Multimedia Đọc Báo in

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Khải hoàn ca của dân tộc

16:58, 19/08/2011

“Đoàn quân Việt Nam đi chung lòng cứu quốc. Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa. Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước. Súng ngoài xa chen khúc quân hành ca”. Lời bài hát Tiến quân ca của Văn Cao sau này trở thành quốc ca, dậy vang phố phường Hà Nội ngày 19-8-1945, lan tỏa khắp đất nước, đến ngày 25-8 đã vang vọng ở Sài Gòn. Cách mạng Tháng Tám thành công trên cả nước.

 

Nhớ lại những ngày tháng trọng đại ấy, niềm tự hào càng lớn với mỗi người dân đất Việt thì càng ghi sâu công ơn những bậc tiền bối cách mạng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Tháng 8-1945 tình hình cách mạng thế giới và trong nước chuyển biến nhanh. Nhật đầu hàng đồng minh, thời cơ đã đến, nên dù ốm nặng Bác Hồ vẫn kiên quyết chỉ đạo mở Hội nghị toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội.

Trong hồi ký Những chặng đường lịch sử, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có kể lại: “Có hôm tôi đến, Bác đang lên cơn sốt, miệng toàn nói mê. Thuốc men chẳng có, chỉ kiếm được vài viên thuốc cảm và ký ninh, Bác đã uống mà không thấy đỡ… Đêm ấy, tôi nghỉ lại với Bác trên cái lán ở giữa rừng. Lúc nào tỉnh, Bác chỉ nói chuyện tình hình: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được Độc lập”. Mỗi lúc nhớ ra điều gì, Bác lại dặn. Bác lúc ấy chắc thấy mình yếu quá, có ý muốn dặn lại công việc”.

Ngày 14-8-1945, Bác vừa dứt cơn sốt, người còn võ vàng vẫn đến dự Hội nghị toàn quốc của Đảng để quyết định thành lập Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc và lập Bộ Tư lệnh giải phóng quân Việt Nam.

Ngày 16-8-1945, Quốc dân Đại hội mở ra ở đình Tân Trào, quyết định lệnh Tổng khởi nghĩa và bầu ra Ủy ban Giải phóng dân tộc mà Bác làm Chủ tịch. Đoàn đại biểu nhân dân Tân Trào đem gạo, bò, gà đến mừng Đại hội, một ông già người Tày dắt một con bò đến tặng. Đồng bào ta đã bị chiến tranh bòn mót đến xương tủy, ai nấy đều tiều tụy, rách rưới. Đáng thương nhất là các em bé dân tộc thiểu số gầy gò, vàng vọt, ở truồng tồng ngồng, theo người lớn đến chào Quốc dân Đại hội. Bác đến gần các cháu và nói với các đại biểu: “Nhiệm vụ của chúng ta là phải làm sao cho các em bé có cơm no, có áo ấm, được đi học, không lam lũ mãi thế này”. Mọi người đều cảm động. Câu nói ấy, về sau này Bác thường nhắc nhở để không ai được phép quên quá khứ gian khổ mà hào hùng của cách mạng.

Chiều ngày 16-8-1945 một đơn vị Giải phóng quân làm lễ xuất quân dưới gốc đa Tân Trào tiến về Nam. Chưa bao giờ Tân Trào lại đón tiếp một đoàn người nhiều màu sắc như vậy. Cùng với màu chàm rừng núi quen thuộc, còn có màu nâu dày dạn của đồng bằng, và những màu sắc tươi sáng của đô thị. Những chiến sĩ Giải phóng quân, quần áo đủ kiểu, mang trên người dấu vết của những cuộc vật lộn ác liệt với quân thù trên các nẻo đường rừng, trên các triền núi đá Việt Bắc, tề tựu nghiêm trang dưới cờ nghe đọc bản Quân lệnh số I của Ủy ban khởi nghĩa:

“Hỡi quân dân toàn quốc!
12 giờ trưa ngày 13-8-1945, phát xít Nhật đã đầu hàng Đồng minh, quân đội Nhật đã bị tan rã tại khắp các mặt trận. Kẻ thù chúng ta đã ngã gục.
Giờ Tổng khởi nghĩa đã đến!
Cơ hội có một cho nhân dân Việt Nam vùng dậy giành lấy quyền độc lập của nước nhà!
Mang nhiệm vụ lãnh đạo cuộc khởi nghĩa toàn quốc cho đến toàn thắng, Ủy ban khởi nghĩa đã thành lập.
Hỡi các tướng sĩ và đội viên Quân Giải phóng Việt Nam!
Dưới mệnh lệnh của Ủy ban khởi nghĩa, các bạn hãy tập trung lực lượng, kíp đánh vào các đô thị và trọng trấn của quân địch; đánh chẹn các đường rút lui của chúng, tước võ khí của chúng! Đạp qua muôn trùng trở lực, các bạn hãy kiên quyết tiến!
Hỡi nhân dân toàn quốc!
Dưới mệnh lệnh của Ủy ban khởi nghĩa, đồng bào hãy đem hết tâm lực ủng hộ đạo Quân Giải phóng, sung vào bộ đội, xông ra mặt trận đánh đuổi quân thù.
Chúng ta phải hành động cho nhanh, với một tinh thần vô cùng quả cảm, vô cùng thận trọng!
Tổ quốc đang đòi hỏi những hy sinh lớn lao của các bạn!
Cuộc thắng lợi hoàn toàn nhất định sẽ về ta!
Ngày 13 tháng 8 năm 1945, 11 giờ đêm
Ủy ban khởi nghĩa”

Ngày 19-8 Hà Nội khởi nghĩa giành chính quyền. Khí thế sục sôi, cả nước liên tiếp khởi nghĩa giành thắng lợi, đến ngày 25-8 khởi nghĩa ở Sài Gòn. Trong vòng một tuần lễ chính quyền hoàn toàn về tay nhân dân.

Ngày 2-9-1945, Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại vườn hoa Ba Đình, khai sinh nước Việt Nam mới với chính thể dân chủ cộng hòa. Ủy ban Giải phóng chuyển thành Chính phủ lâm thời. Đến ngày 6-1-1946, bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên để chính thức ban hành Hiến pháp.

Từ mùa thu cách mạng ấy đến nay vừa tròn 66 năm. Bài học lịch sử mãi mãi là đại đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo của một Đảng anh minh đã lần lượt làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ 30 năm đánh thắng thực dân, đế quốc xâm lược và 36 năm phá thế bao vây, cấm vận của kẻ thù, bước vào hội nhập, đổi mới nền kinh tế, thoát khỏi nước nghèo, xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Hạnh phúc hôm nay được kết tinh từ quá khứ, mấy nghìn năm bảo vệ, dựng xây mới có Tổ quốc đẹp giàu. Cách mạng tháng Tám năm 1945 mãi mãi là đuốc sáng soi đường cho các dân tộc bị áp bức, là khải hoàn ca của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Tháng 8-2011
Hữu Chỉnh

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Chủ động kết nối, giải quyết việc làm cho người lao động
Tỉnh Đắk Lắk luôn tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, đẩy mạnh đào tạo nghề để người dân có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, có thu nhập ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương.