15:41, 08/06/2011
Tây Nguyên tháng Năm, nắng nóng đã dần hạ nhiệt bởi những cơn mưa mát lạnh dội về, những cánh đồng lúa nơi đây đã ươm vàng thêm cho màu nắng, hương ướp vào trong gió thơm một khoảng trời. Con đường dẫn về buôn căn cứ cách mạng Dak Tuar (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) vì vậy mà cũng như gần hơn.
|
Những nếp nhà mới ở buôn Dak Tuar. |
Chúng tôi đến Dak Tuar khi đang vào mùa vụ, Y Kôk M’Drang, Phó Bí thư Đảng ủy xã Cư Pui, người đồng hành cùng chúng tôi bảo, đời sống sản xuất của người dân nơi đây chỉ phụ thuộc vào các loại cây ngắn ngày: bắp, đậu đỗ các loại nên khi mưa xuống là tranh thủ đi nương, đi rẫy. Buôn trở nên vắng vẻ, chỉ còn người già và trẻ em là vì vậy. Đưa chúng tôi đi một vòng quanh buôn, Y Kôk chỉ tay về phía những căn nhà mới xây cho hay, đó là những ngôi nhà mới được Nhà nước hỗ trợ theo chương trình 167, cả buôn có 17 hộ được hỗ trợ theo chương trình này. Các chương trình chính sách của Nhà nước được ưu tiên hỗ trợ đầu tư nhiều cho buôn, nhờ vậy mà cơ sở vật chất của buôn đến nay đã cơ bản được hoàn thiện. “Tuy vậy, tỷ lệ hộ nghèo trong buôn vẫn còn nhiều, toàn buôn có 104 hộ thì có đến 50 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ gần 50%” - Giọng Y Kôk chợt buồn và nặng nỗi ưu tư. Tôi hiểu những suy tư, trăn trở của anh. Là người của buôn làng, lớn lên như cây kơ nia của núi rừng uống dòng nước cách mạng, giờ lại là người giữ trọng trách của xã, anh không trăn trở, suy tư sao được khi đời sống của bà con vẫn còn nhiều khó khăn. Anh nói: “Tập quán sản xuất của bà con buôn mình vốn lạc hậu, điều kiện sản xuất lại không thuận lợi, đất đai khô cằn, chủ yếu là đất đồi, chỉ trồng được hoa màu nên năng suất không cao. Những năm qua, chính quyền địa phương đã lên nhiều phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp bà con thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, cải thiện năng suất cây trồng. Tuy nhiên, vẫn chưa tạo được bước đột phá.” Bước đột phá mà Y kôk đề cập phải chăng là buôn không còn người nghèo. Tôi đem những suy tư của anh chia sẻ với ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Cư Pui và nhận được sự đồng cảm, bởi đó cũng là điều mà chính quyền địa phương nơi đây đang cố gắng tìm hướng đi cho phù hợp, hiệu quả. Ông Tâm cũng thừa nhận một thực tế rất khó cho địa phương trong việc đẩy nhanh tốc độ xóa đói giảm nghèo, vì Cư Pui là xã vùng 3, lại có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, chiếm 90%. Hơn nữa, điều kiện tự nhiên, đất đai sản xuất nông nghiệp tại một số vùng kém thuận lợi, trong khi tập quán sản xuất của người dân vẫn chưa thay đổi nhiều nên sự phát triển nói chung ở các buôn đồng bào dân tộc thiểu số bao giờ cũng chậm hơn những thôn khác.
|
Ama Phơi tự hào kể về những năm tháng làm nhiệm vụ bảo vệ đồng chí Huỳnh Văn Cần trong thời gian hoạt động cách mạng tại hang đá Dak Tuar. |
Khó khăn là vậy, nhưng điều mà chúng tôi cảm phục người dân nơi đây chính là sự lạc quan và ý thức gìn giữ văn hóa truyền thống, tinh thần cách mạng. “Trong mình có hai dòng máu mà. Một là của ông bà và một là của cách mạng.” Ama Phơi, một thời là chiến sĩ kề cận, bảo vệ đồng chí Huỳnh Văn Cần, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Dak Lak trong những năm tháng đấu tranh gian khổ đã nói với chúng tôi như thế bằng tất cả niềm tự hào của mình. Niềm tự hào ấy cứ mãi dâng trào khi dòng ký ức đưa ông trở về với những năm tháng chiến đấu ở hang đá Dak Tuar: “Từ năm 1964, mình cùng với Ama Chăm, Ama Ga, Ama Hiên được giao trọng trách bảo vệ cụ Huỳnh Văn Cần. Đây là nhiệm vụ thiêng liêng, vì bảo vệ cụ Cần cũng là bảo vệ cách mạng mà, nên mình cùng anh em chiến sĩ, bà con trong buôn sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ an toàn tuyệt đối cho cụ”. Niềm tự hào của Ama Phơi cũng chính là niềm tự hào của những người con ở buôn Dak Tuar, xã Cư Pui anh hùng, nhất là thế hệ trẻ trong buôn hôm nay. Trò chuyện với chúng tôi, chị H’Lan Niê, Bí thư Chi bộ buôn bảo: “Tôi được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất anh hùng, đó là một may mắn. Vì vậy tôi luôn cố gắng làm tròn trách nhiệm của một người bí thư chi bộ buôn, xứng đáng là thế hệ kế cận của buôn làng.”
Giữa bạt ngàn rừng núi, hang đá Dak Tuar với những chứng tích một thời làm căn cứ nuôi quân vẫn mãi còn đó với thời gian, đã trở thành địa chỉ đỏ cho hoạt động “về nguồn”, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay. Buôn Dak Tuar với những mái nhà được bảo bọc, chở che của đại ngàn, với truyền thống cách mạng anh hùng, bất khuất, tin tưởng rồi đây Dak Tuar sẽ có những bước đi đột phá, tiếp tục phát huy sức mạnh đoàn kết để xây dựng buôn làng giàu đẹp.
Nằm cạnh dòng thác Dak Tuar, cách trung tâm xã Cư Pui, huyện Krông Bông về phía thượng nguồn chừng 6km, trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, hang đá Dak Tuar là nơi đứng chân của Tỉnh ủy Dak Lak và các đơn vị bộ đội chủ lực của tỉnh. Tháng 5-1965, từ hang đá Dak Tuar, Tỉnh ủy đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc H9 phá ách kìm kẹp của địch, giải phóng một vùng đất rộng lớn về phía đông của tỉnh, nay thuộc huyện Krông Bông. Từ vùng căn cứ cách mạng này, Tỉnh ủy tiếp tục lãnh đạo quân và dân trong tỉnh kháng chiến, giải phóng Buôn Ma Thuột ngày 10-3-1975, mở màn cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước. Năm 1991, hang đá Dak Tuar được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử. Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch tỉnh đang triển khai dự án giữ gìn và tôn tạo lại khu di tích gồm: Hội trường Tỉnh ủy trong hang đá; nơi ở và làm việc của đồng chí Huỳnh Văn Cần, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Dak Lak. Qua khảo sát cho thấy: khu di tích này có cả một hệ thống hang đá liên hoàn gồm nhiều tầng lớp ăn sâu vào lòng núi. Hiện tại dự án đã được đầu tư 500 triệu đồng xây dựng 6km đường cấp phối từ buôn Dak Tuar vào khu di tích, tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyến "về nguồn" thăm lại chiến khu xưa. |
Yên Ninh
Ý kiến bạn đọc