Multimedia Đọc Báo in

Nhớ về ngày Nam bộ kháng chiến

10:09, 29/09/2011

Ngày 23-9-1945, chỉ 21 ngày sau khi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thực dân Pháp với âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa đã nổ súng gây hấn tại Nam bộ. Nhân dân Nam bộ đã phải bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, mở đầu cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, đồng thời biểu thị ý chí sắt son của quân và dân cả nước “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ!” .

Dân quân cứu quốc Nam bộ trong những ngày đầu Nam bộ kháng chiến,                 tháng 9 năm 1945.                            Ảnh: T.L
Dân quân cứu quốc Nam bộ trong những ngày đầu Nam bộ kháng chiến, tháng 9 năm 1945. (Ảnh: T.L)

Hẳn chưa ai quên sự xấc xược của thực dân Pháp trong cuộc thương thuyết giữa ta với phái đoàn đại diện của Cộng hòa Pháp: “ Có lẽ các ông quan niệm rằng phải giành bằng vũ lực, bằng máu để chứng tỏ là xứng đáng với độc lập và để chứng tỏ rằng dân nước các ông biết giành độc lập ấy. Bởi vậy, các ông quan niệm rằng dầu chưa biết thành bại sao, cũng cứ phải chiến đấu đã và những hành động anh hùng sẽ bảo đảm cho tương lai, sẽ làm cho dân chúng có ý thức về sức mạnh của mình, tự biết rằng  mình đã trưởng thành. Nếu quả như vậy thì không cần phải thương lượng giữa các ông và chúng tôi”. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, đại diện Nam bộ đã khẳng khái đáp “Chính là như vậy. Các ông nói đúng, chỉ sai có một điều là không phải chúng tôi không biết trước thành bại, chúng tôi biết trước là chúng tôi sẽ thắng, nước Việt Nam sẽ giữ được độc lập, thống nhất” (Mùa thu rồi ngày hăm ba – Trần Văn Giàu, nguyên Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam bộ). Thế là, với quyết tâm thực hiện lời thề Độc lập mà Bác đã tuyên bố tại Quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 2-9-1945, đồng bào, chiến sĩ Nam bộ “thành đồng Tổ quốc” với lòng yêu nước nồng nàn đã đứng lên kháng chiến. Cả nước dồn sức chi viện Nam bộ với ý chí nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”. Một Ủy ban Kháng chiến Nam bộ ra đời. “ Thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn và ngoại ô kế cận được chia ra làm năm mặt trận, mặt trận nội thành và bốn mặt trận ở xung quanh. Trong nội thành, lập 14 tiểu khu và ngoài 300 tổ đội xung kích” (Mùa thu rồi ngày hăm ba). Đó là lực lượng “đứng mũi chịu sào”. Còn mỗi góc phố, xóm thôn thực sự trở thành những pháo đài, mỗi người dân là mỗi chiến sĩ, đến gậy gộc, giáo mác, tầm vông… đều là vũ khí.  Những ngày ấy, trong kháng chiến gian khổ, ác liệt nhưng đâu cũng vang lên tiếng hát lời ca “Trước nhục nước nên hòa hay nên chiến?/Quyết chiến!/ Thế nước yếu lấy gì lo chiến chinh?/ Hy sinh!”. “Mùa thu về rồi ngày hăm ba, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến…” .Không khí đó đã lan nhanh đến với những già trẻ, gái trai, có “Em bé tẩm dầu lao vào kho xăng, lửa bốc bùng lên…”, “Nam bộ bùng cháy”.  “…Hỡi đồng bào! Từ giờ phút này nhiệm vụ của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp và tay sai của chúng. Hỡi anh em binh sĩ, dân quân, tự vê.! Hãy nắm chặt vũ khí trong tay, xông lên đánh đuổi thực dân Pháp, cứu nước”( Hiệu triệu của Ủy ban Nam bộ kháng chiến). Qua làn sóng của đài Tiếng nói Việt Nam, Bác Hồ gửi gắm lòng mình qua lời kêu gọi: “Hỡi đồng bào Nam bộ! Nước ta vừa tranh quyền độc lập, thì đã gặp nạn ngoại xâm (…) Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam bộ. Chúng ta nên nhớ lời nói oanh liệt của nhà đại cách mạng Pháp “Thà chết tự do hơn sống nô lệ” ( …) Chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của cả quốc dân. Chúng ta nhất định thắng lợi vì cuộc đấu tranh của chúng ta là chính đáng”. Rồi Chính phủ Trung ương cũng ra Huấn lệnh: “Hỡi đồng bào Nam bộ! lòng kiên quyết dũng cảm của nhân dân Nam bộ chống lại quân đội xâm lăng của Pháp chẳng những làm cho đồng bào toàn quốc cảm phục, mà lại đã chứng tỏ cho thế giới đều biết cái quyết tâm độc lập của nhân dân Việt Nam (…).  Làm cho thế giới biết rằng nhân dân Việt Nam không chịu ách nô lệ của Pháp một lần nữa…”.

Nóp và chông - những vũ khí đánh giặc của nhân dân miền Nam trong những ngày đầu kháng chiến vào tháng 9 năm 1945. (Ảnh: T.L)
Nóp và chông - những vũ khí đánh giặc của nhân dân miền Nam trong những ngày đầu kháng chiến vào tháng 9 năm 1945. (Ảnh: T.L)

Ý chí sắt thép đó của nhân dân Nam bộ nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung đã nhận được sự ủng hộ đồng tình của bè bạn năm châu, trong đó có những người bạn Pháp. Sài Gòn mùa thu năm ấy, có một số người Pháp đã thành lập một nhóm phản đối Pháp gây chiến tranh xâm lược Việt Nam và ra báo tuyên truyền ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Trụ sở của nhóm ở nhà số 106, đường Lê –Ông Công – Bơ (nay là đường Sương Nguyệt Ánh), đây cũng là nhà bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, chỗ thường lui tới của các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Hà Huy Giáp, Nguyễn Thọ Chân…Đại diện nhóm nhà báo Pháp Mác Clô cho hay: Lập trường của nhóm là Pháp phải trao trả độc lập tự do hoàn toàn cho Việt Nam; Pháp không thể chiến thắng được Việt Minh và nhân dân Pháp không để Chính phủ Pháp làm mất những người bạn của dân tộc Pháp là nhân dân Việt Nam. Và nhóm đã ra tuần báo mang tên Lăng- đơ – manh do Ăng – đrê Ca- nắc làm Chủ nhiệm chính trị, và lập trường trên của nhóm cũng là tiêu chí, mục đích của tờ báo này.
66 năm đã trôi qua, mùa thu ấy nhân dân Việt Nam đã thể hiện ý chí không khuất phục, không chịu làm nô lệ, quyết tâm bảo vệ độc lập tự do của Tổ quốc. Ngày nay, ý chí ấy, quyết tâm ấy vẫn là sức mạnh để nhân dân Việt Nam chiến thắng nghèo nàn lạc hậu, xây dựng đất nước cường thịnh, phồn vinh, văn minh,  hạnh phúc.  

 

Nguyễn Văn Thanh

Ý kiến bạn đọc