Multimedia Đọc Báo in

Đồng chí Phạm Hùng với Cách mạng Việt Nam

08:05, 11/06/2012

Đồng chí Phạm Hùng sống và chiến đấu, gắn chặt với miền Nam ruột thịt suốt các giai đoạn lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng và ác liệt nhất. Đồng chí có gần 60 năm liên tục cống hiến cho sự nghiệp độc lập, thống nhất của Tổ quốc, cho ấm no, hạnh phúc của nhân dân và lý tưởng cộng sản chủ nghĩa.

Đồng chí Phạm Hùng (1912-1988)

Điếu văn do Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Văn Linh đọc tại Lễ truy điệu đồng chí Phạm Hùng có đoạn: “Đồng chí Phạm Hùng luôn nêu cao tinh thần cách mạng cao quý, gian nan không lùi bước, nguy hiểm không sờn lòng, sẵn sàng hy sinh tất cả vì nước, vì dân, giữ vững niềm tin ở thắng lợi cuối  cùng. Bất chấp gông cùm và những đòn tra tấn của nhà tù đế quốc, bất chấp những hoàn cảnh gian khổ và ác liệt của chiến trường miền Nam, nhất là những năm tháng chống Mỹ, cứu nước, đồng chí bền gan chiến đấu, thể hiện lòng dũng cảm và nghị lực phi thường…

Công lao của đồng chí Phạm Hùng đối với sự nghiệp cách mạng nước ta rất to lớn. Cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi và phong phú của đồng chí là một tấm gương sáng đối với mọi người cộng sản và mọi người Việt Nam ta...”.

Khu tưởng niệm cố Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng tại tỉnh Vĩnh Long.
Khu tưởng niệm cố Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng tại tỉnh Vĩnh Long.

Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô, Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô, trong điện văn chia buồn ngày 12-3-1988, viết: “…Hình ảnh trong sáng về đồng chí Phạm Hùng, nhà yêu nước đầy nhiệt huyết của Việt Nam, người cộng sản, người chiến sĩ quốc tế kiên cường, người bạn lớn của Liên Xô sẽ sống mãi trong trái tim chúng tôi…”.

Đồng chí tên thật là Phạm Văn Thiện, sinh ngày 11-6-1912, tại xã Long Hồ, huyện Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long.

Từ năm 1928 - 1929, đồng chí là thành viên trong tổ chức “Nam Kỳ học sinh Liên hiệp hội” và “Thanh niên Cộng sản đoàn”, được hết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1930.

Năm 1931, đồng chí bị địch bắt và kết án tử hình. Sau đó, nhờ đấu tranh của Đảng Cộng sản và nhân dân Pháp, án giảm xuống tù chung thân khổ sai. Gần hết tuổi thanh xuân, đồng chí đã sống và chiến đấu trong nhà tù Côn Đảo, được các đồng chí trong tù bầu làm Bí thư Đảng ủy.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí trở về đất liền đúng vào lúc quân và dân Nam Bộ bắt đầu cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, được bầu vào Xứ ủy Nam Bộ, rồi làm Bí thư Xứ ủy lâm thời Nam Bộ từ năm 1946.

Năm 1951, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được chỉ định làm Ủy viên Trung ương Cục miền Nam với chức vụ Phó Bí thư. Năm 1952, đồng chí làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Phân Liên khu miền Đông Nam Bộ.

Năm 1954, đồng chí là Trưởng đoàn Quân đội Nhân dân Việt Nam trong Ban Liên hợp đình chiến Nam Bộ và năm 1955, là Trưởng phái đoàn Quân dội Nhân dân Việt Nam bên cạnh Ủy ban quốc tế tại Sài Gòn.

Năm 1956, đồng chí được bầu vào Bộ Chính trị, đảm nhận nhiệm vụ Trưởng Ban Thống nhất Trung ương; năm 1957, làm Bộ trưởng Phủ Thủ tướng; từ tháng 4-1958, làm Phó Thủ tướng.

Năm 1975, đồng chí là Chính ủy Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, đồng chí được cử làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và từ năm 1980, kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Từ tháng 6-1987, đồng chí là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Ngày 10-3-1988, đồng chí mất đột ngột vì bệnh tim, thọ 76 tuổi.

Là một nhà lãnh đạo xuất sắc, đồng chí Phạm Hùng đã đem hết trí tuệ và sức lực hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, bất chấp gông cùm và mọi đòn tra tấn dã man của nhà tù đế quốc, bất chấp những gian khổ và ác liệt của chiến trường miền Nam trong những năm tháng chống Mỹ, cứu nước.

Thật khó quên một người tù cộng sản đã bị án tử hình vẫn luôn lạc quan cách mạng, còn sống còn chiến đấu. Thật khó quên tiếng khóc nức nở của một chiến sĩ cách mạng gang thép, ở rừng sâu của căn cứ Trung ương Cục miền Nam, khi nghe tin Bác Hồ mất ở miền Bắc hậu phương lớn. Thật khó quên những thao thức của một nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước trong suốt nhiều đêm liền sau khi tiễn con tàu không số chở vũ khí vào Nam phục vụ chiến trường cho đến khi nhận được tin con tàu đã cặp bến an toàn. Thật khó quên tiếng cười sang sảng phấn khởi của vị Chính ủy Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, khi nghe tin Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Dương Văn Minh ra lệnh đầu hàng và quân giải phóng đã cắm cờ chiến thắng trên nóc Dinh Độc Lập.

Bất cứ ở đâu, dù miền Nam hay miền Bắc, trong kháng chiến hay lúc hòa bình, bất cứ ở cương vị nào, đồng chí Phạm Hùng đều xứng đáng là một người cộng sản chân chính, kiên cường, một tấm gương tiêu biểu về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Với bản chất khiêm tốn, đồng chí luôn tìm tòi học hỏi ở các đồng chí, cả những người cấp dưới về chuyên môn, nghiệp vụ để có thể giúp mình hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đồng chí cũng là người có lối sống giản dị, chân thành, gần gũi, yêu thương đồng chí, đồng bào, luôn quan tâm đến nguyện vọng của quần chúng nhân dân. Đồng chí thật xứng đáng là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Do công lao to lớn, những cống hiến xuất sắc của mình cho sự nghiệp cách mạng của đất nước, đồng chí Phạm Hùng đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các nước xã hội chủ nghĩa anh em như: Liên Xô, Cu-ba, Tiệp Khắc, Bungary cũng tặng đồng chí nhiều huân chương cao quý khác.

Khu tưởng niệm cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng xây dựng trên quê hương của đồng chí đã được tỉnh Vĩnh Long tổ chức lễ khánh thành trọng thể ngày 11-6-2004.

Khu tưởng niệm với diện tích 32.000 m2, có hàng rào bao quanh. Từ ngoài cổng nhìn vào, bên trái là khu Lễ tân; chính giữa là Nhà Tưởng niệm, bên trong có tượng đồng của đồng chí cao 1,6 m, nặng 800 kg. Phía sau là Nhà Trưng bày những hình ảnh tư liệu, vật dụng có liên quan đến cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí, và Phòng Chiếu phim tư liệu về đồng chí. Bên trái Nhà Trưng bày là Nhà làm việc của đồng chí ở Trung ương Cục miền Nam (Tây Ninh). Phía sau Nhà làm việc của Trung ương Cục là Khu biệt giam ở nhà tù Côn Đảo, nơi giam giữ đồng chí, được phục chế lại một phòng tượng trưng. Bên phải Nhà Trưng bày là Văn phòng Chính phủ ở Hà Nội được phục chế lại phần trên nơi đồng chí đã làm việc.

Đồng chí Phạm Hùng ra đi vào cõi vĩnh hằng đến nay đã 24 năm, nhưng hình ảnh sáng ngời của đồng chí vẫn in đậm trong lòng những người cộng sản  và nhân dân Việt Nam.

Nguyễn Xuyến


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.