Multimedia Đọc Báo in

“Trại thiếu nhi Bác Hồ” ở An toàn khu

21:45, 04/06/2012

Gần một năm sau ngày Toàn quốc kháng chiến 19-12-1946, thực dân Pháp tập trung lực lượng tiến hành bao vây Việt Bắc hòng tiêu diệt Đảng, Chính phủ và lực lượng quân đội còn non trẻ ở An toàn khu (ATK) mà trung tâm là xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.

Từ ngày 5 đến ngày 8-10-1947, thực dân Pháp đem hơn hai vạn quân, có máy bay, tàu chiến phối hợp mở cuộc tấn công đại quy mô lên Việt Bắc bao trùm 12 tỉnh với ý đồ chiến lược: Tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến, tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta, bao vây, chia cắt, phá tan căn cứ kháng chiến, chiếm đóng biên giới ngăn cách cách mạng Việt Nam với cách mạng Trung Quốc, khủng bố nhân dân, lập chính phủ bù nhìn để thống trị nước ta lần nữa. Trước đó, ngày 15-9-1947, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị “Sửa soạn phá tan những cuộc tiến công lớn của địch” nhằm làm thất bại những mưu đồ của thực dân Pháp. Ngày 15-10-1947, Ban Thường vụ Trung ương ra chỉ thị “Phải phá tan cuộc tiến công mùa đông của giặc Pháp”. Chỉ thị vừa ra là toàn quân, toàn dân ở khắp nơi đồng loạt tiến công ngăn chặn địch từ nhiều phía, nhất là tập trung ở đường số 4, trên sông Lô và bảo vệ an toàn căn cứ ATK. Đến ngày 19-11-1947, địch buộc phải rút lui và Việt Bắc vĩnh viễn trở thành mồ chôn giặc Pháp. Chiến thắng Việt Bắc đã đưa cuộc kháng chiến của nhân dân ta sang một bước phát triển mới.

          Hồ  Chủ tịch thăm Trường thiếu nhi  các  dân tộc vùng cao  ở Thái Nguyên (3.1960)  Ảnh: Tư liệu
Hồ Chủ tịch thăm Trường thiếu nhi các dân tộc vùng cao ở Thái Nguyên (3.1960) Ảnh: Tư liệu

Nhưng hậu quả của cuộc chiến đã làm tổn hại đến sinh mạng và tài sản của nhân dân trong khu vực, trong đó nhiều trẻ em chạy giặc, tan tác, lạc gia đình, mất cha mẹ… Có một số cháu chạy dạt lên các nhà thờ, chùa ở vùng Phú Thọ. Bác Hồ đọc báo và nghe báo cáo các nơi gửi về biết tình cảnh đau thương của các cháu và gia đình, Bác liền giao cho ông Vũ Kỳ cùng anh em bảo vệ đi tìm, đón các cháu thiếu nhi về “Phủ Chủ tịch” ở đồi Khau Tát và Tỉn Keo, tất cả có 35 cháu, trong đó có 10 bé gái tuổi từ 6-11. Bác và các nhân viên phục vụ, bảo vệ đứng ra đốn cây chặt lá cọ dựng một lán trại tươm tất làm nhà ở cho các cháu bên xóm Nà Lọm; anh Tạ Quang Chiến (sau này là Bộ trưởng Thể dục Thể thao) và chị Chính là vợ của ông Vũ Kỳ được cử ra để nuôi dạy các cháu. Tuy phải nuôi dưỡng ngần ấy trẻ em nhưng Bác không lấy thêm tiền Chính phủ mà cùng mọi cán bộ, nhân viên, bảo vệ tự nguyện bớt khẩu phần ăn hằng ngày, trồng thêm sắn khoai, nuôi heo gà để có nguồn lương thực thực phẩm cho “Trại thiếu nhi Bác Hồ” hoạt động suốt 9 năm.

Sau ngày hòa bình lập lại, nơi đây trở thành di tích của Khu Di tích đồi Tỉn Keo. Nhiều thiếu nhi ngày ấy đã khôn lớn, nên người, bây giờ cũng trên 70 tuổi. Nghe kể, năm nào cũng có một số người trở lại thăm Di tích này để bày tỏ sự biết ơn Bác Hồ đã có công nuôi dạy.

Hồng Anh (st)


Ý kiến bạn đọc