Multimedia Đọc Báo in

Một gia đình có 3 Mẹ Việt Nam Anh hùng

09:47, 31/08/2011

Đó là gia đình ông Đinh Xuân Biền (ở thôn Hiệp Nhất, xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar). Ông và vợ là bà Nguyễn Thị Ba đều có mẹ ruột được phong tặng Mẹ Việt Nam Anh hùng (MVNAH). Ông Biền cho biết: bố mẹ ông là Đinh Điền và Nguyễn Thị Tý đều hy sinh năm 1968, trong một đợt càn quét dữ dội của địch vào những cơ sở nghi nuôi giấu quân cách mạng. Khi ấy, mẹ ông là cán bộ phụ nữ xã Hương An (huyện Quế Sơn); còn bố là Hội trưởng Hội Nông dân của xã. Đau thương, mất mát chưa kịp nguôi ngoai, thì năm 1970, người em của ông là Đinh Văn Phúc, cán bộ tổ chức tỉnh Quảng Nam cũng hy sinh trên đường làm nhiệm vụ. Chưa kể, bà nội kế ông Biền là Lê Thị Hảo cũng có một người con trai duy nhất là Đinh Tre đã hy sinh trên chiến trường Lào. Trong 2 năm 1996, 1997, hai Mẹ Nguyễn Thị Tý và Lê Thị Hảo đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu MVNAH. Còn bà Nguyễn Thị Ba có mẹ là Nguyễn Thị Đỉnh cũng được phong tặng danh hiệu MVNAH trong đợt đầu tiên năm 1994. Mẹ Đỉnh đã 3 lần tiễn chồng là Nguyễn Tấn cùng 2 con trai là Nguyễn Kim, Nguyễn Nghi ra trận và cả 3 người đều vĩnh viễn không trở về. Nỗi đau chồng chất nỗi đau, bởi người chồng và 2 con của Mẹ lần lượt ra đi trong 3 năm liên tiếp (liệt sĩ Nguyễn Kim hy sinh năm 1968, liệt sĩ Nguyễn Nghi hy sinh năm 1969 và liệt sĩ Nguyễn Tấn hy sinh năm 1970). Những tưởng mất mát, lớn lao ấy khiến Mẹ quỵ ngã, nhưng không, Mẹ vẫn đứng vững, tiếp tục nuôi dạy 2 cô gái nên người và sẵn sàng hy sinh khi Tổ quốc cần.

Vợ chồng ông Đinh Xuân Biền, Nguyễn Thị Ba cùng với những Bằng phong tặng danh hiệu MVNAH của 2 người mẹ.
Vợ chồng ông Đinh Xuân Biền, Nguyễn Thị Ba cùng với những Bằng phong tặng danh hiệu MVNAH của 2 người mẹ.
Bà Nguyễn Thị Ba hồi tưởng lại ánh mắt rực sáng căm hờn cũng như lời dặn dò của mẹ ngày ấy: “Hai con phải theo chân cha, tiếp tục chiến đấu, dẫu phải hy sinh tính mạng để đổi lấy tự do cho đất nước”. Xứng đáng với truyền thống cách mạng của gia đình, với tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường của những người con đất Quảng, 15 tuổi bà Ba đã thoát ly gia đình, tham gia lực lượng du kích xã. Bà từng bị địch bắt giam vào lao xá Hội An, chịu roi vọt, tra tấn, nhưng người con của MVNAH ấy vẫn một lòng, một dạ kiên trung theo Đảng, theo cách mạng, chiến đấu đến cùng. Còn chồng bà, ông Đinh Xuân Biền, thừa hưởng dòng máu yêu nước của gia đình năm 18 tuổi cũng đã thoát ly, làm giao liên cho Huyện ủy Quế Sơn. Tham gia được 4 năm, năm 1968, ông bị địch bắt. Trong thời gian 5 năm (từ 1968 đến 1973) ông đã trải qua các lao xá Hòa Cầm, Hội An, Non Nước, nhà đày Phú Quốc. Cuối năm 1973, ông được trả tự do dưới hình thức trao đổi tù binh và tiếp tục hoạt động cách mạng, phục vụ kháng chiến cho đến ngày miền Nam được giải phóng, đất nước trọn niềm vui. Ông vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì.

Hai người bạn đồng hương cùng chung lý tưởng cách mạng ấy, sau ngày đất nước thống nhất, có dịp công tác cùng cơ quan, như gặp được sự đồng cảm, họ xây dựng gia đình. Đến nay ở tuổi trên 60 họ vẫn hăng say, nhiệt huyết tham gia các hoạt động đoàn thể tại địa phương. Hiện ông Biền là hội viên Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, Hội Nông dân xã Quảng Hiệp. Còn bà Ba đã hơn 10 năm được tín nhiệm làm Bí thư chi bộ thôn Hiệp Nhất. Phía trong căn nhà nhỏ giản dị nằm ở cuối thôn, là những Huân, Huy chương, đặc biệt là 3 Bằng phong tặng danh hiệu MVNAH cho các Mẹ được treo trang trọng giữa nhà. “Đó là phần thưởng cao quý nhất mà gia đình tôi có được. Nó nhắc nhở con cháu trong gia đình phải biết trân trọng, biết lưu giữ và phát huy truyền thống cách mạng của gia đình”, ông Biền tâm sự. Những Mẹ Việt Nam Anh hùng, có Mẹ hiện còn sống, có Mẹ đã mất, nhưng chắc chắn những bài học về đức hy sinh, về tinh thần yêu nước sẽ mãi mãi là bài học lớn, soi rọi cho các thế hệ con cháu noi theo.

Đăng Triều

Ý kiến bạn đọc