Multimedia Đọc Báo in

Dáng vóc Thăng Long trong chiều dài lịch sử

18:11, 10/09/2010
Còn đúng 30 ngày nữa, Thăng Long – Hà Nội sinh nhật 1.000 tuổi. Hào khí, dáng vóc của Thăng Long in đậm ở từng mốc son trong chiều dài lịch sử dân tộc.
Dấu mốc của ngàn năm văn hiến
Tượng đài Lý Thái Tổ
Tượng đài Lý Thái Tổ
Cuối năm 1009, Triều Tiền Lê suy tàn, Lý Công Uẩn được tôn làm vua. Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của kinh đô đối với vận mệnh đất nước nên sau khi lên ngôi, nhà vua quyết định dời dô. Năm 1010, Lý Công Uẩn viết Chiếu dời đô với những lý lẽ đầy thuyết phục: “Thành Đại la ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn, hổ ngồi, chính giữa Nam-Bắc-Đông-Tây, tiện hình thế nhìn sông, tựa núi. Vùng này mặt đất rộng mà phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời. Trấm muốn nhân địa lợi ấy mà định nơi ở, các khanh thấy thế nào?”.

Được sự ủng hộ của quần thần và nhân dân, tháng 7 âm lịch năm 2010, Lý Công Uẩn dời đô tư Hoa Lư ra thành Đại La và đổi tên là Thăng Long. Về tổng thể, kinh thành Thăng Long thời Lý xây dựng theo kiến trúc “tam trùng thành quách”, vòng ngoài cùng là thành Đại La (La Thành), vòng thành giữa là Hoàng Thành, vòng trong cùng là Cấm Thành (Cung Thành). Thời Lý (1010-1225), Thăng Long là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của nước Đại Việt, góp phần phục hưng nền độc lập của đất nước, xây dựng nền văn hiến Thăng Long.

Thăng Long trước Cách mạng Tháng Tám


- Thăng Long thời Trần: Thăng Long ba lần đại thắng quân Nguyên Mông, vị thế của Đại Việt được tôn vinh, Thăng Long trở thành trung tâm thương mại và ngoại giao đối với các nước lân bang. Năm 1230, nhà Trần tu sửa và mở rộng Kinh thành, hoạch định lại các đơn vị hành chính. Kinh đô Thăng Long chia làm 61 phường. Trong quần thể kiến trúc Hoàng cung thời nhà Trần có điện Thiên An là nơi nhà vua làm việc và thiết yến các quan; điện Tập Hiền, điện Thọ Quang tiếp sứ thần nước ngoài. Ngoài Hoàng Thành, nhà Trần cho xây dựng thêm khi Quán Sứ để đón tiếp sứ giả nước ngoài. Thăng Long đến thời Trần đã mang dáng vóc một thành phố mở đối với thế giới và bắt đầu mang dáng vẻ quốc tế của một kinh thành đô hội.
 
- Thăng Long thời Lê, Mạc, Lê Trung Hưng: Nhà Trần trị vì được 175 năm thì lâm vào suy thoái. Hồ Quý Ly đại thần nhà Trần, thâu tóm quyền lực. Năm 1397, Hồ Quý Ly cho xây dựng Tây Đô ở Thanh Hóa, đổi tên Thăng Long thành Đông Đô, buộc vua Trần dời triều đình vào Tây Đô. Trong 10 năm cuối triều Trần nước ta có hai Đô là Tây Đô và Đông Đô. Tây Đô có triều đình, có vị thế về chính trị nhưng Đông Đô (Thăng Long) vẫn là trung tâm kinh tế lớn nhất của đất nước. Năm 1400, Hồ Quý Ly truất ngôi Trần Thiếu Đế, lên làm vua. Nhà Hồ ở ngôi 7 năm thì phong kiến nhà Minh sang xâm lược, cha con Hồ Quý Ly bị giặc bắt đưa về Trung Quốc. Năm 1418, Lê Lợi dấy binh khởi nghĩa. Sau chín năm kháng chiến, nghĩa quân Lam Sơn đã giải phóng được các vùng từ Nam đến Bắc. Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, khôi phục quốc hiệu Đại Việt, định đô ở Đông Đô. Năm 1430, đổi tên là Đông Kinh. Thời Hậu Lê, kinh thành Thăng Long được quy hoạch và xây dựng theo quy cách đế đô của quốc gia quân chủ tập quyền. Kinh thành được mở rộng sang phía Đông. Trong Cấm thành, một toà thành hình chữ nhật xây gạch với cửa chính là Đoan Môn, nhà Lê xây dựng và bố trí lại nhiều cung điện, lầu gác, thâm nghiêm nhất là điện Kính Thiên xây dựng trên đỉnh núi Nùng. Ngoài Hoàng thành, nhiều kiến trúc mới cũng xuất hiện. Kiến trúc kinh thành thời Lê đạt đến trình độ mực thước, hài hoà. Khu dân sự tiếp tục phát triển và được quy hoạch lại gồm hai huyện Quảng Đức và Vĩnh Xương, mỗi huyện có 18 phường. Đông Kinh lúc này đã có những phố chợ buôn bán tấp nập, nhiều phường thủ công nổi tiếng, như: Nghi Tàm, Thụy Chương dệt vải; Yên Thái làm giấy; Hàng Đào nhuộm điều; tranh Hàng Trống…
a
Văn miếu Quốc Tử Giám
 
 
Năm 1428, Lê Lợi cho lập nhà Quốc Tử Giám. Năm 1442, mở khoa thi Hội đầu tiên, long trọng tổ chức lễ xướng danh, treo bảng vàng, ban mũ áo cho người trúng tuyển, khuyến khích học hành. Nước Đại Việt dưới triều vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497) đã đạt tới đỉnh cao của một quốc gia phong kiến độc lập. Tuy nhiên, những mâu thuẫn trong nội bộ triều Lê Sơ, từ đầu thế kỷ XVI, đã dẫn tới sự phế truất vua Lê của tập đoàn phong kiến Mạc Đăng Dung (1572). Năm 1588, nhà Mạc huy động dân đắp 3 lần luỹ đất để tăng cường hệ thống phòng thủ kinh thành. Nhưng chỉ 4 năm sau, dưới danh nghĩa phù Lê, họ Trịnh chiếm được kinh thành. Kinh đô chính thức trở lại tên gọi Thăng Long. Triều đình của vua Lê đóng trong Hoàng thành cũ. Phủ Chúa Trịnh được xây bên ngoài, gồm nhiều cung điện nguy nga, chạy dài theo bờ tây Hồ Gươm. Tuy có những biến động về chính trị, nhưng thời Lê, Mạc, Lê Trung hưng, Thăng Long vẫn là một thành thị - thương cảng sầm uất nhất cả nước và vào loại lớn ở Châu Á. Bên cạnh các thương điếm của người Hoa, còn có cả những thương điếm của người Anh, Hà Lan, Đức. Khu vực dân cư trong kinh thành Thăng Long đông đúc hơn trước và có cả nhà hai tầng. Nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật, đặc biệt là về tôn giáo đã được xây dựng thêm.

- Thăng Long thời Tây Sơn
Cuối năm 1788, Kinh đô và đất nước Đại Việt lại phải đương đầu với cuộc xâm lược của đế chế Mãn Thanh. Từ Phú Xuân (Huế), vua Quang Trung thống lĩnh đại quân Tây Sơn tiến ra Bắc, giải phóng Thăng Long. Giặc tan, vua Quang Trung về đóng đô ở Huế. Thăng Long là thủ phủ của Bắc Thành. Hoàng thành Thăng Long vẫn được nhà Tây Sơn cho tu sửa, đắp lại những đoạn bị sụt đổ. Chùa Kim Liên (Nghi Tàm), chùa Tây Phương (Thạch Thất), tượng Tuyết Sơn và 18 vị La Hán được tu bổ, tôn tạo; nhiều chuông to, đẹp được đúc; chữ Nôm lên địa vị chính thức của quốc gia. Lịch sử triều đại Tây Sơn tuy ngắn ngủi, nhưng đã để lại những dấu ấn đậm nét trong trang sử Thăng Long - Hà Nội văn hiến, anh hùng.

- Thăng Long thời Nguyễn và Pháp thuộc (1802 - 1945)
Tháp rùa - Hồ Gươm
Tháp rùa Hồ Gươm
Lợi dụng cơ hội vua Quang Trung qua đời (1792), tập đoàn phong kiến Nguyễn Ánh từ miền Nam đánh chiếm Phú Xuân (1801), Thăng Long (1802). Kinh đô nhà Nguyễn vẫn đặt ở Phú Xuân, Thăng Long được gọi là Bắc Thành. Hoàng Thành bị phá bỏ, thay vào đó là một toà thành mới hình vuông, xây theo kiểu thành Vô - băng của Pháp. Năm 1831, Minh Mạng lập tỉnh Hà Nội với tỉnh lỵ là phủ Hoài Đức (thành Thăng Long cũ), Thăng Long được gọi là Hà Nội. Quốc Tử Giám, cơ quan giáo dục cao nhất của đất nước bị dời vào Huế. Tuy không còn là trung tâm chính trị, nhưng Hà Nội lúc đó vẫn là trung tâm kinh tế -văn hoá lớn nhất của cả nước.
 
Cuối thế kỷ XIX, trước những hành động xâm lược của thực dân Pháp, cùng với nhân dân cả nước, Hà Nội đã đứng lên kháng chiến. Nhưng triều đình nhà Nguyễn nhu nhược đã ký “Hiệp ước hoà bình” (1883), công nhận quyền thống trị của Pháp trên cả nước. Hà Nội trở thành đất “bảo hộ” thuộc Bắc kỳ, đặt dưới quyền cai trị của một viên Thống sứ người Pháp. Đi đôi với việc hình thành các “khu phố Tây” (nằm trên các đường Đinh Tiên Hoàng, Ngô Quyền, Lý Thái Tổ, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt…ngày nay), một số công trình khác mang phong cách Châu Âu được xây dựng, như: Phủ Toàn quyền, Phủ Thống sứ, Ngân hàng Quốc gia, Nhà hát lớn, Nhà thờ lớn, nhà Bưu điện, trường Viễn Đông Bác Cổ, ga Hà Nội…

Hà Nội trong thời đại Hồ Chí Minh

Cột cờ Hà Nội
Cột cờ Hà Nội
Ngày -9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, công bố trước toàn thế giới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Năm 1946, tại kỳ họp Quốc hội lần thứ nhất Hà Nội được vinh dự chọn làm Thủ đô của cả nước trong kỷ nguyên mới.
 
Bước vào xây dựng cuộc sống tự do, dân chủ chỉ hơn một năm, nhân dân Thủ đô lại phải đương đầu với một cuộc xâm lược mới của thực dân Pháp. Sau tám năm trường kỳ chiến đấu, ngày 10-10-1954, Hà Nội rực rỡ cờ hoa đón chào đoàn quân chiến thắng trở về giải phóng Thủ đô. Một năm sau giải phóng, Hà Nội đã hoàn thành cải cách ruộng đất. Từ năm 1958 đến năm 1960 tiến hành xong cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh và hợp tác hoá nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Bộ mặt thành phố đổi mới từng ngày Sau kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1960 - 1965), Thủ đô đã trở thành trung tâm chính trị, văn hoá và kinh tế quan trọng trong cả nước.
 
Giữa năm 1966, giặc Mỹ leo thang chiến tranh ra miền Bắc, đánh phá Thủ đô. Thể hiện bản lĩnh là “Thủ đô của phẩm giá con người”, quân dân Hà Nội đã lập nên trận “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, đánh sập “uy thế không lực Hoa Kỳ”. Quân và dân Thủ đô Hà Nội đã góp phần quyết định buộc Mỹ phải ký hiệp định Paris. Với sự chi viện hết lòng và toàn diện của quân dân Hà Nội và miền Bắc, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (30-4-1975) đã toàn thắng. Miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bắc - Nam thống nhất.
 
Xứng đáng là thủ đô của cả nước, Hà Nội dấy lên nhiều phong trào thi đua yêu nước, đạt và vượt nhiều mục tiêu đạt. Kinh tế Thủ đô liên tục tăng trưởng ở mức cao, vị thế của Thủ đô được nâng lên. Một vinh dự lớn đối với Thủ đô Hà Nội, năm 1999 được tổ chức UNESCO của Liên Hợp quốc trao tặng danh hiệu vẻ vang “Thành phố vì hòa bình” và lấy làm nơi phát động “Năm quốc tế hòa bình – 2000”. Năm 2000, Hà Nội được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Thủ đô Anh hùng.
Điểm nhấn trong Chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội được Thủ tướng phê duyệt là Chương trình Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội được tổ chức trong 10 ngày (từ ngày 1 đến ngày 10 -10-2010). Ngày khai mạc Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội được tổ chức trọng thể vào sáng 1-10-2010 tại Vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ và đường Đinh Tiên Hoàng, xung quanh Hồ Hoàn Kiếm. Cùng ngày, tại Hà Nội sẽ có các hoạt động: Triển lãm thành tựu kinh tế-xã hội Việt Nam và Thăng Long-Hà Nội; Triển lãm các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật qua các thời kỳ; Cầu truyền hình trực tiếp Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Cả nước với Hà Nội”; Chương trình văn hóa nghệ thuật tổng hợp do chuyên gia quốc tế đạo diễn. Từ ngày 2 đến ngày 9-10 sẽ có các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, liên hoan du lịch, hành trình di sản và lễ hội làng nghề, phố nghề; các hoạt động khởi công, khánh thành, gắn biển, triển lãm các công trình, đón nhận các danh hiệu nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội; Lễ ra mắt Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” và công bố kết quả Chương trình nghiên cứu khoa học cấp nhà nước: KX.09 “Nghiên cứu phát huy điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội và giá trị lịch sử-văn hóa 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, phục vụ phát triển toàn diện Thủ đô”.

Đ.T
(Nguồn tài liệu: Đề cương Tuyên truyền 1000 năm Thăng Long - Hà Nội của Ban Tuyên giáo Trung ương)

Ý kiến bạn đọc