Multimedia Đọc Báo in

Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào:

Việt – Lào: Kề vai sát cánh trong đấu tranh giành độc lập

10:26, 26/06/2012

Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930) mở đầu những trang sử vẻ vang của quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào. Tháng 10-1930, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Hội nghị thông qua những văn kiện quan trọng, xác lập các nguyên tắc, phương hướng, đường lối chính trị và những nhiệm vụ cơ bản cho phong trào cách mạng của ba dân tộc ở Đông Dương. Hội nghị đã đặt phong trào cách mạng Việt Nam và phong trào cách mạng Lào dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Tháng 9-1934, Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời Ai Lao (tức Xứ uỷ lâm thời Ai Lao) được thành lập là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử đấu tranh yêu nước của nhân dân các bộ tộc Lào, khẳng định trên thực tế vai trò lãnh đạo của Đảng bộ Lào đối với cách mạng Lào cũng như đánh dấu một bước phát triển mới trong quan hệ giữa phong trào cách mạng hai nước Việt Nam - Lào.

Trong những năm 1930-1939, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, các cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam và Lào đã ảnh hưởng lẫn nhau, góp phần thúc đẩy sự phát triển phong trào cách mạng mỗi nước.

Đảng Cộng sản Đông Dương liên tiếp tổ chức các cuộc hội nghị quan trọng để bàn chủ trương và biện pháp lãnh đạo phong trào đấu tranh của nhân dân đi đến thắng lợi. Đặc biệt, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 5-1941 diễn ra Ở tỉnh Cao Bằng (Việt Nam) do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì đã quyết định đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng trước tiên của cách mạng Đông Dương, giải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ từng nước và thành lập ở mỗi nước một mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi.

Từ năm 1943, “Ban vận động Việt kiều Lào – Thái” được thành lập và nhanh chóng tiến hành gây dựng cơ sở trên địa bàn Lào. Đến năm 1944 , Ban Vận động Việt kiều chuyển thành Hội Việt kiều cứu quốc. Để thống nhất chỉ đạo phong trào cách mạng, phát triển lực lượng cách mạng, những đồng chí trung kiên trong Hội Việt kiều cứu quốc thành lập Đội Tiên phong 2. Dưới sự lãnh đạo của Đội Tiên phong, các chi bộ Đảng Ở Viêng Chăn, Bò Nèng, Thà Khẹc, Savẳnnàkhẹt lần lượt được củng cố. Đầu năm 1945, “Tổng hội Việt kiều cứu quốc toàn Thái – Lào”, một chi nhánh của Mặt trận Việt Minh được thành lập nhằm hưởng ứng và tham gia công cuộc giành độc lập.

Ngày 9-3-1945, phát xít Nhật đảo chính lật Pháp, độc chiếm Đông Dương, thực thi các chính sách cai trị thâm độc và tàn bạo ở cả Việt Nam và Lào. Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương họp và sau đó ban hành Chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” chủ trương phát động cao trào kháng Nhật cứu nước làm tiền đề cho Tổng khởi nghĩa. Cao trào kháng Nhật cứu nước phát triển rất mạnh mẽ ở Việt Nam đã tác động và hỗ trợ tích cực, mạnh mẽ các lực lượng yêu nước Lào đấu tranh giành độc lập.

Tháng 4-1945 , tại Thái Lan, nhóm người Lào đang hoạt động tại đây thành lập tổ chức “Lào ítxalạ” (Lào tự do). Tổ chức này tập hợp các công chức, học sinh có tinh thần yêu nước, chủ trương dựa vào phe Đồng Minh chống Nhật để giành độc lập.

Tháng 5-1945 , một tổ chức yêu nước khác của người Lào cũng ra đời là “Lào pên Lào” (Nước Lào của người Lào), gọi tắt là “Lopolo, gồm những công chức, trí thức, sĩ quan người Lào tập hợp nhau để đấu tranh giành độc lập cho Lào.

Đội Tiên phong, Tổng hội Việt kiều cứu quốc toàn Thái - Lào đã tiến hành lien hệ với các tổ chức “Lào ítxalạ” và “Lào trên Lào” để bàn việc phối hợp hoạt động, thu hút và tổ chức huấn luyện chính trị, quân sự cho thanh niên Lào - Việt.

Ngày 14 -8-1945, Nhật Bản đầu hàng Đồng minh vô điều kiện.Trong thời điểm lịch sử đó, Hội nghị của Đảng Cộng sản Đông Dương họp từ ngày 14 đến 15-8-1945 tại tỉnh Tuyên Quang (Việt Nam) phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ở Việt Nam, cuộc Tổng khởi nghĩa diễn ra sôi động và kết thúc thắng lợi hoàn toàn trên cả nước trong vòng 15 ngày. Ngày 2- 9-1945 , Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra mắt quốc dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập trịnh trọng tuyên bố với nhân dân cả nước và thế giới khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Thắng lợi của cách mạng Tháng Tám năm 1945  ở Việt Nam đã đập tan bộ máy thống trị đầu não của phát xít Nhật và thực dân Pháp ở Đông Dương tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân Lào.

Dưới sự lãnh đạo đúng đắn, kịp thời và khôn khéo của Xứ uỷ Ai Lao, ngày 23-8-1945, một cuộc mít tinh lớn diễn ra tại khu vực chợ Mới đã thúc đẩy và tạo điều kiện cho các địa phương khác trên đất Lào đứng lên khởi nghĩa thắng lợi. Ngay sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời Hoàng thân Xuphanuvông đang Ở Vinh ra Hà Nội và tiếp Hoàng thân vào ngày 4-9-1945 . Cuộc gặp gỡ đã có tác động mạnh mẽ, quyết định đối với Hoàng thân trong việc chọn lựa con đường làm cách mạng. Ngày 3-10-1945 tại cuộc mít tinh của hang vạn nhân dân tỉnh Savẳnnàkhẹt đón chào :Hoàng thân Xuphanuvông trở về tham gia chính phủ Lào, Hoàng thân tuyên bố: “Quan hệ Lào - Việt từ nay sẽ mở ra một kỷ nguyên mới”.

Được sự giúp đỡ của Ban chỉ đạo khởi nghĩa ở Viêng Chân, sau một thời gian hiệp thương, hai tổ chức yêu nước là Hội “Lào pên Lào” và tổ chức “Lào ítxalạ” đã hợp nhất thành lập Uỷ ban khởi sự (Khanạ Phu co kan), gấp rút tiến hành thành lập Chính phủ Trung ương và dự thảo Hiến pháp tạm thời.

Sáng ngày 12-10-1945, trong cuộc mít tinh lớn tại sân vận động thành phố

Viêng Chăn, Chính phủ Lào ítxalạ vừa được thành lập đã làm lễ ra mắt và trịnh trọng tuyên bố trước toàn thể nhân dân nền độc lập của quốc gia Lào. Hàng vạn nhân dân Lào tham gia cuộc mít tinh đã phấn khởi hô vang các khẩu hiệu hoan nghênh nền độc lập của Lào, hoan nghênh Chính phủ mới, cổ súy tinh thần Lào - Việt đoàn kết. Chính phủ Lào chủ trương: “nhân dân Lào thân thiện với nhân dân Việt Nam và quyết tâm cùng nhân dân Việt Nam đánh đuôi bọn thực dân Pháp ra khỏi Đông Dương”

Sự ra đời của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (ngày 2-9-1945) và Chính phủ Lào ítxalạ (ngày 12-10-1945) cùng những mong muốn của hai bên về xây dựng mối quan hệ hoàn hảo và vững chãi hơn trước là một trong những cơ sở đưa tình đoàn kết, giúp đỡ nhau lên tầm liên minh chiến đấu.

(Còn nữa)

Nguồn tài liệu Ban Tuyên giáo Trung ương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.