Một thảm họa da cam chưa từng có trong lịch sử loài người
Chất dộc da cam/dioxin (thường gọi là “chất độc da cam”) là cụm từ chỉ các chất độc chứa dioxin. Đây là chất độc nhất trong các chất độc mà con người biết đến. Với liều lượng cỡ 1 picogram (phần nghìn tỷ gram) dioxin có thể gây bệnh ung thư, tai biến sinh sản ở người; vài chục nanogram (một phần tỷ gram) có thể gây chết người. Nhiều nhà khoa học cho rằng chỉ cần 85 gram dioxin có thể giết chết toàn bộ số dân một thành phố khoảng 8 triệu người.
Những con số không thể tưởng tượng
Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ không chỉ dùng các loại bom đạn gây thương vong mà còn sử dụng cả chất độc hóa học nhằm triệt hạ nguồn sinh sống của nhân dân Việt Nam, ngăn chặn bước tiến của các lực lượng vũ trang cách mạng đồng thời biến Việt Nam trở thành phòng thí nghiệm khổng lồ để nghiên cứu thử nghiệm các loại chất độc phục vụ mục đích quân sự. Thực tế chứng minh cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam là cuộc chiến tranh có quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người.
Từ năm 1961 đến năm 1971 quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 phi vụ, phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là chất da cam (chứa gần 366 kg dioxin) xuống gần 26.000 thôn bản với diện tích hơn 3,06 triệu ha. Trong số diện tích trên có 86% diện tích bị phun rải hơn 2 lần, 11% diện tích bị phun rải hơn 10 lần. Chất độc da cam đã tác động mạnh mẽ, lâu dài tới môi trường các hệ sinh thái và sức khỏe con người. Gần 25% tổng diện tích miền Nam Việt Nam bao gồm hầu hết các hệ sinh thái từ vùng thấp ven biển đến vùng đồi núi cao thuộc 5 vùng sinh thái: Bắc Trung bộ, Duyên hải Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Tây Nam bộ đều bị ảnh hưởng, trong đó Đông Nam bộ là vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất (56% diện tích bị phun rải). Khoảng 86% lượng chất độc đã được phun rải lên các vùng rừng rậm; 14% còn lại được dùng để phá hủy ruộng vườn, hoa màu chủ yếu là đồng lúa và nương rẫy. Diện tích rừng ngập mặn bị ảnh hưởng chất độc hóa học là 150.000 ha, điển hình là khu rừng ngập mặn Cà Mau.
Với một lượng khổng lồ chất độc hóa học phun rải lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, môi trường bị ô nhiễm, các hệ sinh thái bị đảo lộn, nhiều loài thực vật động vật bị tiêu diệt. Do rừng bị tàn phá nặng nề nên chức năng bảo vệ môi trường của rừng phòng hộ đầu nguồn của 28 lưu vực sông cũng bị phá vỡ. Chất độc da cam cũng đã làm 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân, rất nhiều gia đình có 3 nạn nhân trở lên, có gia đình cả 15 người con đều là nạn nhân chất độc da cam. Hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, hàng trăm nghìn người đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo. Các bệnh phổ biến ở các nạn nhân chất độc da cam là liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể, mù, câm điếc, thiểu năng, ung thư, tai biến sinh sản, dị dạng dị tật bẩm sinh. Đặc biệt chất độc da cam có thể di truyền qua nhiều thế hệ; ở Việt Nam di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ 3. Phần lớn những gia đình nạn nhân da cam đã và đang sống trong đau khổ, bệnh tật, nghèo đói và vô vọng. Họ là những người nghèo nhất trong những người nghèo, người đau khổ nhất trong những người đau khổ.
Hội thảo quốc tế lần thứ II về chất độc hóa học diệt cỏ do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam và tác hại lâu dài của nó đối với thiên nhiên và con người được tổ chức năm 1993 đã kết luận: “Chất độc da cam của Mỹ đã hủy diệt, tiêu diệt thiên nhiên cây cỏ; hủy diệt sức khỏe con người, gây nhiều bệnh tật nặng nề, gây nên những biến đổi gen di truyền qua mẹ hoặc bố, gây tai biến sinh sản, quái thai, dị dạng di tật của những đứa con sinh ra; gây ra các bệnh ung thư...”.
Máy bay Mỹ đang rải chất độc hóa học xuống chiến trường miền Nam. (Ảnh: T.L) |
Ngày 10-1-2004, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam chính thức ra mắt hoạt động. Cùng với nhiều chương trình như xây dựng và phát triển tổ chức Hội, tuyên truyền, quyên góp, vận động, giúp đỡ nạn nhân da cam, một trong những nội dung hoạt động được dư luận đánh giá cao của Hội là cuộc đấu tranh đòi công lý. Ngày 30-1-2004, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và một số nguyên đơn gửi đơn lên Tòa án sơ thẩm liên bang tại quận Brooklyn, New York, Hoa Kỳ kiện 37 công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất và cung cấp hóa chất độc hại cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Đây là lần đầu tiên người Việt Nam nộp đơn ra tòa án Mỹ để kiện các công ty Mỹ. Vụ kiện có rất đông nguyên đơn là người nước ngoài được tiến hành tại Mỹ, theo luật pháp Mỹ và do quan tòa Mỹ xét xử. Đây cũng là vụ kiện chưa có tiền lệ trong lịch sử ngành tư pháp Mỹ. Trải qua 5 năm (2004 - 2009), qua 3 cấp sơ thẩm, phúc thẩm và Tòa án tối cao liên bang, vụ kiện mới chỉ qua giai đoạn tiền xét xử. Trong giai đoạn này, luật sư hai bên tranh luận 6 vấn đề trong đó có 5 vấn đề Tòa án phán quyết theo lập luận của luật sư phía nguyên đơn, 1 vấn đề theo lập luận của bị đơn.
Lý do từ chối vụ kiện của Tòa án Mỹ là bất công, là ngụy biện, là sự đảo ngược thực tế khách quan. Dư luận Mỹ và dư luận thế giới bất bình về thái độ thiên vị và thiếu tôn trọng công lý của Tòa án Mỹ, những điều mà Mỹ thường đem đi rao giảng khắp nơi. Mặc dù Tòa án Mỹ từ chối thụ lý vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam nhưng vụ kiện đã giành được thắng lợi quan trọng về xã hội và nhân văn, đạt được thành công về mọi mặt:
Trước hết, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã vượt qua rào cản để đưa vụ kiện ra Tòa án Mỹ trước sự phản đối của các công ty hóa chất và Chính phủ Hoa Kỳ về nội dung kiện và tư cách của Hội.
Hai là, vụ kiện đã vạch trần trước dư luận thế giới âm mưu che đậy tội ác của Mỹ trong tiến hành chiến tranh hóa học bằng luận điệu dùng chất diệt cỏ để khai quang.
Ba là, làm cho nhân dân trong nước và thế giới hiểu rõ hơn về thảm họa da cam ở Việt Nam; thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước, dư luận quốc tế và dư luận Mỹ, hình thành phong trào mang tính quốc tế đấu tranh chống chiến tranh hóa học, đòi Mỹ bồi thường thiệt hại cho nhân dân Việt Nam.
Bốn là, làm cho chính giới lập pháp hành chính Mỹ có những động thái chuyển biến bước đầu như thừa nhận có nạn nhân chất độc da cam, có trách nhiệm trong việc thanh khiết các “điểm nóng”.
Việc Tòa án Mỹ từ chối thụ lý vụ kiện không chấm dứt cuộc đấu tranh đòi công lý của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam tại Mỹ. Thời hiệu khởi kiện không bị triệt tiêu. Tư cách pháp lý của nguyên đơn Việt Nam đã được Tòa án Mỹ thừa nhận. Lý do khởi kiện không bị bác bỏ. Đây là những tiền lệ tư pháp để các nguyên đơn Việt Nam có thể tiến hành pháp lý đến cùng tại Mỹ để đòi công lý.
Ý kiến bạn đọc