Multimedia Đọc Báo in

Nhớ lại cuộc đấu tranh quyết liệt và dài ngày nhất ở Nhà đày Buôn Ma Thuột

09:41, 31/08/2011

Có rất nhiều cuộc đấu tranh của những người cộng sản trong Nhà đày Buôn Ma Thuột nhưng ông Trần Thúc Kính, tên thường gọi là Trần Văn Quang (cựu tù chính trị tại Nhà đày Buôn Ma Thuột từ năm 1941-1945) nhớ rõ nhất là cuộc đấu tranh phản đối tên chủ lao Môsin tàn ác.

Giữa năm 1943, Môsin đã bắn chết một số tù chính trị vì nghi ngờ họ tổ chức vượt ngục. Hành vi giết người của Môsin đã gây căm phẫn trong toàn thể tù nhân và thúc đẩy họ đứng lên đấu tranh. Toàn thể tù nhân hô đả đảo Môsin, đả đảo đế quốc, địch đối phó bằng cách đánh đập. Sau ba ngày đấu tranh, có một số đồng chí bị thương nhẹ, các tù nhân đã họp, rút kinh nghiệm, cử người viết yêu sách bằng tiếng Pháp gửi công sứ Buôn Ma Thuột và khâm sứ Trung Kỳ.

Bước sang tuần thứ hai của cuộc đấu tranh, tù nhân các lao liên tục hô khẩu hiệu “Đả đảo quản ngục Môsin” làm náo động các khu nhà lao. Sau đó, ngày 6-7-1943 trước khi đi lao động, đoàn đại biểu tù nhân yêu cầu được gặp quản ngục Môsin và tuyên bố “Chúng tôi phản đối ông vô cớ bắn giết, đánh đập tù nhân dã man, chúng tôi không đi làm chờ được giải quyết yêu sách, khi gặp công sứ chúng tôi sẽ nói rõ hơn…”. Môsin tỏ rõ sự phẫn nộ và đã bắn vào chân đồng chí Lương (Bé). Hành động của Môsin như lửa đổ thêm dầu, làm rộ lên tiếng hò la, tiếng hô khẩu hiệu liên tục trong các nhà lao: “Phản đối khủng bố, đánh đập, bắn giết tù nhân”. Cuộc đấu tranh thu hút thêm một số tù nhân khác tham gia chuyển lên một mức độ quyết liệt hơn, rộng rãi hơn.

Ngày 16-7-1943 công sứ Buôn Ma Thuột đến Nhà đày, tù nhân cử đại diện đưa yêu sách: “Cuộc đấu tranh của các tù nhân không những không được giải quyết mà Môsin còn tiếp tục bắn giết tù nhân. Lần bắn giết tù nhân trước đây đã là dã man và nghiêm trọng. Lần này lại còn nghiêm trọng hơn. Chúng tôi kiên quyết bảo vệ tính mạng của mình. Chúng tôi cực lực phản đối việc đánh đập, bắn giết tù nhân.

Chúng tôi kiên quyết đòi đổi tên Môsin giết người. Đề nghị các ông giải quyết gấp”. Công sứ tỏ ra chăm chú lắng nghe, nhận yêu sách rồi bỏ ra về. Từng đợt hô khẩu hiệu của tù nhân lại liên tiếp nổ ra, kéo dài suốt cả buổi chiều. Lần này khác với các lần trước, địch không vào đánh đập tù nhân nữa.

Ngày 17-7-1943, khâm sứ Trung Kỳ buộc phải đổi tên quản ngục khát máu Môsin đi nơi khác và thay Phó Thanh tra khố xanh Mi Mô (Mi Gnôt) về làm quản ngục Nhà đày Buôn Ma Thuột.

Như vậy, cuộc đấu tranh quyết kiệt và kéo dài nhiều ngày nhất cả tù nhân Nhà đày Buôn Ma Thuột đã kết thúc thắng lợi. Thắng lợi đó khẳng định sức mạnh của tổ chức, của sự đoàn kết, thống nhất về nội dung, phương pháp đấu tranh của anh em tù nhân. Qua đó đánh giá bước trưởng thành mới về trình độ tổ chức đấu tranh của tù nhân và tạo đà cho những bước phát triển tiếp theo, chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám thành công ở Dak Lak.

Trương Bi
(Theo lời kể của bác Trần Văn Quang)

 


Ý kiến bạn đọc