Multimedia Đọc Báo in

Một ngôi sao càng nhìn càng thấy sáng (Nhân 130 năm ngày sinh của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu 1-7-1822 – 1-7-2012)

17:16, 29/06/2012

Trong một bài viết của mình, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã có những lời so sánh, ví von diệu vợi : “Trên trời có những vì sao có ánh sáng khác thường, nhưng con mắt của chúng ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy, và càng nhìn thì càng thấy sáng”. Đó chính là phần mở đầu bài luận văn nổi tiếng của cố Thủ tướng viết để tưởng nhớ tới nhà thơ, người chiến sĩ yêu nước đầy tự hào của dân tộc ta ở thế kỷ 19 – Nguyễn Đình Chiểu.

Nhân dân đến viếng khu lưu niệm nhà thơ yêu nước  Nguyễn Đình Chiểu ở Ba Tri, Bến Tre.              Ảnh: T.L
Nhân dân đến viếng khu lưu niệm nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu ở Ba Tri, Bến Tre.              Ảnh: T.L

Cùng với thời gian, càng ngày chúng ta càng nhận ra tầm vóc lớn lao của nhà thơ-chiến sĩ Nguyễn Đình Chiểu, một con người đã biết vượt qua hoàn cảnh, vượt qua thử thách của số phận để sống và sống một cách hữu ích. Ông Hà Huy Giáp từng cho rằng: Cuộc đời của cụ Đồ Chiểu là một cuộc đấu tranh gay go, gian khổ để chống lại hoàn cảnh. Những bất hạnh của cuộc đời riêng, những bất hạnh của dân tộc là những thử thách vô cùng lớn lao với ông. Đấu tranh để không bị gục ngã trước số phận khắc nghiệt, đấu tranh để chống lại những lưới bẫy của kẻ thù, những thành kiến lỗi thời của xã hội. Đấu tranh với bên ngoài, đấu tranh với bản thân trước những ảnh hưởng tiêu cực của Nho giáo để gia nhập vào hàng ngũ nhân dân cách mạng và trở thành người nghệ sĩ của nhân dân. Đấu tranh không chỉ để giữ mình mà để khẳng định vị trí chiến đấu của bản thân mình trong cuộc đời với tư cách người công dân, người trí thức, người nghệ sĩ. Bên cạnh sự tự nỗ lực bằng nghị lực phi thường của mình, Nguyễn Đình Chiểu còn được nhân dân giúp đỡ, tiếp sức cho ông với tất cả sự thành tâm và thương mến. Cũng chính bởi động lực đó đã tạo nên sức mạnh tinh thần mãnh liệt giúp ông thành công trong nhiều lĩnh vực. Ông mở trường dạy học, làm thuốc và sáng tác như một người khai hóa với ý thức giúp đời, làm giảm nhẹ nỗi đau khổ cả về thể chất lẫn tâm hồn cho những người lao khổ.

Là một  nhà giáo, trọn đời thầy Đồ Chiểu chăm lo dạy dỗ môn sinh, truyền thụ  cho thế hệ tương lai những điều cốt lõi của văn hóa Việt Nam về đạo lý  truyền thống của dân tộc và nhân cách của một kẻ sĩ. Nguyễn Đình Chiểu là học trò đời thứ hai của nhà giáo Võ Trường  Toản ở Gia Định, một ông thầy nổi tiếng về phương pháp giáo dục tri  ngôn, dưỡng khí, tập nghĩa, một nhà trí thức không màng danh lợi, suốt đời chăm lo đào tạo thế hệ  môn sinh có chí, có tài, biết lấy “thảo ngay làm nghĩa cả”. Võ Trường Toản là thầy học của Nghè Chiêu. Nghè Chiêu là thầy dạy Nguyễn Đình Chiểu. Từ  lò đào tạo Hòa Hưng của Võ Trường Toản mà thế hệ các nhà văn nhà thơ trước  đó và cùng thời với Nguyễn Đình Chiểu dù vận nước đến thế nào cũng tràn  đầy “hơi chính khí”. Thầy Đồ Chiểu dạy học trò theo phong cách ấy. Nhiều  thế hệ môn sinh của cụ Đồ Chiểu tiếp thu sự giáo dục của thầy nuôi dưỡng ý  chí, rèn luyện tinh thần để sẵn sàng trở thành “trang dẹp loạn”. Nhân  cách của nhà giáo Nguyễn Đình Chiểu có ảnh hưởng rất lớn đối với vùng  đất Bến Tre và xa hơn nữa.

Là thầy thuốc, cụ Đồ Chiểu thông hiểu sâu sắc y lý phương Đông và y lý Việt Nam cả về y thuật và y đức. Y đức của cụ chính là đạo cứu người lồng trong  nghĩa vụ cứu dân, cứu nước. Tác phẩm lớn cuối đời của cụ là quyển “Ngư Tiều y thuật vấn đáp”, một quyển sách dạy đạo làm người và  đạo làm thầy thuốc cứu người. Giáo  sư Lê Trí Viễn từng viết trong lời tựa quyển “Ngư tiều y thuật vấn đáp” lần  xuất bản năm 1982 rằng: “Y thuật ấy là kết tinh nghề thuốc trong hằng trăm bộ  sách của mấy mươi thế kỷ. Yêu nước ấy có chiều sâu cá nhân một đời  người và chiều sâu lịch sử dân tộc hằng mấy ngàn năm. Nhưng cả hai đều  đúc lại thành một thang thuốc hồi sinh, một đạo lý sống, một con đường  phù hợp cho những con người yêu nước bình thường trong tình hình quê  hương rơi vào tay giặc: giữ vững khí tiết không phục vụ quân thù, làm  một công việc vừa có ý nghĩa vừa giúp dân, vừa giúp nước...”.  Trên tinh thần đó, với vai trò của người thầy thuốc, cụ Đồ Chiểu đã hết lòng vì người bệnh, cứu chữa người bệnh và coi sự đau đớn của người bệnh như sự đau đớn của bản thân mình. Từ trong sâu thẳm của lòng mình, ông thốt lên : “Thấy người đau giống mình đau/ Phương nào cứu đặng, mau mau trị lành/ Đứa ăn mày cũng trời sanh/ Bịnh còn cứu đặng thuốc dành cho không”. Hẳn cho đến bây giờ, những người thầy thuốc nhân dân dưới chế độ mới của chúng ta hiện nay luôn phải học tập và noi theo tấm gương “vi thiện” và tâm hồn trong sạch của người thầy thuốc Nguyễn Đình Chiểu : “Trọn mình noi nghĩa, ở nhân/ Bo bo giữ việc ra ân làm lành/ Bệnh nào cho thuốc chẳng lành/ Nhỏ lòng lo sợ, xét mình phải chăng/ Vốn không theo thói tham nhăng/ Nhân khi bệnh ngặt đòi ăn của nhiều/ Cũng không ghé mắt coi dèo/ Chỗ giàu trân trọng, chỗ nghèo đảo điên”. Có thể nói, Nguyễn Đình Chiểu coi việc phục vụ nhân dân làm gốc cho việc trau dồi nghề nghiệp và phát triển tài năng của người thầy thuốc. Gốc có vững thì cây mới chắc, cành lá mới tốt tươi. Người thầy thuốc có chăm lo điều gốc thì mới có ích cho xã hội…

 Là một nhà thơ, Nguyễn Đình Chiểu đã dùng thơ văn khen chê đúng chỗ, ghét thương rõ ràng. Dù bị mù lòa, nhưng ông đã có cái nhìn thấu đáo để đưa ra bức thông điệp chính xác về sự mất nhân tính, phản văn hóa của bọn thực dân xâm lược. Ông chính là nhà thơ có thái độ, tiếng nói dứt khoát, rõ ràng và luôn biết đóng đinh cái ác lên tấm ván thời gian. Chính vì thế mà ngòi bút của ông là ngòi bút chiến đấu “đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Ông lên án những kẻ hèn nhát đầu hàng kẻ thù, phản bội đất nước. Tiếng thơ ông nhọn như giáo, sắc như gươm : “Dù đui mà giữ đạo nhà/ Còn hơn có mắt ông cha không thờ/ Dù đui mà khỏi danh nhơ/ Còn hơn có mắt ăn dơ tanh rình”. Rất nhiều tác phẩm văn học của ông ở đề tài này có sức sống vững bền trong đời sống tình cảm của nhân dân. Ông đã luôn nêu bật phẩm cách anh hùng của những nhân vật anh hùng trong văn thơ ông. Đó là phẩm cách của những con người sống trọng đạo lý và công bằng xã hội, trọng con người và  căm ghét áp bức bất công. Và đặc biệt trên hết là tấm lòng yêu nước nồng nàn trước nạn ngoại xâm. Đọc nhiều tác phẩm của ông, nhất là “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”, ta cảm phục tấm lòng yêu nước với những sắc thái riêng, rất cụ thể, rất sâu sắc của những người “dân đen”- những người mà trước khi có nạn ngoại xâm chỉ biết “côi cút làm ăn” trong “toan lo nghèo khó”. Thế mà, khi có giặc ngoại xâm, họ là những người đầu tiên có mặt. Dù không biết võ nghệ, không đọc binh thư, trang bị chỉ sơ sài với những manh áo vải, với những ngọn tầm vông, nhưng họ đã chiến đấu lăn xả, bất chấp các thứ súng đạn “đạp rào lướt tới coi giặc cũng như không”; “xô cửa xông vào liều mình như chẳng có” … Vậy đó, phần lớn các tác phẩm văn học của ông đều thể hiện sinh động chất thép cứng rắn, tính chiến đấu mẫu mực rất hợp với lời tuyên ngôn bất hủ của chính nhà thơ: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”…

Nguyễn Đình Chiểu, một ngôi sao có ánh sáng khác thường và càng nhìn càng thấy sáng. Cho đến ngày nay, ngôi sao đó vẫn tiếp tục tỏa ra những thứ ánh sáng diệu kỳ - ánh sáng của một tấm gương đạo đức, nhân nghĩa, một tấm gương chói ngời tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam.

Nguyễn Thị Thọ


Ý kiến bạn đọc