Multimedia Đọc Báo in

Bản “Tuyên ngôn Độc lập” - thành quả tất yếu 15 năm đấu tranh cách mạng của Đảng và dân tộc

21:24, 02/10/2012

Đúng như dự đoán của ta, sau tết Ất Dậu (1945) Nhật đảo chính hất cẳng Pháp ở Đông Dương, ngày 9-5-1945 Đức đầu hàng Đồng minh, quân đội Xô Viết đang chuyển về hướng Đông “tuyên chiến” với phát xít Nhật, tình hình diễn biến rất mau lẹ, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chuyển đại bản doanh từ Pắc Bó về Tân Trào. Người bị ốm khá nặng, lúc tỉnh lúc mê, khi tỉnh dậy Người đã nói với các cán bộ chủ chốt của đảng: “Thời cơ đã đến, dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập”. Người đã được ông lang người Tày chữa khỏi bằng cây thuốc kỳ diệu “Mã Liên Ón” (Mã liên an – ngựa liền yên).

Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945.    Ảnh: Tư liệu
Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945. Ảnh: Tư liệu

Người đã chủ trì 2 hội nghị lớn ở Tân Trào, quyết định Tổng khởi nghĩa trên phạm vi cả nước, ngày 19-8-1945 đã giành lại chính quyền tại Hà Nội. Ngày 30-8-1945 Vua Bảo Đại tuyên bố thoái vị, song trong buổi tiếp xúc với Tổng thống Mỹ Truman ngày 24-8-1945, tướng Pháp Đờ gôn vẫn ngông cuồng, ngạo mạn tuyên bố:

“Thế kỷ 20 là thế kỷ của nền độc lập của các dân tộc ngay cả với các nước thuộc địa, nhưng điều đó chưa phải là ở các Phương Đông. Chính sách của Pháp ở Đông Dương rất đơn giản: nước Pháp trước tiên sẽ xác lập chủ quyền của mình tại xứ sở này”.

Đồng bằng Bắc bộ sau trận đói khủng khiếp đầu năm và trận đại đồng hồng thủy giữa tháng 8 bị tàn phá xác xơ, ngày 25-8-1945 Hồ Chủ tịch đã từ Tân Trào về Hà Nội để cùng Trung ương Đảng quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước cả về đối nội và đối ngoại, phải khẩn trương công bố danh sách Chính phủ lâm thời mới, mở rộng hơn nữa thành phần chính phủ, dự thảo viết ngay bản “Tuyên ngôn Độc lập”, chuẩn bị 1 cuộc mít tinh lớn ở Vườn hoa Ba Đình để ra mắt tân Chính phủ, đủ đại diện các tầng lớp nhân dân, các nhân sĩ không đảng phái, tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Mọi công việc trên phải làm xong trước khi quân đội Tưởng Giới Thạch danh nghĩa Đồng minh vào “giải giáp” quân đội Nhật sẽ kéo vào Việt Nam (thực tế họ đã triển khai kế hoạch “Hoa quân nhập Việt” trong thời điểm sôi bỏng này ở Lào Cai).

Tại căn buồng nhỏ tầng 2 của nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bộ, Hoàng Thị Minh Hồ ở 48 Hàng Ngang, Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng chiếc máy chữ Portatif (xách tay mang từ chiến khu về) bắt đầu khởi thảo bản “Tuyên ngôn Độc lập”, một văn kiện lịch sử sẽ tồn tại mãi mãi với thời gian. Người viết trong niềm cảm hứng mãnh liệt, niềm vui trào dâng, lòng tự hào dân tộc như được nhân lên qua hàng ngàn năm giữ nước của các Vua Hùng dày công tạo dựng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập, toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền độc lập tự do ấy”.

Trong giờ phút linh thiêng viết bản Tuyên ngôn Độc lập, Hồ Chủ tịch đã tham khảo bản “tuyên ngôn độc lập” năm 1776 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ do trung úy Fenn ở cơ quan tình báo chiến lược Hoa Kỳ đóng ở Côn Minh (Trung Quốc) gửi tặng qua điện đài.

Bản tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ có đoạn viết “Chúng tôi coi đây là chân lý hiển nhiên, rằng mọi đàn ông (men) sinh ra đều bình đẳng”.

Từ bản lĩnh 1 người cộng sản, qua hơn ba mươi năm đấu tranh cách mạng ở 4 Châu Lục, qua nhiều lần vào lao tù, có lần đã bị Pháp xử tử hình vắng mặt, Hồ Chủ tịch khẳng định như thế là không được, chưa triệt để cách mạng, Người đã thay chữ “men” (đàn ông” trong bản tuyên ngôn độc lập của Mỹ bằng chữ “peope”, nghĩa là mọi người (không kể nam nữ) sinh ra đều có quyền bình đẳng.

Bà Lady Borton – “Nhà Hồ Chí Minh học” người Mỹ sau này đã viết bài có tựa đề “Cuộc cách mạng một chữ”, chỉ thay chữ “people” cho chữ “men” Hồ Chí Minh đã cùng lúc làm 2 cuộc cách mạng: cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng giải phóng phụ nữ (ngày 6-1-1946 phụ nữ cả nước đã được đi bầu Quốc hội khóa 1, còn ở Mỹ thì phải 154 năm sau (1930) mới có được quyền này).

Chiều ngày 2-9-1945 tại Vườn hoa Ba Đình rợp trời cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió mùa thu, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trịnh trọng tuyên bố với thế giới:

“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành 1 nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Được chứng kiến ngày lễ quốc khánh 2-9-1945 tại Hà Nội, thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ông Archimeles L.A.Patti - 1 sĩ quan tình báo chiến lược Mỹ (OSS) đã dành Chương 26 trong cuốn sách “Why Việt Nam” (Tại sao Việt Nam) để tả lại ngày lịch sử này ông được mục kích: “… Từ sớm tinh mơ, dân chúng Hà Nội từng đoàn người lũ lượt kéo về quảng trường Ba Đình có cả dân chúng ngoại ô, nhân dân miền Núi, công nhân, phụ nữ… có nhiều người Thiên chúa giáo, Phật giáo, có nhiều khẩu hiệu tiếng Việt, Pháp, Anh: “Việt Nam của người Việt Nam”; “Hoan nghênh đồng minh”; “Thà chết không chịu làm nô lệ”. Trước lễ đài, trên cột cờ cao là lá cờ đỏ với 1 ngôi sao vàng 5 cánh phấp phới tung bay, trên lễ đài trừ ông Hồ Chí Minh mặc áo kaki màu sẫm còn mọi người đều mặc đồ trắng, thắt ca vát, để đầu trần…

Sau khi ông Hồ đọc xong 1 đoạn của bản Tuyên ngôn Độc lập, bỗng ông dừng lại đột ngột hỏi người nghe:

-Đồng bào có nghe rõ tôi nói không?

-Rõ! Quần chúng hô vang đáp lại.

Thực ra đây là 1 nghệ thuật diễn thuyết bậc thầy…, chúng tôi (L.A.Patti) chẳng còn nghi ngờ gì nữa là ông Hồ đã thấu tới quần chúng nhân dân”.

Có được bản Tuyên ngôn Độc lập công bố tại thủ đô Hà Nội ngày 2-9-1945 khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhà nước Dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Châu Á là thành quả tất yếu của 15 năm đấu tranh cách mạng đầy hy sinh gian khổ của toàn dân tộc do Đảng, Bác Hồ lãnh đạo, khi mới có 5.000 Đảng viên đã trở thành Đảng cầm quyền, 1 sự kiện độc đáo trong phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, đánh đổ đồng thời cả đế quốc và phong kiến từ những năm đầu nửa thế kỷ 20, do Đảng ta có đường lối cách mạng đứng đắn, có phương pháp cách mạng phù hợp, có Mặt trận Việt Minh tập hợp được mọi “giai tầng xã hội” đoàn kết đấu tranh giành độc lập cho dân tộc.

Tân Nhân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.