Chủ tịch Hồ Chí Minh ứng xử với môi trường
Còn nhớ, sau 30 năm xa đất nước, Bác trở về. Những địa danh như Pác Bó, Khuổi Nậm… đã in dấu chân Người. Ngay những năm tháng ấy, dẫu giữa ngút ngàn núi rừng trùng điệp, dẫu giữa bộn bề của những công việc đặc biệt quan trọng, thế nhưng Bác vẫn luôn có những thái độ ứng xử hết sức nhạy cảm với môi trường.
Theo lời kể của ông Dương Đại Lâm trong tác phẩm “Bác Hồ đến bản tôi” (in trong cuốn “Đầu nguồn”) thì “Ngay những ngày đầu ở Khuổi Nậm, Người đã bắt tay sửa sang chỗ ở. Gần lán chỗ khe nước chảy, có những đống cát nhỏ, Người đào đắp thành một cái hồ nhỏ, lấy nhũ đá ở các hang đá về xếp thành núi non bộ cũng có hang động, khe, đỉnh … Một cây cầu bắc bằng cây lau từ bờ hồ ra chỗ chân núi, chung quanh hồ trồng cây cỏ tạo nên một phong cảnh hết sức trữ tình và cũng hết sức yên tĩnh, trong lành”. Không những thế, Người cũng thường có ý nhắc nhở, phê bình những người chặt cây rừng bừa bãi trong khi dựng lán trại... Người nói, làm bất cứ cái gì cũng phải tính toán kỹ lưỡng, đừng hoang phí của rừng. Rừng là vốn quý. Quanh khu vực Người ở, Người còn lập những khoảnh vườn để trồng rau. Ai đến cũng rủ ra làm, nếu gặp giờ tăng gia. Những ngày đầu, thấy mọi người sẵn chỗ nào tiểu tiện chỗ ấy, Người bèn rủ ông Lâm và một vài người khác dọn dẹp một chỗ kín đáo, cắm những vòng cọc cây xung quanh, trong đó đổ đầy tro và cắm một cái biển đề chữ nho “Tiểu tiện xứ”. Người cho rằng, như vậy sẽ đỡ mất vệ sinh, vừa có cái mà bón cho vườn rau, rau mau xanh tốt. Sáng kiến này của Người sau đó được dân chúng xung quanh bắt chước làm theo. Cũng theo ông Lâm kể, thói quen của đồng bào vùng cao là chỗ nước ăn của người và chỗ tắm của trâu bò thường lẫn lộn. Một hôm, Người đi đến khe nước xem xét một hồi và bảo: “Chú nào vào lấy cho Bác mượn cái cuốc, ta sửa sang lại chỗ lấy nước ăn”. Ông Lâm tâm sự: “Nguyên chúng tôi sơ suất không chú ý đến việc giữ gìn vệ sinh, chỗ nước ăn của người và chỗ tắm của trâu bò lẫn lộn. Chúng tôi cùng Người bắt tay vào việc dọn dẹp sửa sang. Xong rồi, Người gọi mấy người cùng khiêng một cái thuyền đập lúa (cái loỏng) ra chỗ khe nước, xắn tay áo cọ rửa sạch sẽ rồi vào đánh thức đám trẻ con dậy, bảo chúng xếp hàng tiến ra khe nước. Người cởi quần áo cho các em bé và lần lượt tắm rửa, kỳ cọ cho từng đứa … Thấy mấy cháu mặc quần áo bẩn, rách, Người lộ vẻ không vui. (…). Khi rời Khuổi Nậm, Người cử một nữ đồng chí tên là Lạc ở lại để dạy trẻ học và làm công tác vận động vệ sinh môi trường …”.
Bác Hồ trồng cây ở xã Vật Lại, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (cũ) nhân Tết Kỷ Dậu, ngày 16-2-1969. (Ảnh: T.L) |
Sau ngày ta về tiếp quản lại Thủ đô, miền Bắc tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh dân tộc, dân chủ, giữa bộn bề công việc, Người vẫn quan tâm đến vấn đề môi trường sinh thái. Với cái nhìn nhãn quan chiến lược, Người kêu gọi toàn quân, toàn dân ta, phải “người người trồng cây, nhà nhà trồng cây”; phải “bảo vệ rừng, cấm phá rừng”. Người còn tạo ra cho dân tộc một phong tục tập quán đẹp đó là trồng cây gây rừng mỗi dịp tết đến xuân về. Đầu năm 1959, Bác Hồ chính thức phát động phong trào “Tết trồng cây”, một công việc mà theo Người là “tốn kém ít mà ích lợi nhiều”. Người cũng khẳng định rằng, nếu chúng ta thực hiện tốt phong trào trồng cây gây rừng thì “phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu sẽ hiền hòa hơn, cây gỗ sẽ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta”. Đồng thời với việc phát động phong trào, bản thân Bác còn là tấm gương sáng về việc thực hiện trồng cây gây rừng. Từ nơi ở rồi đi đến đâu, thời điểm nào, Bác cũng tự tay mình trồng cây xanh để làm đẹp và cải thiện môi sinh, môi trường. Trong khu nhà đơn sơ của mình, Bác đã tạo ra một môi trường thiên nhiên tuyệt đẹp, Bác trồng cây trong vườn, chăm cây như chăm người ốm. Bác thả cá dưới hồ và không cho phép ai xua đuổi và săn bắn chim trong vườn. Bác nói: “Chim là của quý của thiên nhiên, ta phải bảo vệ chúng”. Có một câu chuyện rất cảm động về sự ứng xử của Bác đối với thiên nhiên môi trường, với cây cỏ như thế này: Xung quanh ao cá của Bác Hồ có rất nhiều loài cây, trong đó có loài cây mà rễ của nó nhô lên khỏi mặt nước trông giống như những ông Bụt nên có tên gọi là “Cây Bụt mọc”. Một hôm Bác phát hiện có một cây Bụt mọc đang bị sâu tàn phá, nhựa chảy đầy, nhiều cành bị héo khô. Bác gọi đồng chí làm vườn đến và bảo: “Bác thấy ở bờ ao có cây Bụt mọc bị sâu đục ruỗng cả thân. Các chú nên tìm cách chữa cho nó, chứ đừng chặt nó đi”. Và Bác “mách nước”: “Hồi hoạt động ở nước ngoài, Bác cũng thấy có loài cây bị sâu đục ruỗng cả thân như vậy, nhưng người ta đã tìm cách cứu nó khỏi hỏng. Bác thấy họ đem cạo hết lớp vỏ khô, bỏ những chỗ bị sâu đi. Sau đó họ dùng vôi trộn với rơm, xi-măng rồi đem trát vào rồi lấy dây buộc chặt. Một thời gian sau, chỗ bị sâu dần dần mọc lên những lớp vỏ mới và cây đã sống lại. Các chú thử làm như vậy xem sao”. Và quả nhiên, sau đó, cây Bụt mọc được cứu sống. Nhân đó, Bác nói với mọi người rằng : “Cây nó cũng như người. Không nên thấy cây bị sâu mà đem chặt nó đi. Làm như vậy thì rất dễ. Điều quan trọng là phải tìm cách cứu cho cây sống lại bình thường”. Quan tâm đến cây cỏ như thế nên tự tay Bác đã trồng rất nhiều loài cây ở nhiều địa phương khác nhau. Không những vậy, mỗi khi có dịp đi thăm hữu nghị các nước bè bạn anh em, Người đều tổ chức trồng cây lưu niệm. Bác đã trồng cây đại ở Ấn Độ, trồng cây sồi ở Nga, và gọi đó là “những cây hữu nghị”, nhân dân địa phương gọi là những “cây Bác Hồ”. Các cây ấy lớn lên theo thời gian, không chỉ biểu hiện của tình hữu nghị tươi thắm giữa nhân dân Việt Nam và bè bạn trên thế giới mà còn thể hiện ý thức làm đẹp môi trường sống…Đặc biệt, trước ngày đi xa, Người đã không quên nhắc nhở đồng bào và chiến sĩ cả nước rằng : “Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng 1 cây làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho công nghiệp”.
Ngày nay, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã và đang tiếp tục thực hiện tốt Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Thế nhưng, trong thực tế có một bộ phận không nhỏ chỉ nói mà không làm theo lời Bác dạy, nhất là trong việc bảo vệ môi trường sinh thái. Tài nguyên thiên nhiên, các thảm động, thực vật đang bị hủy hoại một cách trầm trọng. Nhiều đơn vị, xí nghiệp thấy cái lợi trước mắt mà quên đi lối ứng xử đẹp với môi trường nên đã làm ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái. Nạn chặt phá rừng đầu nguồn đã và đang diễn ra ngày càng phức tạp và quy mô hơn. Từ hiện tại và trong thực tiễn cuộc sống hiện nay, nghĩ về những thái độ ứng xử của Bác đối với thiên nhiên và môi trường ta lại càng kính phục và tự hào về Bác kính yêu nhiều hơn.
Ý kiến bạn đọc