Multimedia Đọc Báo in

Phùng Chí Kiên - Tấm gương sáng của người cộng sản

06:52, 20/08/2011

Đồng chí Phùng Chí Kiên (1901-1941) là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người chiến sĩ cộng sản mẫu mực trung kiên, nhà chính trị quân sự song toàn. Ông nguyên là Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng (khóa I), nhà lãnh đạo quân sự đầu tiên của Đảng, người trực tiếp chỉ huy đội du kích Bắc Sơn, người có công rất lớn trong quá trình xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang, xây dựng và bảo vệ căn cứ địa cách mạng trong những ngày chuẩn bị tiến tới Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945, cũng như đối với phong trào cách mạng nước ta.

 

Đồng chí Phùng Chí Kiên
Đồng chí Phùng Chí Kiên

Đồng chí Phùng Chí Kiên tên khai sinh là Nguyễn Vĩ, sinh năm 1901 tại làng Mỹ Quan Thượng, tổng Vạn Phần (nay là xã Diễn Yên), huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Nhà nghèo nhưng ông được cha mẹ cho đi học sớm. Sau khi đỗ sơ học yếu lược, do đời sống gia đình gặp khó khăn ông nghỉ học ở nhà giúp đỡ cha mẹ. Năm 1925, ông làm thuê cho một thương nhân Hoa kiều ở ga Yên Lý. Thời gian này, Tổng bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội (VNTNCMĐCH) ở Quảng Châu (Trung Quốc) đã cử người về Nghệ Tĩnh hoạt động, nhiều thanh niên ở đây được đưa sang Quảng Châu học tập. Dưới sự dìu dắt của Lê Hữu Lập, một cán bộ Hội Thanh niên, Phùng Chí Kiên tham gia tích cực nhóm đọc sách báo tiến bộ và quyên góp tiền bạc ủng hộ những người xuất dương. Tháng 10-1926, ông sang Quảng Châu dự lớp huấn luyện chính trị do đồng chí Nguyễn Ái Quốc giảng dạy. Tại đây ông gia nhập tổ chức VNTNCMĐCH. Sau khóa huấn luyện chính trị 3 tháng, ông được Nguyễn Ái Quốc giới thiệu vào học trường Quân sự Hoàng Phố của chính phủ Tôn Trung Sơn với tên là Mạnh Văn Liễu.

Tháng 2-1931, ông được đồng chí Nguyễn Ái Quốc đổi tên là Can và cử sang Liên Xô học Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế cộng sản. Nhưng khi đến Mãn Châu, ông bị phát xít Nhật bắt giam gần một năm. Ra tù, ông tiếp tục lên đường sang Liên Xô học tại Trường Đại học của những người lao động Phương Đông (gọi tắt là Trường Đại học Phương Đông) từ tháng 6-1932 đến tháng 3-1934. Năm 1934, ông về Hương Cảng (Trung Quốc) tham gia Ban lãnh đạo Hải ngoại của Đảng cộng sản Đông Dương do Lê Hồng Phong đứng đầu. Ông cùng với Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập bắt liên lạc với tổ chức Đảng trong nước, chuẩn bị cho việc triệu tập Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng. Sau ngày đồng chí Lê Hồng Phong dẫn đầu đoàn đại biểu của Đảng ta đi dự Đại hội lần thứ VII của Quốc tế cộng sản, ông cùng với đồng chí Hà Huy Tập biên soạn dự thảo các văn kiện của Đại hội. Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ nhất họp ở Ma Cao (Trung Quốc) tháng 3-1935, ông được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng, phụ trách công tác Đảng ở ngoài nước. Tháng 8-1936, ông được cử về Sài Gòn cùng đồng chí Hà Huy Tập trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ VII của Quốc tế cộng sản và Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 26-7-1936. Một năm sau, theo yêu cầu của cách mạng, đồng chí Lê Hồng Phong về Sài Gòn hoạt động, Phùng Chí Kiên trở lại Trung Quốc chỉ đạo công tác Đảng ở ngoài nước. Ngày 23-10-1936, ông bị cảnh sát Anh bắt giam hai tháng ở Hương Cảng và sau đó bị chúng trục xuất khỏi Hương Cảng. Ông sang thị trấn Sơn Đầu (tỉnh Quảng Đông) và qua Côn Minh (thủ phủ tỉnh Vân Nam). Tại đây ông cùng các đồng chí khác củng cố lại Ban lãnh đạo Đảng ở ngoài nước, xuất bản báo “Đồng Thanh” và lập Hội Việt Nam ủng hộ nhân dân Trung Hoa đánh Nhật. Đầu năm 1940, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đến Côn Minh, ông báo cáo với Người về tình hình và hoạt động của Đảng ta ở ngoài nước. Ông thường đưa đồng chí Nguyễn Ái Quốc đến công tác nhiều nơi như Mông Tự, Nghi Lương, Khai Viễn, Chi Thôn...thuộc tỉnh Vân Nam. Tháng 6-1940, tình hình thế giới thay đổi có lợi cho cách mạng Việt Nam, ông khẩn trương chuẩn bị cho lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước. Ông cùng với Người chuyển tới thị trấn Tĩnh Tây (tỉnh Quảng Tây) giáp biên giới nước ta. Tại Tĩnh Tây, dưới sự chi đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, ông cùng các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp đã tổ chức huấn luyện cho 40 thanh niên Việt Nam để đưa về Cao Bằng xây dựng cơ sở cách mạng. Ngày 28-1-1941, Phùng Chí Kiên cùng với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước lãnh đạo phong trào Cách mạng Việt Nam.

Từ 10-5 đến 19-5-1941, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 họp tại Khuổi Nậm, Pắc Bó. Theo đề nghị của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị quyết định Mặt trận dân tộc thống nhất chống phát xít Pháp-Nhật đổi tên là Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh). Hội nghị nhất trí nhận định khu vực Bắc Sơn-Võ Nhai là một địa bàn quan trọng, lấy đó làm căn cứ địa cách mạng, tổ chức đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị. Cũng tại Hội nghị này, Phùng Chí Kiên được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trực tiếp chỉ huy Khu căn cứ Bắc Sơn, Chỉ huy trưởng Đội Cứu quốc quân 1.

Cuối tháng 6-1941, thực dân Pháp huy động hơn 4.000 quân bao vây khu căn cứ Bắc Sơn –Võ Nhai nhằm tiêu diệt đội Cứu quốc quân và cơ quan đầu não của Đảng, trấn áp phong trào cách mạng Bắc Sơn. Ông đã lãnh đạo trung đội Cứu quốc quân bảo vệ an toàn các đồng chí ủy viên Trung ương và chuẩn bị chống địch khủng bố. Với tinh thần dũng cảm mưu trí, ông đã chỉ huy đội Cứu quốc quân chiến đấu anh dũng, phá một số trận càn lớn của Pháp và lực lượng theo Pháp. Do chênh lệch về lực lượng và vũ khí, Ban lãnh đạo căn cứ Bắc Sơn-Võ Nhai quyết định để lại một tiểu đội chặn đối phương, còn hai tiểu đội phá vòng vây, rút lên Cao Bằng để bảo toàn lực lượng. Cánh quân của ông và Lương Văn Tri khi đến xã Văn Đức, châu Na Rì, Bắc Kạn thì bị địch phục kích, bao vây. Dưới sự chỉ huy của ông, các chiến sĩ du kích đã chiến đấu rất anh dũng. Trong trận chiến hết sức ác liệt và không cân sức này, ông đã bị thương nặng và rơi vào tay giặc. Kẻ thù đã chặt đầu ông rồi đem cắm ở cầu Ngân Sơn để uy hiếp tinh thần cán bộ và nhân dân địa phương. Ông đã anh dũng hy sinh khi vừa tròn 40 tuổi. Đây thực sự là một mất mát, một tổn thất vô cùng to lớn của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.

Đồng chí Phùng Chí Kiên mất đi, nhưng mãi mãi còn đó tấm gương hết mực sáng trong của người cộng sản kiên trinh, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cán bộ mẫu mực song toàn đầu tiên của Đảng, người có cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam nói chung và lực lượng vũ trang cách mạng nói riêng. Để tưởng thưởng cho những công lao to lớn của ông, tháng 9-1947, trong Lễ phong quân hàm đầu tiên cho quân đội ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Quyết định truy phong quân hàm cấp tướng của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa cho ông. Năm 1990, hài cốt của ông đã được đưa về nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội). Năm 1994, ông được Nhà nước truy tặng Huân chương Chiến công hạng ba. Và cách đây 3 năm, nhân kỷ niệm 67 năm ngày hy sinh của ông, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã nhất trí cho Bộ Quốc phòng và Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề : “Phùng Chí Kiên - người cộng sản mẫu mực kiên trung, nhà chính trị-quân sự song toàn” tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.  

Nguyễn Thị Thọ

Ý kiến bạn đọc