin này, đồng chí Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, sau khi thống nhất với các đồng chí trong Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh, đã chỉ thị cho đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Phó Chủ nhiệm Chính trị miền điện gấp bức điện lệnh ZN: "Các cánh quân nhanh chóng đánh chiếm tất cả các mục tiêu đã quy định. Địch phải đầu hàng. Không còn gì để thương lượng, bàn giao, dinh Độc Lập làm nơi hội quân cuối cùng. Tiến lên! Giành toàn thắng ! Ký điện: Phạm Hùng". (2)
Thực hiện mệnh lệnh của Bộ Chỉ huy chiến dịch, 5 cánh quân của ta tiến thẳng vào trung tâm Sài Gòn. Xe tăng của ta tiến chiếm dinh Độc Lập, bắt sống toàn bộ nội các của địch.
11 giờ 30 ngày 30-4-1975, cờ cách mạng tung bay trên nóc Phủ Tổng thống ngụy, báo hiệu thành phố Sài Gòn được hoàn toàn giải phóng và Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng, kết thúc 30 năm chiến tranh trường kỳ của dân tộc. Cả dân tộc ca vang khúc khải hoàn "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng". Tại Sở Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh, đồng chí Đinh Đức Thiện, Phó Tư lệnh chiến dịch bật khóc thành tiếng. Thượng tướng Trần Văn Trà, Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam, đôi mắt cũng đỏ hoe. Đồng chí Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, cười sảng khoái, ra lệnh chuẩn bị hành trang cho toàn bộ Sở Chỉ huy Chiến dịch về tiếp quản Sài Gòn ngay sáng sớm  ngày Quốc tế lao động 1-5-1975.
Cùng ngày, quân ta đã giải phóng các tỉnh Long An, Bình Dương, Tây Ninh, Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng, Rạch Giá, Bạc Liêu và đảo Phú Quốc.
Ngày 1-5-1975, các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Mỹ Tho, Gò Công, Kiến Tường, Cà Mau, Long Xuyên, Sa Đéc, Chương Thiện và Côn Đảo được giải phóng. Ngày 2-5-1975, giải phóng thị xã Châu Đốc.
Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là mốc son chói lọi nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, một bản anh hùng ca bất diệt, một dấu ấn quan trọng của loài người tiến bộ và một trong những chiến công vang dội nhất của thế kỷ 20.   

-------------------------
(1)Báo Nhân Dân, số 17445, ngày 30-4-2003.
(2)Báo Công an TP Hồ Chí Minh, số 1038, ngày 30-4-2002.

Nguyễn Xuyến

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.