Multimedia Đọc Báo in

Võ Chí Công, cả một đời gần dân

10:18, 29/09/2011

Nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công qua đời để lại niềm tiếc thương vô hạn cho Đảng, Nhà nước và nhân dân. Niềm tiếc thương càng nhân lên gấp bội khi suốt đời con người cực kỳ quả cảm ấy chỉ có một nỗi sợ - mất dân. Gần dân, luôn gắn với dân, nghe dân, học dân, tin dân, dựa vào dân để vượt qua khó khăn, thử thách, đó là phong cách, dấu ấn đậm nét về đồng chí Võ Chí Công - một nhà cách mạng, nhà lãnh đạo gần dân, sát thực tiễn, hy sinh cả cuộc đời vì dân vì nước.

Chủ tịch Võ Chí Công đi thăm cánh đồng lúa của xã Nguyên Xá (Đông Hưng, Thái Bình). Ảnh: T.L
Chủ tịch Võ Chí Công đi thăm cánh đồng lúa của xã Nguyên Xá (Đông Hưng, Thái Bình). Ảnh: T.L
Phong cách, quan điểm sống và làm việc ấy được đồng chí Võ Chí Công coi là tôn chỉ trong suốt gần 80 năm hoạt động cách mạng. Năm 1943, ông bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam và sau đó đưa đi đày ở Buôn Ma Thuột. Mặc dù bị tra tấn dã man, nhà cách mạng Võ Chí Công vẫn giữ vững khí tiết cộng sản, luôn luôn đấu tranh chống chế độ hà khắc, lao động khổ sai của nhà tù; kiên quyết đấu tranh chống tư tưởng dao động của một số cán bộ, đảng viên trong tù. Sau Cách mạng Tháng Tám - 1945, đồng chí Võ Chí Công được phân công nhiều nhiệm vụ khác nhau ở Khu 5, nhưng trong cương vị nào cũng lập được thành tích xuất sắc nhờ phong cách gần dân, sát thực tiễn: Từ việc thực hiện giảm tô, hiến ruộng đất đã giúp tăng cường mặt trận đoàn kết ở nông thôn, động viên mọi tầng lớp nhân dân tham gia kháng chiến; việc lãnh đạo phong trào đấu tranh chính trị đòi thi hành Hiệp định Geneve 1954; cho đến việc lãnh đạo giữ vững thế trận ngay cả lúc thoái trào, rồi việc lãnh đạo chiến dịch Giải phóng Đà Nẵng năm 1975… Nhân dân Khu 5 biết nhiều về đồng chí Võ Chí Công, thường gọi ông với cái tên trìu mến và dễ nhớ: "ông Năm Công".
Hòa bình lập lại, ở cương vị rất cao, người ta thường thấy ông là người ít nói, nhưng khi đứng trước những câu hỏi lớn của đời sống thì vẫn là Võ Chí Công ấy, quyết đoán, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Ông là người ủng hộ “khoán chui”, đưa đến sự giải phóng có tính quyết định lực lượng sản xuất, làm thay đổi cơ bản cục diện đang bế tắc của xã hội. Một lần nữa ông lại đứng về phía thực tiễn, về phía dân, góp phần tạo nên bước vượt thoát ngoạn mục của đất nước, đưa đến thời kỳ bùng lên mạnh mẽ được gọi là “Đổi mới”. Vào những năm 1980-1981, các hợp tác xã nông nghiệp miền Bắc đang có nguy cơ tan rã vì cơ chế khoán đến đội sản xuất. Trước nguy cơ đó, một số hợp tác xã có sáng kiến khoán trực tiếp cho người lao động đem lại hiệu quả kinh tế, nhưng phải làm "chui" vì chưa có quyết định của cấp trên. Đồng chí Võ Chí Công đã trực tiếp xuống cơ sở, đến gặp bà con xã viên, quần xắn trên gối đi với nông dân ra ruộng, lội khắp bờ vùng, bờ thửa, khuyến khích họ nói ra suy nghĩ của mình, để từ đó đúc rút kinh nghiệm cách làm hay từ thực tiễn, nghiên cứu và tổng kết thành chủ trương của Đảng và Nhà nước, thể hiện ở “Chỉ thị 100” của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Với tinh thần trách nhiệm cao, đồng chí đã khẳng định trước Bộ Chính trị: “Nếu cách khoán mới không đem lại hiệu quả tôi xin chịu trách nhiệm trước Đảng và nhân dân”. Người cán bộ ấy luôn tin rằng sáng tạo trong cách mạng và trong đời sống bao giờ cũng là dân, bởi vì chỉ có dân mới là thực tiễn, là đời sống thực đang vận động, và Đảng giỏi là khi Đảng biết nghe dân. Đảng sáng tạo là vì Đảng nghe được dân, tổng kết được ý chí và trải nghiệm của dân để chỉ đạo lại đời sống.
Đồng chí Võ Chí Công đến thăm và nói chuyện với bà con xã Phước Trà (Hiệp Đức, Quảng Nam).                                   Ảnh: T.L
Đồng chí Võ Chí Công đến thăm và nói chuyện với bà con xã Phước Trà (Hiệp Đức, Quảng Nam). Ảnh: T.L
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy rất hay rằng, lãnh đạo đi thực tế phải biết "nghe từ miệng sang tai, mặt đối mặt". Gặp dân mà có cán bộ địa phương, liệu dân có dám nói hết, nói đúng hoàn toàn sự thật không? Chắc chắn là không. Bác Hồ còn có một điều đặc biệt nữa khi quan niệm, lãnh đạo dù là cao nhất, việc xuống với dân là trách nhiệm dân giao cho chứ không phải mang xuống ân huệ gì cả, nên không cần phải "nhiệt liệt chào mừng". Đồng chí Võ Chí Công đã học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đúng như thế. Ông là người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính bởi tư tưởng luôn lấy dân làm gốc, đắm chìm trong đời sống nhân dân, luôn tin tưởng ở nhân dân. Ông đi rất nhiều và thường là đi thẳng xuống cơ sở để nói chuyện trực tiếp với nông dân chứ không qua tỉnh, qua huyện rồi mới xuống, có khi xuống cơ sở xong xuôi hết cả rồi mà chính quyền địa phương không biết.

Đ.T (Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.