Multimedia Đọc Báo in

Chuyện trong sử sách:

“Ngũ Phụng Thư” phò giúp Tây Sơn đánh giặc

10:39, 13/11/2010
Cuối thế kỷ 18, khi anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ dấy binh khởi nghĩa với mục tiêu “Tiền diệt (Mãn) Thanh, hậu diệt (Nguyễn) Ánh”, đã có nhiều phụ nữ tham gia nghĩa quân, trở thành các “nữ tướng” tài ba, xông pha trận mạc, đóng góp công sức rất lớn xây dựng nhà Tây Sơn; trong đó phải kể đến những nữ tướng được mệnh danh là “Ngũ Phụng Thư”.
 
Bà Ya Dố là ái nữ một tộc trưởng người Ba Na ở Plâyđê Hmâu (nay là xã Đông, huyện Kbang, Gia Lai) và được gả cho thủ lĩnh nghĩa quân Tây Sơn là Nguyễn Nhạc. Bà đã đưa nghĩa binh, dân làng vào vùng Tứ Thủy khai hoang 20 mẫu ruộng cấy lúa lấy gạo nuôi quân. Bà Ya Dố được gọi là “Cô hầu Đốc tướng”.
 
Nữ tướng Bùi Thị Xuân quê xã Bình Phú, huyện Tây Sơn, rất giỏi võ nghệ. Bà đã cùng chồng là Trần Quang Diệu trở thành những tướng lĩnh trụ cột của nhà Tây Sơn. Bà được phong là Đô đốc, rất giỏi huấn luyện voi thành đội Tượng binh tinh nhuệ, làm quân Thanh thất đảm kinh hồn. Bà còn sáng tạo món lương khô (bánh tráng) bảo đảm cho quân sĩ hành quân liên tục, thần tốc ra Thăng Long giáp Tết Kỷ Dậu 1789 đại phá quân Thanh. Món lương khô này về sau được người Bắc Hà gọi là bánh Đống Đa để kỷ niệm chiến thắng Đống Đa.
 
Cô họ của Đô đốc Bùi Thị Xuân là Bùi Thị Nhạn và Nữ tướng Trần Thị Lan – vợ của Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết đều rất giỏi võ nghệ, kiếm thuật, luyện thân đi nhẹ như chim én nên được gọi là Ngọc Yến. Trong “Ngũ Phụng Thư” còn phải kể đến Đô đốc Nguyễn Thị Dung, em gái quan Thái Bảo Nguyễn Văn Xuân và Nữ tướng Huỳnh Thị Cúc, em gái Đô đốc Huỳnh Văn Thuận.
Tượng nữ tướng Bùi Thị Xuân tại Bảo tàng Quang Trung
Tượng Nữ tướng Bùi Thị Xuân tại Bảo tàng Quang Trung

Những “Ngũ Phụng Thư” kể trên đều giỏi võ nghệ, kiếm côn, có tài tổ chức, huấn luyện và lãnh đạo đội Tượng binh gồm hơn 100 thớt voi chiến và đội Nữ binh 2.000 chiến sĩ.
 
Ngoài ra, còn có Nữ tướng Vũ Thị Đức, quê ở Phù Ly, Phù Cát (Bình Định), Võ Thị Thái quê ở Bình Chương, Bình Sơn (Quảng Ngãi), người thì chỉ huy diệt đồn Gián Khẩu (Ninh Bình), người thì điều khiển vận chuyển khí cụ, quân trang từ Vị Hoàng (Nam Định) đến Ngọc Hồi góp phần giải phóng Thăng Long. Song đáng tiếc là cả hai nữ tướng này đều hy sinh anh dũng trước trận đại phá quân Thanh ở Thăng Long.
 
Sang đầu thế kỷ 19, khi nhà Tây Sơn suy tàn, bị quân của Nguyễn Ánh uy hiếp, Đô đốc Bùi Thị Xuân, Nữ tướng Huỳnh Thị Cúc cùng các nữ binh dũng cảm đã mở đường máu đưa Vua Cảnh Thịnh vượt sông Nhật Lệ an toàn. Nữ tướng Huỳnh Thị Cúc đã anh dũng hy sinh. Sau đó, khi Nguyễn Ánh lên ngôi, lập ra nhà Nguyễn đã trả thù nhà Tây Sơn vô cùng tàn bạo. Đô đốc Bùi Thị Xuân cùng chồng là Trần Quang Diệu và con gái đều bị chém đầu và cho voi dày tan xác.
La Sơn Thái (st-bs)

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.