Multimedia Đọc Báo in

Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào:

Việt – Lào: Mối quan hệ đặc biệt và hiếm có trong lịch sử quan hệ quốc tế

10:25, 26/06/2012

Năm 2012 là Năm Việt Nam và Lào tổ chức kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (05/9/1962 - 05/9/2012) và 35 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị hợp tác (18/7/1977 - 18/7/2012).

Trong lịch sử quan hệ quốc tế từ xưa tới nay, quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam là một điển hình, một tấm gương mẫu mực, hiếm có về sự gắn kết bền chặt, thuỷ chung, trong sáng và đầy hiệu quả giữa hai dân tộc đấu tranh vì độc lập, tự do và tiến bộ xã hội. Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam phát triển từ quan hệ truyền thống, do Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng nền móng và chính Người cùng đồng chí Kayxỏn Phômvihản, đồng chí Xuphanuvông và các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước, nhân dân hai nước dày công vun đắp. Trải qua nhiều thử thách, hy sinh, gian khổ vì độc lập, tự do, hạnh phúc của hai dân tộc và nhân dân hai nước, quan hệ Việt Nam - Lào đã trở thành quy luật sống còn và sức mạnh kỳ điệu đưa tới nhiều thắng lợi vĩ đại của Việt Nam và Lào trong đấu tranh giải phóng dân tộc, trong xây dựng và bảo vệ đất nước, cùng phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào bắt nguồn từ vị trí địa - chiến lược và bản sắc văn hóa có những nét tương đồng của hai nước. Đó là cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ; nhân dân hai nước giàu lòng nhân ái, bao dung và văn hóa của hai dân tộc có nhiều nét tương đồng; có truyền thống bang giao hòa hiếu, cưu mang đùm bọc lẫn nhau từ lâu đời; cuối thế kỷ XIX cùng bị thực dân Pháp xâm lược và đặt ách cai trị tàn bạo.

Một điểm đặc biệt nữa là Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm xác định con đường giải phóng dân tộc Việt Nam và dân tộc Lào. Trong quá trình tìm đường cứu nước, Nguyễn ái Quốc rất quan tâm đến tình hình Lào. Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc trực tiếp sáng lập vào tháng 6 năm 1925  tại Quảng Châu (Trung Quốc), đến tháng 2 năm 1927, Hội này gây dựng được cơ sở tại Lào. Năm 1928, đích thân Người bí mật tổ chức khảo sát thực địa tại Lào. Cũng trong năm này, chi bộ Thanh niên cộng sản đầu tiên được thành lập tại Viêng Chăn, đồng thời đường dây liên lạc giữa nhiều thị trấn ở Lào với Việt Nam được tổ chức. Như vậy, Lào chính là địa bàn đầu tiên trên hành trình trở về Đông Dương của Nguyễn Ái Quốc, nơi bổ sung những cơ sở thực tiễn mới cho công tác chính trị, tư tưởng và tổ chức của Người về phong trào giải phóng dân tộc ở ba nước Đông Dương.

(còn nữa)

Nguồn tài liệu Ban Tuyên giáo Trung ương

 


Ý kiến bạn đọc