Multimedia Đọc Báo in

Ký ức những tháng ngày lao động trên công trường Buôn Triết

15:27, 08/06/2011

Từ bạt ngàn lau sậy, dưới bàn tay con người, một vùng đất trù phú đã dần hình thành, thu hút đông đảo dân cư khắp nơi đến lập nghiệp. Và ký ức của những người đi khai hoang, mở đất thuở ấy cứ vẹn nguyên qua từng câu chuyện kể…

Ông Nguyễn An Vinh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy: Hừng hực khí thế tiến quân đánh “giặc” đói, nghèo

 

Ngay từ những năm đầu mới giải phóng, tỉnh ta gặp nhiều khó khăn do hậu quả chiến tranh để lại: bọn phản động Fulro hoạt động mạnh, đời sống nhân dân mà đặc biệt là ở các buôn đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu thốn, nhất là vấn đề thiếu lương thực. Đứng trước tình hình đó, từ năm 1976, với mục tiêu ổn định nhanh chóng đời sống của nhân dân, Tỉnh ủy Dak Lak đã đề xuất các chủ trương nhằm ổn định tình hình chính trị, an ninh, trong đó ngoài công cuộc phát triển các cây công nghiệp là thế mạnh của vùng, thì việc phát động phong trào sản xuất lương thực bằng việc khai hoang, xây dựng cánh đồng, làm thủy lợi, thực hiện các biện pháp định canh, định cư, mở ra các vùng kinh tế mới và tùy những vùng có điều kiện mà phát triển… là những yêu cầu cấp bách lúc đó.

Tỉnh ta có những vùng giàu tiềm năng để phát triển cây lương thực nhưng chưa được khai phá, trong đó có buôn Trấp, buôn Triết (Lak) và Đức Xuyên (Krông Nô, tỉnh Dak Nông hiện nay) – đây là một vùng trũng ở ngã 3 con sông Krông Ana và Krông Nô, ngày đó cỏ tranh, lau, lách, bùn lầy ngập đến bụng, có những chỗ sâu tới cổ. Đồng chí Trần Kiên, khi ấy là Bí thư Tỉnh ủy đã nhận định, đây sẽ là một cánh đồng có tầm vóc lớn hơn cánh đồng Tuy Hòa ở Phú Yên (lớn nhất của khu V thời bấy giờ). Do đó, tỉnh đã quyết tâm thực hiện chiến dịch nhằm hình thành nên cánh đồng sản xuất lương thực lớn ngay trên vùng đất trũng để đáp ứng nhu cầu lương thực của tỉnh.

Lúc bấy giờ tôi là Chủ tịch UBND thị xã Buôn Ma Thuột, đến năm 1979 được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh là thành viên Ban chỉ huy cũng đã trực tiếp tham gia xây dựng, khai hoang cánh đồng. Tôi còn nhớ như in những ngày đầu tiên huy động nhân sự: từ các cơ quan Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ban ngành, lực lượng vũ trang, đến nông trường, doanh nghiệp, lực lượng cơ giới về nông nghiệp, thanh niên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp... đều tham gia. Trong đó đóng vai trò nòng cốt là lực lượng thanh niên xung phong, ngày đó gọi là Tổng đội Thanh niên xung phong của Tỉnh Đoàn Dak Lak với sức trẻ nhiệt huyết, đã hừng hực tiến xuống khai hoang cánh đồng. Những cơ quan hành chính sự nghiệp thì thành lập các trụ sở dã chiến ngay tại cánh đồng, vừa làm công tác chuyên môn, vừa chỉ đạo công việc khai hoang và cùng nhau lao động. Tôi không thể quên được khí thế hào hùng khi huy động được một lực lượng rất lớn lên tới hàng nghìn người cùng sự ủng hộ tích cực của mọi tầng lớp nhân dân, thực sự tinh thần của mọi người lúc bấy giờ là khí thế cách mạng đánh vào “giặc” đói nghèo. Cũng chính từ khí thế đó, phong trào đã thu hút thêm người thêm dân từ các tỉnh khác vào xây dựng vùng kinh tế mới như: Thái Bình, Quảng Nam, Đà Nẵng... Từ đó hình thành thêm các xã như: Buôn Triết, Buôn Tría, Ea Bông, Quảng Điền, Bình Hòa… với số dân khoảng 63.000 người. Từ một vùng hoang sơ, cánh đồng Buôn Triết đã trở thành một vùng lúa nước trù phú, đông đúc dân cư quan trọng của tỉnh, với năng suất bình quân là 5 tấn/ha/vụ.

Và một sự kiện đáng nhớ là vào ngày 8-4-1978, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã đến làm việc tại tỉnh Dak Lak và đến tận cánh đồng Buôn Triết để thăm hỏi, động viên mọi người. Chính Tổng Bí thư Lê Duẩn cũng đã đích thân xuống cùng cuốc, đập đất bằng vồ, lao động với bà con. Tổng Bí thư đã đánh giá việc xây dựng công trình thủy lợi, khai hoang cánh đồng Buôn Triết chính là một sự kiện lớn, mang nhiều ý nghĩa. Sau này công trường nơi Tổng Bí thư Lê Duẩn cùng làm việc với bà con đã được đặt tên là Công trường 8-4, nhằm kỷ niệm ngày đồng chí Lê Duẩn về thăm và làm việc tại đây.

Ông Nguyễn An Vinh (thứ ba từ trái sang) đang trao đổi, triển khai công việc trên công trường Buôn Triết.
Ông Nguyễn An Vinh (thứ ba từ trái sang) đang trao đổi, triển khai công việc trên công trường Buôn Triết.

Ông Dương Thanh Tương, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Sức trẻ, niềm tin và lòng nhiệt tình đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ

 

Khi ấy tôi là Bí thư Tỉnh Đoàn, kiêm Chỉ huy trưởng Thanh niên xung phong trực tiếp tham gia tại công trường Buôn Triết. Với khoảng 3.000 thanh niên được huy động, chủ yếu là lực lượng của học sinh, sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên, Cao đẳng Sư phạm, Trung học Sư phạm, thanh niên khối các cơ quan tỉnh, thanh niên thuộc lực lượng quân đội, công an… có thể nói khí thế trên công trường Buôn Triết những năm tháng ấy cực kỳ sôi động và hừng hực sức trẻ.

 

Nhiệm vụ đặt ra đối với công trường Buôn Triết là tập trung xây dựng hồ thủy lợi và khai hoang cánh đồng; trong đó công trình thủy lợi Buôn Triết có sức chứa vào khoảng 4 triệu m3 nước và công trình thủy lợi Buôn Tría với sức chứa khoảng 1 triệu m3 nước, phục vụ nước tưới cho cánh đồng khoảng 3.000 ha. Khi ấy ấn tượng lớn nhất có lẽ là khí thế, sức trẻ, niềm tin và lòng nhiệt tình đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ. Thanh niên được xem là lực lượng xung kích mũi nhọn thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi đều chung một lòng tin và theo Đảng, không ngại ngần, nề hà việc gì, ra sức thi đua, hoàn thành nhiệm vụ. Sau khi Tỉnh ủy có Nghị quyết và triển khai thực hiện việc khai hoang, xây dựng cánh đồng, chúng tôi huy động lực lượng, mỗi người mang theo hành lý cứ thế đi nhận nhiệm vụ. Lúc bấy giờ phương tiện lao động chưa được như bây giờ, dụng cụ chủ yếu là cuốc, xẻng và hầu như không có máy móc. Cứ người nối người, hàng nối hàng, từng khối đất được chuyền tay nhau để đắp đập. Đến lúc làm lu, lèn, do không có máy móc, thanh niên buôn Tang Kang của Krông Bông đã đưa 1 con voi lên để dẫm, lèn. Rồi đến khi khai hoang, cày đất cũng chẳng có máy cày nên phải dùng sức trâu, cứ kẹp 2 trâu đi cày như nông dân thực thụ. Cùng chung khó khăn của thời cuộc,  khẩu phần ăn của mỗi người dựa theo tem phiếu, chủ yếu là thực phẩm khô, không có gạo mà thay vào đó là bắp hạt và sắn lát; anh em thỉnh thoảng cải thiện bữa ăn bằng cá tươi được đánh bắt trên sông Krông Ana. Có thể nói giai đoạn đó thiếu thốn đủ thứ, quần áo mỗi người chỉ có một vài bộ, những ngày lao động ngâm mình dưới nước làm áo quần bị mục, đứt chỉ, rồi thuốc men, vật dụng sinh hoạt, nơi ăn chốn nghỉ được dựng tạm bợ… Lúc đó ai cũng như ai, ngay cả đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Kiên ngoài công việc điều hành cũng trực tiếp lội bùn xuống ruộng tham gia lao động cùng mọi người. Thời ấy gian khổ là vậy nhưng lại rất vui vẻ, bận rộn và đầy sức sống: các đồng chí cán bộ thì vừa làm công tác quản lý, điều hành vừa tham gia lao động sản xuất; số thanh niên các đơn vị trường học thì vừa lao động, vừa học văn hóa rồi còn học hát, học múa. Chính những sinh hoạt văn hóa lúc bấy giờ cũng góp phần gắn kết lẫn nhau, tạo khí thế sôi nổi để anh em thanh vượt qua những khó khăn, thách thức. Nhiều thanh niên ban đầu tham gia cũng còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng qua một thời gian lao động, sinh hoạt đã quen dần với môi trường và rất nhiệt tình, tích cực với công việc.

Phải nói rằng, sự huy động được lực lượng thanh niên đông đảo, và lòng nhiệt tình cùng niềm tin của tuổi trẻ đi theo Đảng đã góp phần tạo nên thành công của công trình. Sau này có một vài điều nghiệm lại thấy có chút lãng phí nhân lực, nhưng quả thật để đạt được 1 tấn lúa/ha ở giai đoạn đó đã là thành tích lớn, bởi thời kỳ ấy là vậy, thiếu thốn lương thực nên trước hết cũng phải bảo đảm về lương thực. Nhiều khi quay lại nhìn những công trình ngày xưa mình đã góp công xây dựng, thấy cánh đồng lúa xanh rì thay thế những vùng lau, sậy ngày xưa mà không khỏi bồi hồi, cảm thấy công trình ngày xưa cũng thật vĩ đại. 5 triệu ngày công của thanh niên xung phong xây dựng thủy lợi, khai hoang mở đất, góp phần hình thành nên vùng đất trù phú với 3.000 ha lúa nước, thu hút đông đảo dân cư đến lập nghiệp… đó quả là điều đáng trân trọng.

Ông Nguyễn Hồng Thám, thôn Mê Linh 2, xã Buôn Triết, huyện Lak: Chinh phục “cánh đồng hoang”

 

Năm 1978 theo phân công của Tỉnh ủy Thái Bình tôi dẫn đầu đoàn di dân của huyện Tiền Hải vào khai phá vùng đất mới. Trải ra trước mắt là bạt ngàn lau sậy đã làm nhụt chí nhiều người trong đoàn. Ra đi từ vùng trồng lúa nổi tiếng lúc bấy giờ để đến một vùng đất mới cũng để trồng lúa nhưng ngay từ vụ đầu tiên, những người con quê hương 5 tấn Thái Bình đã phải chịu cảnh thiếu đói. Đất rộng bạt ngàn nhưng lau sậy cũng mọc thành rừng. Vào mùa khô, dùng máy cày MTZ cày ải, chà đi xát lại cho dập khô rồi đốt nhưng chỉ một trận mưa xuống thì đâu lại vào đấy. Không chỉ bị lau sậy cản trở, phương thức canh tác tại quê hương Thái Bình đạt hiệu quả khá cao nhưng chưa thể áp dụng được ngay trên vùng đất này. Bằng phương thức chọc lỗ, trỉa hạt nên trỉa được hạt thóc nào là lại bị kiến, dế xới hết. Đã vậy, do chưa có kinh nghiệm để triển khai mùa vụ nên luôn gặp gió chướng, lúa mọc lên quá gang tay là bị gió chướng quất cho rạp hết. Giữ được chút nào cũng chưa hẳn đã được ăn bởi sự tàn phá của chim, thú rừng. Lúc ấy chim rừng nhiều vô kể, chúng tôi phải dùng tre lò ô cắt thành từng đoạn cắm quanh ruộng để đánh động không cho chúng tấn công ruộng lúa nhưng không ăn thua. Mỗi lần chúng sà xuống rồi bay lên là y như rằng khoảng ruộng ấy tan nát hết cả…

 

Khó khăn là thế nhưng không khí làm việc thì vô cùng sôi động. Hàng ngàn con người của 7 tỉnh, 13 huyện cùng với đồng bào Dak Lak tập trung vào đây tạo nên một đại công trường ấn tượng. Tinh thần lao động hăng say, dám hy sinh vì đại nghiệp đã giúp mọi người vượt qua tất cả. Sau khi hoàn thành xây dựng con đập, 40 ha lúa đầu tiên được phát triển quanh đó đã phần nào làm cho những người tham gia cảm thấy được đền đáp. Ngày ấy, tôi được giao làm Chủ nhiệm HTX, nhìn thấy xã viên của mình làm lương thực mà không đủ ăn nên khi một số gia đình bỏ về quê hoặc chuyển đi nơi khác, tôi cũng không dám ngăn cản mà chỉ có thể động viên tinh thần mà thôi. Thời gian đầu đúng là làm mọi người dường như cảm thấy bất lực trước điều kiện nơi đây; vậy nhưng câu nói của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Dak Lak Trần Kiên: “Dù khó khăn mấy chúng ta cũng phải bám trụ vào cánh đồng này” đã có tác động không nhỏ trong thời khắc khó khăn ấy. Sau gần 3 năm thiếu đói, bằng sự quyết tâm và cách làm khoa học sau thời gian rút kinh nghiệm, “cánh đồng hoang” đã cho sản phẩm ổn định. Từ 40 ha, diện tích đã phát triển nhanh chóng đã thu hút nhiều người quay trở lại. Hệ thống thủy lợi dần được hoàn thiện đã làm năng suất tăng cao. Thiên nhiên khắc nghiệt đã bị khuất phục trước sức mạnh của con người.

Cánh đồng buôn Triết hôm nay.
Cánh đồng buôn Triết hôm nay.

Ông Phạm Minh Hoạch, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Buôn Triết, huyện Lak: Một thời gian khó nhưng đầy sôi động
Lúc ấy đang là sĩ quan thuộc Sư đoàn 320, năm 1978 trong lực lượng tăng cường cho chiến dịch khai phá cánh đồng Buôn Triết, tôi được tổ chức phân công làm Bí thư Đảng ủy xã Jang Bung. Ngày ấy, Jang Bung có 5 buôn, dân cư thưa thớt. Riêng Buôn Triết, là tên gốc của của buôn đồng bào dân tộc, không có người ở. Từ khi có chủ trương của Trung ương Đảng xây dựng nơi đây trở thành vựa lúa của Tây Nguyên thì Buôn Triết mới trở thành một công trường sôi động. Nói là công trường sôi động nhưng tất cả mọi thứ đều thiếu thốn, chỉ có muỗi và thú dữ là nhiều vô kể. Công cuộc khai phá cánh đồng Buôn Triết khởi đầu từ việc xây dựng đập Buôn Triết và phát triển cánh đồng này quanh con đập được xây dựng. Việc xây dựng đập Buôn Triết cũng là những kỷ niệm khó quên trong hành trang cuộc đời của cá nhân tôi và có lẽ của biết bao người đã từng tham gia trên công trường trong những ngày tháng đó. Đó là những ngày ngâm mình dưới làn nước lạnh, tay chân đều thâm tím tái, những ngày gió lớn, không nổi lửa nấu được nồi bắp, anh em phải nhai bắp sượng trệu trạo và cả những lúc lao động bị rơi xuống những vùng sình lầy ngập tới bụng phải gọi nhau í ới, người nọ kéo người kia lên… Cả một con đập lớn được làm nên bởi sức mạnh con người và voi. Hàng ngàn con người với những dụng cụ thô sơ ken dày dưới lòng đập. Việc lu, lèn thân đập do hàng trăm con voi dẫm, đạp và kéo những khúc gỗ lớn thực hiện. Khó khăn do thiếu thốn không sợ bằng sống trong môi trường rừng thiêng nước độc. Lúc ấy, Buôn Triết là một đồng trũng lau sậy được bao quanh bởi bạt ngàn rừng rậm. Muỗi là đối thủ đáng gờm nhất bởi chúng nhiều vô kể. Cứ khoảng sau 5 giờ chiều là mọi sinh hoạt đều diễn ra trong màn. Không chỉ muỗi mà thú dữ cũng không thiếu, đáng sợ nhất là có một con cọp ba chân vừa hung hăng vừa tinh ranh, bắt mất khá nhiều lợn, gà nuôi trong chuồng mà con người không thể làm được gì. Cuối cùng phải cậy đến anh hùng Lê Đình Đơn, người nổi tiếng với việc tay không bắt hổ cùng với một số trai tráng khỏe mạnh sau nhiều ngày theo dõi, gài bẫy công phu, phục bắt mới tiêu diệt được con ác thú này. Khi bắt được, mọi người vô cùng kinh ngạc khi cân lên, con hổ nặng hơn 3 tạ với bộ móng vuốt to như cái bát lớn.

Sau 3 năm – khi đã hoàn thành những nhiệm vụ cơ bản, người dân lúc bấy giờ thấy những thành quả đạt được đã tiếp tục những công việc còn lại và mở rộng diện tích để từ đó hình thành nên vùng cánh đồng Buôn Triết ngày nay.

Lan Gia Nam (thực hiện)

Ý kiến bạn đọc