Người lính 30-4... bây giờ
Rời tay súng sau khi chiến tranh kết thúc, những người lính năm xưa trở về cuộc sống đời thường. Mỗi người có mỗi công việc, hoàn cảnh và cuộc sống khác nhau..., nhưng trong những cựu chiến binh ấy luôn sáng ngời phẩm chất và lý tưởng cách mạng. Dù ở cương vị nào, và công việc đó là gì thì cũng đều mang một ý nghĩa lớn lao, rất thiêng liêng và đáng trân trọng...
Gần 30 năm đi tìm đồng đội
Ông tên là Lê Minh Toản, sinh năm 1933, quê ở huyện Hoài Nhơn, Bình Định. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông là một trong những người có “thâm niên” chiến đấu trên chiến trường Tây Nguyên với vai trò là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 142. Sau ngày đất nước thống nhất, ông giữ trọng trách Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự Dak Lak với quân hàm đại tá. Đến năm 1984 ông về hưu, và gắn mình với công việc sưu tầm, tìm kiếm thông tin liệt sĩ, tìm mộ liệt sĩ.
Muốn tìm ông, đến đường Lê Hồng Phong, TP. Buôn Ma Thuột (đoạn gần Sân vận động), hỏi ông Toản thì ai cũng biết. Nhưng để được ông tiếp chuyện thì lại... tùy khách. Không cần biết lạ hay quen, hễ có ai nhắc đến hai tiếng “liệt sĩ” là ông vồn vã như “bắt được vàng”, còn nếu đến gặp ông chỉ để thăm chơi, hỏi chuyện thì… hơi khó!
Nài nỉ mãi, tôi cũng được ông “cho” vào nhà nhưng với điều kiện “không được hỏi quá nhiều”. “Tôi già rồi, đang mắc bệnh nhũn não. Vừa rồi lại phải đi mổ mắt nữa nên mệt lắm!” – ông Toản cảnh báo trước. Trong căn phòng khách đơn sơ, giản dị của ông, ngoài một góc nhỏ đặt bàn nước thì diện tích còn lại là bàn thờ. Một bàn thờ tổ tiên, một bàn thờ Bác Hồ và một bàn thờ hàng nghìn liệt sĩ. Chỉ tay lên chiếc hòm kính được đặt trang trọng trên bàn thờ, giọng ông Toản run run: “Trong đó là tên tuổi, đơn vị của gần 4000 liệt sĩ - đồng đội của chúng tôi, đã ngã xuống trên chiến trường Tây Nguyên này những năm chống Mỹ...”. Tất cả những dữ liệu này đều đã được ông thu thập, ghi chép và lưu giữ cẩn thận theo từng trận đánh từ thời còn chiến tranh đến tận bây giờ. Ông bảo: “Thời ấy làm gì có điều kiện mà tổ chức truy điệu, an táng cho anh em. Vậy nên những dấu vết, sơ đồ từng trận đánh ngày xưa là căn cứ vô cùng quan trọng để xác định vị trí, vùng anh em mình ngã xuống để sau này tìm lại hài cốt. Dường như linh tính mách bảo tôi nên ngày còn chiến tranh, tôi đã cất công ghi chép lại đến giờ...”.
Ông Toản xem chiếc hòm kính đựng thông tin liệt sĩ của mình là "báu vật" |
Năm 1984, sau khi nghỉ hưu, ông Toản bắt đầu lật lại sơ đồ từng trận đánh ngày trước và bắt đầu công việc thầm lặng nhưng đầy ý nghĩa: Đi tìm đồng đội đã hy sinh và tiếp tục sưu tầm những thông tin về mộ liệt sĩ. Một mình làm không xuể, đi không đến nơi, ông kêu gọi thêm đồng chí đồng đội ngày trước, nhờ sự hỗ trợ của chính quyền và người dân... Gần 30 năm tìm kiếm mộ liệt sĩ, ông Toản đã cùng đồng đội tìm thấy hàng trăm hài cốt liệt sĩ đưa về ang táng ở nghĩa trang. Từ trí nhớ đứt quãng của ông, tôi cố chắp nối lại thông tin về các sự kiện: phát hiện mộ 29 liệt sĩ tại huyện Cư M’gar, mộ 34 liệt sĩ hy sinh năm 1967 tại Buôn Trinh (huyện Krông Buk), mộ 76 liệt sĩ hy sinh năm 1968 tại Trung Hòa (huyện Cư Kuin), mộ 14 liệt sĩ hy sinh tại Cheo Reo (huyện A Yun Pa, Gia Lai)… Tất cả những lần tìm thấy mộ liệt sĩ này đều xuất phát từ đầu mối thông tin trong hòm kính của ông Toản, đó là chưa kể rất nhiều hài cốt liệt sĩ được ông tìm thấy rải rác gần 30 năm qua.
Những năm gần đây, vì sức khỏe yếu nên ông không thể lội rừng đi tìm đồng đội được nữa. Ông buồn lắm. “Vả lại thời gian và những tác động của con người đã xóa sạch những vết tích. Nhiều nơi chúng tôi xác định có mộ liệt sĩ nhưng khi tìm đến nơi thì đất đá cỏ cây ở đây đã bị san ủi, cày xới phẳng lì. Đành chịu!” – giọng ông Toản nghèn nghẹn tiếc nuối.
Công việc tìm kiếm mộ liệt sĩ của ông Toản có lẽ sẽ không còn tiếp tục được, bởi căn bệnh nhũn não ông đang mang. Và rồi mới đây, ông lại phải đi phẫu thuật mắt nên sức khỏe càng yếu thêm. Điều ông mong muốn nhất bây giờ là có ai đó tâm huyết với công việc này, ông sẵn sàng cung cấp lại tất cả dữ liệu mình đang có để có thể tìm thấy, đưa những đồng đội đang còn nằm cô đơn, lẻ loi ở các nơi về nghĩa trang an táng đàng hoàng...
Người nữ cựu quân nhân tâm huyết với hoạt động “tiếp lửa truyền thống”
“Các cháu là thế hệ trẻ, sinh ra trong thời bình, chỉ biết đến khói lửa chiến tranh qua sách báo chứ chưa thấu hiểu, cảm nhận hết sự khốc liệt, những mất mát, đau thương mà chiến tranh gây nên. Đã có bao xương máu, tính mạng của ông cha đổ xuống để đổi lấy cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho các cháu hôm nay. Các cháu phải luôn luôn khắc ghi, tự hào về những truyền thống cách mạng của cha ông, của quê hương, đất nước để từ đó hun đúc, nuôi dưỡng tinh thần yêu nước mà cha ông đã để lại…” – bà Nguyễn Thị Ba, người cựu quân nhân đã có thời gian 10 năm tham gia kháng chiến chống Mỹ bắt đầu câu chuyện bằng chất giọng “đặc chất Quảng”, không lẫn vào đâu được. Bà sinh năm 1950, ở xã Quế Châu, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, là một trong những địa bàn ác liệt nhất trong kháng chiến chống Mỹ. Năm 15 tuổi bà đã tham gia hoạt động du kích tại địa phương, 18 tuổi được phân công làm giao liên, năm 1973 bị địch bắt giam tại Lao xá Hội An.
Người nữ cựu quân nhân là thương binh 4/4 ấy không muốn nhắc nhiều đến quá khứ chiến tranh đau thương, nhưng trong đôi mắt bà ánh lên vẻ căm hờn khi nhớ lại những trận đòn roi tra tấn tàn khốc của kẻ thù trong thời gian ở trại giam. Bà nói, đồng đội của bà, có người bị chúng dùng ớt trộn với vôi đổ vào miệng; có người bị chúng chôn sống; hèn hạ hơn, khi khai thác không được chúng dùng biện pháp cuối cùng là bắt rắn, chặt từng khúc và đặt vào chỗ kín của người phụ nữ…
Và cũng chính ngọn lửa căm hờn khi chứng kiến những hình ảnh tra tấn đó đã tiếp thêm sức mạnh bà vượt qua nỗi sợ hãi, cầm cự và chờ đợi thời cơ thoát ra ngoài để tiếp tục chiến đấu, giành lại độc lập cho quê hương, đất nước. Chiến tranh kết thúc, đất nước thống nhất nhưng ngọn lửa cách mạng vẫn hừng hực cháy trong bà. Người nữ cựu quân nhân đã 40 năm tuổi Đảng ấy vẫn tiếp tục tham gia không mệt mỏi các hoạt động đoàn thể tại địa phương.
Căn nhà nhỏ giản dị nằm cuối thôn Hiệp Nhất, xã Quảng Hiệp (huyện Cư M’gar) vẫn thường xuyên đón các cháu học sinh, đoàn viên thanh niên đến nghe bà kể lại lịch sử, để được giáo dục truyền thống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng. Đây là công việc thường xuyên của bà trong những năm qua. Những bài học về lòng yêu nước, yêu dân tộc, được bà lấy từ bản thân gia đình mình. Qua từng câu chuyện, bà gợi nhắc về những hy sinh lớn lao không gì sánh bằng của những bà Mẹ Việt Nam Anh hùng như bà nội của chồng bà là mẹ Lê Thị Hảo, người đã hy sinh người con độc nhất cho độc lập tự do của đất nước; hay như mẹ chồng của bà là Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Tý, có 2 con và chồng là liệt sĩ; hay như chính mẹ ruột của bà là Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Đỉnh, có chồng và 2 con hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Còn các con, các cháu của bà, dù ở cương vị nào, là giáo viên, lái xe hay thợ may đều được bà nhắc nhở phải khắc ghi, nuôi dưỡng truyền thống yêu nước của gia đình, của dân tộc và sống sao cho xứng đáng với truyền thống ấy.
Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi, nuôi dạy con ngoan
Năm 1979, sau khi xuất ngũ, ông Hà Quang Minh quyết định đưa cả gia đình vào Dak Lak lập nghiệp. Hành trang khi đặt chân đến thôn 9, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin gần như không có gì, ngoài ý chí, nghị lực và niềm tin của người bộ đội Cụ Hồ. Hai vợ chồng xin vào làm công nhân trong Nông trường Cao su 19-8, đến năm 1998 thì về hưu. Nhờ tính cần cù, chịu khó, ông Minh đã vay vốn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, trồng 5 sào cà phê, nuôi 100 con gà, ngan, và một trang trại heo mỗi năm xuất chuồng khoảng 4 tấn heo thịt, đồng thời, cung cấp heo giống cho bà con xung quanh. Từ đó, kinh tế gia đình cũng khấm khá dần lên, lợi nhuận mỗi năm của gia đình ông là hơn 100 triệu đồng.
Là một cựu chiến binh có gần 40 năm tuổi Đảng, mang trong mình thương tật 31%, ông Minh không chỉ làm kinh tế giỏi, mà còn tích cực tham gia công tác xã hội với chức trách là một Chi hội trưởng Hội CCB kiêm Bí thư chi bộ thôn rất năng nổ, nhiệt tình. Ngoài thời gian chăm lo cuộc sống gia đình, buổi tối, ông thường kêu gọi bà con tập trung tại hội trường thôn tham gia các lớp sinh hoạt cộng đồng tuyên truyền những đường lối chính sách của Đảng tới bà con, giữ vững an ninh chính trị - trật tự xã hội… Không những thế hằng ngày, ông còn đi từng ngõ gõ từng nhà, vận động các cặp vợ chồng sinh đẻ có kế hoạch, vệ sinh môi trường nơi sinh sống, biết áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế nông nghiệp.
Giờ đây, đời sống kinh tế gia đình ông đã ổn định, 6 người con của ông học đại học hiện đã ra trường và có công việc làm. Ông Minh khiêm tốn: “Đời lính chiến, được tôi luyện trong môi trường quân ngũ khắc nghiệt đã cho tôi thêm những ý chí, nghị lực và niềm tin. Chính vì thế vợ chồng tôi luôn sát cánh bên nhau không chỉ là nghĩa vợ chồng mà còn cả tình đồng chí, đồng đội, quyết tâm vượt mọi khó khăn để ổn định, chăm lo cho cuộc sống và nuôi dạy con cái nên người”.
Từ những cống hiến và nỗ lực ấy, năm 2004 gia đình ông được Hội Nông dân tỉnh tặng Giấy khen về thành tích sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, Ban chấp hành Hội Khuyến học tỉnh tặng Giấy khen về gia đình hiếu học tiêu biểu toàn tỉnh năm 2008, UBND tỉnh tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong tổ chức thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của tỉnh năm 2000- 2010…. Gia đình cựu chiến binh Hà Quang Minh luôn là một gia đình kiểu mẫu được bà con địa phương hết lời khen ngợi và noi theo.
Ý kiến bạn đọc