Multimedia Đọc Báo in

Ngày bầu cử đầu tiên ở xứ Mường năm ấy

11:06, 24/04/2011

Những năm trước Cách mạng tháng Tám, làng tôi có tên là thôn Trấn Man, tổng Cốc Xá, Châu Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa. Đó là một xứ Mường với 100% dân cư đều là người Mường.

Trước Cách mạng tháng Tám người dân quê tôi bị áp bức bóc lột đến cùng cực. Đại diện cho chế độ thực dân phong kiến ở xứ Mường thời đó là những ông Lang Cun Lang Đạo thừa kế quyền hành theo kiểu “cha truyền con nối, chiếu cha con ngồi ruộng cha con cày”. Các Lang Cun Lang Đạo (gọi chung là quan lang) cha truyền con nối thay nhau giữ các chức sắc như tri châu, cai tổng, lý trưởng, trùm bản… chúng đặt ra các quy định hết sức vô lý để cấm đoán nhân dân như: cấm dân thường không được dùng ván thưng nhà, không được dùng cầu thang bằng gỗ, làm nhà không được dùng gỗ lim, gụ, sến, táu, trắc… “làm nhà gỗ tạp lang im, làm nhà gỗ lim lang bắt”. Nhà lang cấm dân thường không được mặc áo dài lụa, không được đội khăn xếp bằng gấm, nghiêm cấm họ Bùi không được học chữ (trừ họ Bùi có nguồn gốc từ họ Lê Duy)… Người dân nghèo đã phải chịu hàng trăm thứ thuế khóa của nhà nước “bảo hộ”, lại còn phải cúi đầu còng lưng phục dịch các quan lang; người từ 16 tuổi trở lên, không phân biệt nam nữ cứ mỗi người một năm phải bỏ ra năm ngày, đem cơm gạo nhà đi làm công không cho nhà Lang. Đó là chưa kể đến các phục dịch đột xuất. Ruộng vườn, đất đai đồi núi đều là của các nhà quan lang. Bài dân ca Mường từ thời đó còn truyền lại đến ngày nay, giúp cho chúng ta hình dung ra được tình cảnh: “…Ruộng quan lang ruộng sâu đồng rộng/ ruộng kẻ khó ruộng hẹp đồng khô/ Ruộng đầu bụi góc bờ nơi chim qua chuột lại…”. Vậy mà trong đời sống thường nhật người dân “… đi săn được con hươu con nai/ phải nộp cho nhà Lang cái đùi thăn thịt/ Săn được gấu phải nộp tay nộp mật/ Săn được hổ phải nộp da nộp xương/ đánh được cá dưới sông/ phải nộp cho lang con to con mập/ cô gái Mường nào đẹp/ lang bắt làm vợ thiếp nàng hầu/ trai gái Mường yêu nhau (*)/ lang phạt vạ bắt nộp trâu nộp lợn/ ai không nghe lời lang dặn/ lang bắt trói lại đánh một trăm hèo mây/ tội nhẹ đánh rồi trói vào gốc cây/ tội nặng đóng đinh vào ngón chân đầu gối…” (**).

Cuộc sống cứ thế mà ngột ngạt trôi đi, người dân quê tôi tưởng không có ngày nào ngóc đầu lên được nữa. Thế nhưng bỗng nhiên có “… Cán bộ Đảng từ ở dưới xuôi lên/ Cán bộ nói toàn điều hay lẽ phải/ cán  bộ bảo muốn hết khổ/ bản Mường nhân dân phải đoàn kết lại/ thương yêu nhau/ bí mật bảo nhau lau súng mài gươm/ chờ ngày đứng lên giành lấy chính quyền/ đánh đuổi hết thực dân lang đạo…”, dân Mường quê tôi nghe theo và ngày ấy đã đến, đó là: “… Mùa thu năm ấy/núi rừng gầm vang lên tiếng thét/ trai gái trẻ già giáo mác cầm tay/ nỏ cứng súng dài/gươm đao nhọn hoắt/ họp nhau ở bãi giữa làng/ cồng chiêng trống trận ầm ầm khua vang/ cờ đỏ sao vàng/tung bay phấp phới/ người bản dưới mường trên ào ào xông tới/ tiến về châu đường/súng bắn miệng hô vang/ đánh đổ thực dân giành lấy chính quyền/ Lang Đạo hết đời nhân dân vùng lên/ Lang Đạo Lang Cun đầu hàng Cách mạng…: (**).

Cha tôi kể lại rằng:
Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền về tay nhân dân, nhà nước công nông ra đời, ủy ban cách mạng lâm thời được thành lập. “Để có được nhà nước cách mạng, Quốc hội cần phải ra đời, nhà nước cách mạng là của nhân dân nên Quốc hội cũng phải do dân bầu ra…”. Người Mường quê tôi thời ấy chưa được học nhiều, nhưng khi nghe cán bộ Đảng nói như thế, mọi người nghe mà sướng cái bụng, bởi lời dạy của Cụ Hồ, của Đảng Cộng sản đúng với suy nghĩ và ước ao của người Mường bao đời nay. Tất thảy làng trên xóm dưới, bản gần mường xa đều nghe theo lời dạy của Cụ Hồ và những lời cán bộ phổ biến. Ngày Bầu cử Quốc hội Khóa I ngày một đến gần, làng tôi càng nhộn nhịp tưng bừng, đường làng ngõ xóm được dọn dẹp sạch sẽ, cổng chào làng kết lá cài bông rực rỡ, nhà nào cũng phấp phới cờ bay, khẩu hiệu biểu ngữ treo dán khắp điếm canh, đường làng ngõ xóm. Trong làng rộn riếng hát, tiếng cười râm ran, trẻ con nô đùa ríu rít, thanh niên nam nữ tập trung ở sân đình làng múa hát từ chập tối cho tới tận canh khuya. Cồng chiêng ngân nga tấu lên các bản nhạc cả đêm lẫn ngày như báo cho núi rừng  khe suối, thần linh cùng biết, ngày hội đánh dấu của mốc son lịch sử non sông, trải hơn bốn nghìn năm nay, mới lần đầu tiên ra đời, đang được đến gần. Cả làng, cả mường, cả châu ngày ấy đã từng phút từng giây rạo rực tưng bừng, hân hoan, chờ đón.

Ngày hội lớn, ngày ra đời của mốc son lịch sử đất nước đã đến, niềm vui trong lòng mỗi người dân quê tôi như vỡ òa ra để hòa tan vào trong niềm vui vô tận của non sông đất Việt. Đêm trước ngày hôm ấy cả làng tôi như không ai ngủ được. Gà mới gáy canh ba các cử tri đã cơm đùm cơm nắm, tập trung đầy đủ ở sân đình (*), một đống lửa to được đốt lên, xung quanh sân đình là những bó đuốc bằng nhựa trám cháy rừng rực, người ta tập lại bài “Tiến quân ca” để đến địa điểm bỏ phiếu hát cho thật đều. Mờ sáng, khi núi rừng đang còn ngủ sau màn sương mỏng, tất cả cử tri làng tôi đã tập hợp thành hai hàng dọc, đứng ở đầu hàng là bốn người du kích trên tay mỗi người cầm một lá cờ đỏ sao vàng to, cán dài, giương cao cho cờ bay phần phật, tiếp theo là mười dân quân tự vệ vai mang súng kíp tay cầm biểu ngữ và đội cồng chiêng, phía sau là đội hình hơn hai trăm cử tri, mặt mày hớn hở, người nào trên tay cũng cầm một lá cờ nhỏ, đứng ngay ngắn trong hàng. Một hồi trống nổi lên, tất cả hồ hởi nghiêm trang tiến bước, đoàn người vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu ủng hộ Cách mạng, ủng hộ Cụ Hồ. Cứ thế đoàn cử tri làng tôi hồ hởi  vượt qua chặng đường rừng bốn cây số, lội qua ba dòng khe để đến điểm bầu cử tập trung trước sáu giờ sáng.

Hôm ấy lần đầu tiên trong đời cũng là lần đầu tiên của lịch sử đất nước- người dân được cầm lá phiếu trên tay, bầu chọn lấy người ứng cử đủ tài đủ đức thay dân ra gánh vác việc nước. Ông nội tôi, một cụ đồ nho khi cầm lá phiếu trên tay bỏ vào hòm phiếu, đã bật khóc…

Bùi Văn Trinh

---------------

(*)Trước đây trai gái Mường yêu nhau nếu ai “ăn cơm trước kẻng” sẽ bị nhà Lang phạt vạ rất nặng.
(**)Những câu này được trích trong tục ngữ dân ca cổ hoặc các bài dân ca kháng chiến của người Mường ở Hòa Bình và Thanh Hóa.


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.