Ngày ấy, Bác Hồ sáng lập báo “Người cùng khổ”
(Nhân kỷ niệm 90 năm báo Người cùng khổ ra số đầu tiên)
90 năm trước đây, để đẩy mạnh công tác tuyên truyền và vận động cách mạng ở các nước thuộc địa, đầu năm 1922, nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc và Ban Thường vụ Hội Liên hiệp thuộc địa đã quyết định lập ra “Hội hợp tác Người cùng khổ” và bàn bạc cho việc xuất bản tờ báo “Người cùng khổ” (Le Paria) tại Pa-ri - thủ đô nước Pháp.
Ngày 1-4-1922, số báo đầu tiên của “Người cùng khổ” ra mắt bạn đọc. Báo in 3 thứ tiếng: Pháp, Ả Rập và Trung Quốc. Tên báo viết bằng tiếng Pháp ở giữa, bằng chữ Ả Rập ở bên trái, còn ở bên phải thì viết bằng chữ Hán. Đầu tiên báo lấy tiêu đề “Diễn đàn của các dân tộc thuộc địa”, sau đổi là “Diễn đàn của vô sản thuộc địa”, rồi sau lại đổi là “Cơ quan của nhân dân bị áp bức các thuộc địa”. Từ tháng 4-1922 đến tháng 4-1926, báo hoạt động được 4 năm, ra được tất cả 38 số, xuất bản mỗi kỳ khoảng trên dưới 5.000 bản. Có thể nói, đây là lần đầu tiên nhân dân nhiều nước thuộc địa khác nhau có một tổ chức và một tiếng nói đấu tranh chung.
Ngay số đầu tiên, báo “Người cùng khổ” đã có “Lời kêu gọi” nêu rõ tôn chỉ, mục đích của mình: “Báo Người cùng khổ ra đời do sự thông cảm chung của các đồng chí ở Bắc Phi, Trung Phi và Tây Phi thuộc Pháp, ở Ma-đa-gát-xca, ở Đông Dương, Ăng-ti-ơ và Guy-an-nơ. Báo Người cùng khổ tố cáo sự lạm quyền về chính trị, độc đoán về hành chính, bóc lột về kinh tế mà nhân dân trên các lãnh thổ rộng lớn ở hải ngoại là nạn nhân. Báo kêu gọi họ đoàn kết lại để đấu tranh cho sự tiến bộ về vật chất và tinh thần của chính họ, hô hào họ tổ chức lại nhằm mục đích giải phóng những người bị áp bức khỏi những lực lượng thống trị, thực hiện tình yêu thương và hữu ái… Báo Người cùng khổ là vũ khí chiến đấu. Sứ mạng của nó đã rõ ràng: Giải phóng con người”. Báo Người cùng khổ do nhà báo Nguyễn Ái Quốc làm chủ nhiệm kiêm chủ bút và quản lý. Là người tham gia sáng lập và trực tiếp chỉ đạo tờ báo, Nguyễn Ái Quốc đã viết cho báo nhiều bài thuộc nhiều thể loại khác nhau, bao gồm xã luận, bình luận, truyện ngắn, tin tức…. Ngoài ra, Người còn vẽ cả tranh châm biếm và đả kích nữa. Viết bằng lối văn giản dị, trong sáng và sinh động, những bài báo của Người có một nội dung súc tích, phong phú, có tính chiến đấu cao và tính quần chúng sâu sắc. Nêu ra những việc thật, người thật lấy từ trong đời sống hằng ngày ở các thuộc địa, chủ yếu là ở Đông Dương, bằng những số liệu cụ thể, những chứng cứ rõ ràng, có lý lẽ đanh thép, dùng phương pháp so sánh và lối châm biếm chua cay, Người đã lên án cái gọi là “nền văn minh” của chủ nghĩa đế quốc nói chung và thực dân Pháp nói riêng. Những lời lẽ mà Người dùng để buộc tội đế quốc “nóng hừng hực như một cái súng phun lửa” (Sin-gô Si-ba-ta - Hồ Chí Minh, một nhà tư tưởng). Dưới ngòi bút sắc bén của Người, bộ mặt giả nhân giả nghĩa của đế quốc Pháp ở các thuộc địa bị vạch trần, cái mà chúng gọi là “khai hóa văn minh” thực chất là khai hóa giết người. Đồng thời, những bài báo của Người nung nấu lòng căm thù của nhân dân các nước thuộc địa đối với bọn đế quốc xâm lược, kêu gọi họ vùng lên đấu tranh tự giải phóng. Biểu lộ những tình cảm sâu sắc đối với nhân dân bị áp bức và nói lên niềm tin tưởng mãnh liệt vào sức mạnh quật khởi của nhân dân các nước thuộc địa nói chung và nhân dân Việt Nam nói riêng. Bên cạnh những bài viết thì những nét vẽ của Người cũng là một thứ vũ khí cực kỳ sắc bén. Luật sư Mác Cô-cô-lanh-vin-lơ Bơ-lông-cua, trong hồi ký “Người bạn tốt của các dân tộc thuộc địa, Bác Hồ ở Pháp” đã từng cho rằng: “Tất cả những bài và tranh ký tên Nguyễn Ái Quốc mang một màu sắc đặc biệt: Đó là tinh thần đấu tranh cách mạng triệt để và quyết tâm chống chủ nghĩa thực dân. Xem và đọc những bài và tranh đó, người ta thấy rõ tác giả có một tinh thần tiến công rất chủ động và rất thông minh”.
“Việc xuất bản tờ báo Người cùng khổ là một vố đánh vào bọn thực dân” (Trần Dân Tiên - Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch). Báo đã được sự đồng tình và ủng hộ của Đảng Cộng sản Pháp, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Pháp; nó được sự giúp đỡ tích cực về mọi mặt của những Việt kiều yêu nước đang sinh sống và hoạt động ở Pháp. Tuy nhiên, Người cùng khổ lại bị chính quyền thực dân cấm đưa vào các thuộc địa. Những người đọc nó ở các thuộc địa, nhất là ở Đông Dương đều bị bắt giam và báo ấy bị tịch thu. Bất chấp sự theo dõi, đe dọa, ngăn cấm của nhà cầm quyền Pháp, mặc dù có nhiều khó khăn về tài chính, báo Người cùng khổ vẫn luôn là tờ báo có sức sống để thực hiện mục đích, tôn chỉ của mình. Riêng Chủ nhiệm kiêm Chủ bút Nguyễn Ái Quốc đã in nhiều truyền đơn cổ động dân chúng mua báo. Người đã khẳng định trên tờ truyền đơn: “Báo “Le Paria” là tờ báo của bạn! Báo dự kiến những sự kiện nghiêm trọng có thể xảy ra…, bạn đừng đợi gì mà không mua báo…, báo giúp bạn thoát khỏi nô lệ, báo sẽ phát hành sang các nước thuộc địa để dẫn dắt người bị bóc lột thuộc mọi màu da đoàn kết lại dưới lá cờ đỏ “búa liềm” trong một phong trào quốc tế rộng lớn quét sạch mọi kẻ bóc lột, mà chúng ta là những người Cùng Khổ”. Tờ truyền đơn còn viết: “Chỉ có chủ nghĩa Cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người, không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc – sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người, niềm vui hòa bình hạnh phúc… Xóa bỏ những biên giới tư bản chủ nghĩa… tất cả mọi người hãy đứng lên quanh lá cờ đỏ để chinh phục thế giới. Lao động tất cả các nước đoàn kết lại!”.
Sự ra đời của tờ báo Người cùng khổ đã góp phần quan trọng vào việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào Đông Dương và các nước thuộc địa khác. Nó đánh dấu một giai đoạn mới trong phong trào giải phóng dân tộc ở nước ta và các thuộc địa của Pháp. “Đó là một luồng gió mới thổi đến nhân dân các nước bị áp bức” (Trần Dân Tiên - Sách đã dẫn…). Đã 90 năm kể từ ngày ra đời, nhưng cho đến nay Người cùng khổ vẫn còn nguyên đó giá trị về lý luận và thực tiễn; vẫn còn đó giá trị thời sự mà đến ngay thời điểm này chúng ta cũng không được phép bỏ qua …
Nguyễn Thị Thọ
Ý kiến bạn đọc