Multimedia Đọc Báo in

Từ Nghị quyết Trung ương 4, nghĩ về tác phẩm “Tự chỉ trích” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ

06:25, 29/06/2012

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ là một trong những nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và cách mạng Việt Nam. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, cố Tổng Bí thư đã có nhiều công lao to lớn đối với phong trào cách mạng Việt Nam, nhất là trong việc củng cố và xây dựng Đảng. Các hoạt động của ông đã góp phần vào việc sửa chữa những khuyết điểm của Đảng về tổ chức, lề lối làm việc của thời kỳ trước, củng cố, xây dựng và tổ chức lại các hoạt động của Đảng cho phù hợp với tình hình mới, chống lại tư tưởng cô độc hẹp hòi trong công tác của đảng viên, đáp ứng sự phát triển của phong trào cách mạng. Tác phẩm  “Tự chỉ trích” của cố Tổng Bí thư được Nhà xuất bản Dân chúng của Đảng phát hành vào tháng 7-1939 là một minh chứng sinh động.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ

Vào tháng 3-1938, khi Nguyễn Văn Cừ vừa bước sang tuổi 26 đã được Đảng giao cho trách nhiệm chính trị lớn nhất trước Đảng và dân tộc - chức vụ Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Cùng với tài năng tổ chức và chỉ đạo hoạt động thực tiễn, ông đã thể hiện trí tuệ kiệt xuất trong việc cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng hoạch định những chủ trương, chính sách mới rất sáng tạo. Căn cứ vào thực tiễn của cách mạng nước ta và tình hình thế giới lúc bấy giờ, trên cương vị là Tổng Bí thư, Nguyễn Văn Cừ đã vạch ra nhiệm vụ của Đảng trong thời kỳ mới như vấn đề lập Mặt trận dân chủ thống nhất; triệt để chống lại chủ nghĩa Tơ-rốt-xky; củng cố nội bộ Đảng về tổ chức, giao thông liên lạc, phương thức hoạt động bí mật và công khai, công tác tuyên truyền, huấn luyện cán bộ, công tác chỉ đạo quần chúng… Trên cương vị mới của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã trực tiếp tham gia vào cuộc bút chiến phê phán những sai lầm tả khuynh về quan điểm chính trị, sai lầm về nguyên tắc tổ chức, về phê bình và tự phê bình, về đoàn kết trong Đảng, đồng thời xác định rõ những vấn đề chiến lược, sách lược của Đảng. Những bài báo và đặc biệt là tác phẩm Tự chỉ trích do chính Tổng Bí thư viết (tháng 7-1939) thể hiện sự vận dụng nhuần nhuyễn chủ nghĩa Mác - Lênin và những vấn đề chiến lược, chỉ đạo chiến lược trong phong trào cách mạng. Đây là một tác phẩm tổng kết thực tiễn sâu sắc, đóng góp quý báu vào kho tàng lý luận của Đảng ta.

Đọc tác phẩm “Tự chỉ trích” vào thời điểm này, thời điểm mà chúng ta đã và đang triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, (khóa XI) về “Những vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay”, chúng ta càng có thêm những nhận thức mới để hiểu thêm những nội dung quan trọng cũng như những khó khăn phải vượt qua để đưa Nghị quyết Đảng vào cuộc sống. Tác phẩm “Tự chỉ trích” nêu lên nguyên tắc tự phê bình và phê bình của Đảng. Đây cũng là một trong những vấn đề mang tính thời sự hiện nay. Sau khi phân tích cụ thể và sâu sắc những sai lầm của một vài đồng chí cũng như mong muốn các đồng chí ấy thành thật nhận rõ sai lầm về phê bình sai nguyên tắc, cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ nêu rõ trách nhiệm của đảng viên trong việc phê bình, tự phê bình theo đúng nguyên tắc: “Mỗi đảng viên có quyền tự do thảo luận, tự do chỉ trích miễn là sự thảo luận luôn theo tinh thần bôn-sê-vích, không làm giảm uy tín của Đảng”, “phải đứng về lợi ích công cuộc của dân chúng mà chỉ trích những khuyết điểm, những chỗ lừng chừng, hoặc hèn nhát mà đẩy phong trào phát triển rộng rãi hơn”, “chớ không đặt cá nhân mình lên trên Đảng, đem những ý kiến riêng, cho dù đúng, đối chọi với Đảng, gieo mối hoài nghi, lộn xộn trong quần chúng, gây mầm bè phái, chia rẽ trong hàng ngũ Đảng”. Về vấn đề tự phê bình, cố Tổng Bí thư khẳng định: “Công khai, mạnh dạn, thành thực vạch ra lỗi lầm của mình và tìm phương pháp sửa chữa, chống những xu hướng hoạt đầu, thỏa hiệp, như thế không làm yếu Đảng mà làm cho Đảng được thống nhất mạnh mẽ. Làm như thế không sợ địch nhân lợi dụng chửi rủa, vu cáo cho Đảng, không sợ “nối giáo cho giặc”. Trái lại nếu “đóng cửa bảo nhau”, giữ cái vỏ thống nhất mà bên trong là hổ lốn một cục, đầy rẫy bọn hoạt đầu, đấy mới chính là để kẻ thù chửi rủa, hơn nữa đó tỏ ra không phải là một Đảng tiên phong cách mạng mà là một Đảng hoạt đầu cải lương”. Cũng theo tác phẩm “Tự chỉ trích”, phê bình và tự phê bình không chỉ đi đúng quan điểm, nguyên tắc mà phải đúng với mục tiêu của nó là: “Phải cần làm cho các đảng viên giác ngộ, rõ ràng và đầy đủ trách nhiệm của mình, biết xoay phương hướng trong những hoàn cảnh khó khăn, nghiêm trọng, biết tự chỉ trích đúng và kịp thời những khuyết điểm, sai lầm; đồng thời Đảng phải tìm cách kiểm soát một cách thiệt sự hơn những hành động của mỗi đảng viên”; “Phải chiến thắng những xu hướng sai lầm trong hàng ngũ: Xu hướng “tả khuynh”, cô độc, nó làm cho Đảng co bé, rất hẹp hòi, biệt phái, cách xa quần chúng, và xu hướng thỏa hiệp hữu khuynh, lung lay trước những tình hình nghiêm trọng, nhãng quên hoặc che lấp sự tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, lăm le rời bỏ những nguyên tắc cách mệnh”. Đặc biệt, đã là cán bộ, đảng viên thì dù đó là ai, từ cấp Trung ương đến tận các đảng bộ, chi bộ cơ sở ai ai cũng cần phải “Thống nhất tư tưởng, thống nhất hành động”; “Củng cố hàng ngũ để chóng thực hiện thống nhất các lớp nhân dân”. Nếu được như vậy thì không có kẻ địch nào hí hửng “tìm ở đây một sự chia rẽ hay mầm mống bè phái giữa những người cộng sản”. Và ở đây, trong hàng ngũ của những người cộng sản “chỉ có một ý chí là ý chí của Đảng, nghìn người sẽ như một để chấp hành ý chí đó”.

“Tự chỉ trích” là một tác phẩm lý luận tổng kết những kinh nghiệm chủ yếu của Mặt trận Dân chủ Đông Dương, góp phần làm phong phú những kinh nghiệm của Đảng về vấn đề Mặt trận. Tác phẩm có ý nghĩa và tác dụng rất quan trọng trong cuộc đấu tranh tư tưởng của Đảng ta từ đó xuyên suốt cho đến bây giờ: chính là làm cho nhận thức, tư tưởng trong Đảng được thống nhất thêm, đội ngũ của Đảng được củng cố vững mạnh hơn; quần chúng nhân dân càng tin tưởng vào đường lối đúng đắn và sáng tạo của Đảng ta. Đó cũng chính là những mục tiêu mà Đại hội XI của Đảng cũng như Nghị quyết Trung ương IV hướng tới. Đã hơn 70 năm trôi qua kể từ khi tác phẩm “Tự chỉ trích” ra đời, thế mà tính thời sự và giá trị lớn về lý luận và thực tiễn thì vẫn mãi mãi còn đó một sức sống trường tồn…

Nguyễn Viết Chính


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.