Multimedia Đọc Báo in

Họ mãi là đồng đội

21:11, 01/09/2012

Chuyến hành trình về thăm lại chiến trường xưa, thăm những người đồng đội cũ ở xã Anh hùng Cư Pơng hôm ấy ngập tràn nụ cười và kỷ niệm. Những người lính ôm chầm lấy nhau và những cái bắt tay thật chặt. Họ vẫn gọi nhau là thủ trưởng, là đồng chí như thời còn trong quân ngũ mấy mươi năm về trước.

Ban liên lạc B3 tỉnh thắp hương tưởng niệm các đồng đội tại Đài tưởng niệm liệt sĩ xã Cư Pơng nhân kỷ niệm ngày 27-7-2012.
Ban liên lạc B3 tỉnh thắp hương tưởng niệm các đồng đội tại Đài tưởng niệm liệt sĩ xã Cư Pơng nhân kỷ niệm ngày 27-7-2012.

Chúng tôi có may mắn khi được cùng Ban liên lạc mặt trận B3, Quân đoàn 3 tại Dak Lak về lại xã Cư Pơng, huyện Krông Buk đặt vòng hoa, thắp hương tại đài tưởng niệm của xã và cùng thăm lại những người lính từng tham gia chiến đấu, hiện đang sinh sống tại đây nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh liệt sĩ, 27-7 vừa qua.

Từ sáng sớm, những thành viên trong Ban liên lạc B3 tỉnh như các ông Đào Quang Lam, Đỗ Trọng Tẻo (Phó ban liên lạc) đã sắp xếp công việc gia đình để cùng các hội viên khác về lại xã Cư Pơng. Địa điểm gặp mặt là nhà hội viên Chu Đình Tài – Trưởng Ban liên lạc B3, xã Cư Pơng. Từ sáng sớm, 20 hội viên trên địa bàn xã đã có mặt đông đủ, ai cũng mặc quân phục chỉnh tề, huân, huy chương đeo trước ngực chờ đón thành viên ban liên lạc tỉnh.

Khi xe vừa đỗ trước cửa nhà anh Tài, những hội viên tại đây đứng dậy và cùng đồng thanh: “Chúng em chào thủ trưởng! bọn em chuẩn bị đầy đủ thủ tục hết rồi, chỉ chờ các thủ trưởng xuống chỉ đạo là tiến hành”. Nói rồi họ ôm chầm, bắt tay nhau cười nói vui vẻ. Sau những cái bắt tay chào hỏi ấy, họ triển khai nhanh công việc đã định, đó là tổ chức đi dâng hương, đặt vòng hoa viếng linh hồn những đồng đội tại đài tưởng niệm của xã.

Có mặt tại tượng đài, họ xếp thành hai hàng ngay ngắn, một hội viên trong ban liên lạc xã Cư Pơng đứng ra dõng dạc hô: Nghiêm! Sau đó làm các thủ tục dâng hoa, dâng hương và báo với hương hồn đồng đội đã hy sinh, rằng: ngày hôm nay lãnh đạo cũng như các hội viên của B3 đang sinh sống tại nhiều địa phương của tỉnh về đây dâng hương hoa viếng linh hồn các đồng đội, để tưởng nhớ và cảm ơn sự hy sinh của các anh cho Tây Nguyên này mãi xanh.

Sau lễ dâng hương, các thành viên tiếp tục đi thăm nhà các hội viên. Trưởng Ban liên lạc B3 tại Cư Pơng mời tất cả thành viên về nhà mình dùng bữa cơm trưa đạm bạc với tất cả lòng chân thành cùng những sản vật “cây nhà, lá vườn”. Bữa cơm đạm bạc nhưng nhiều cảm xúc khi chất lính và ký ức về những trận đánh lại trỗi dậy. Họ bồi hồi ôn lại những trận đánh, cũng như những khó khăn phải trải qua khi lập nghiệp ngay trên mảnh đất chiến trường ngày xưa họ đổ máu xương dành lại. Bằng sức lao động, họ đã biến cây cỏ, đất rừng thành những rẫy cà phê, cao su xanh tốt; cuộc sống gia đình hội viên nào cũng no đủ, khấm khá. Rồi chất “văn hóa quê” lại được mang ra thể hiện, sự tếu táo, lạc quan ở những người lính B3 dường như không khi nào tắt. Buổi gặp mặt tại nhà hội viên Chu Đình Tài hôm ấy có đầy đủ những người lính đến từ mọi miền đất nước, họ mặc sức thể hiện những “tài lẻ” là các tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc địa phương nơi họ được sinh ra, và tiếng cười như vang vọng mãi không bao giờ tắt.

Rời nhà hội viên Chu Đình Tài, những đồng đội cũ lại đến thăm gia đình hội viên Cầm Bá Thanh – cựu chiến binh người Thái trong ban liên lạc hội tại Cư Pơng. Dọc đường đi, chúng tôi nghe các thành viên hồ hởi: đã xuống đây là phải ghé thăm “con gái nuôi” của ban liên lạc, để xem nó thế nào về còn khoe với bác Ama Hoa chứ. Chúng tôi không khỏi thắc mắc về đứa “con gái nuôi” của B3 là ai, ông Đào Quang Lam nhanh nhảu giải thích: “con gái nuôi” là con bò cái do ông Y Luyện Niê Kdăm (tức Ama Hoa), nguyên Bí thư Tỉnh ủy Dak Lak (cũng là hội viên của B3) tặng cho ban liên lạc, sau đó tặng lại cho hội viên Cầm Bá Thanh - người có hoàn cảnh khó khăn nhất nuôi để phát triển kinh tế. Ban liên lạc B3 quy định: nếu “con gái nuôi” “sinh con trai” thì anh Thanh được giữ lại nuôi, còn nếu “sinh con gái” thì sẽ đem hỗ trợ cho các hội viên khó khăn khác để họ tăng gia, phát triển kinh tế. Khi được tận mắt chứng kiến “con gái nuôi”, ai cũng trầm trồ khen ông Thanh mát tay, nuôi “con gái” mau lớn. Các thành viên trong ban liên lạc tỉnh cùng nhau chụp ảnh  kỷ niệm với “con gái nuôi” để về… khoe với Ama Hoa.

Chia tay Cư Pơng, trên xe các thành viên ban liên lạc tỉnh chất đầy quà chuối, ổi cùng những bịch ớt xanh được buộc cẩn thận. Chiều dần buông, ai cũng cảm thấy tiếc vì còn một số nhà hội viên ở xa chưa đến thăm được. Những cái bắt tay rất chặt, rất lâu như muốn kéo dài thêm buổi gặp mặt. Dù xe đã lăn bánh, nhưng những câu dặn dò với theo không ngớt: “Thủ trưởng đi đường cẩn thận, thủ trưởng sắp xếp thời gian xuống thăm bọn em thường xuyên nhé…”! Đáp lại tình cảm đó là lời dặn dò: “Các cậu cứ làm kinh tế giỏi vào, bọn tớ sẽ xuống thăm “dày hơn”. Sợ hoa quả trong vườn các cô cậu không lớn kịp thôi!”. Nói rồi tất cả cùng cười lớn.

Lê Văn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.