Multimedia Đọc Báo in

Vang vọng mãi lời Bác về ngày Nam Bộ kháng chiến

21:23, 02/10/2012

Trong đoạn cuối bản “Tuyên ngôn độc lập” do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ngày 2-9-1945 : “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Ngày 23-9-1945, chỉ sau 21 ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình lịch sử khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thực dân Pháp với âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa đã nổ súng gây hấn tại Nam Bộ. Nhân dân Nam Bộ đã phải bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, mở đầu cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, đồng thời biểu thị ý chí sắt son của quân và dân cả nước “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ!”.

         Nhân dân Nam Bộ trong những ngày đầu kháng chiến.         Ảnh: tư liệu
Nhân dân Nam Bộ trong những ngày đầu kháng chiến. Ảnh: Tư liệu

Các nhà sử học đều chung một nhận định: Chưa bao giờ trên đất nước Việt Nam lại nhiều kẻ thù đến thế. Chính quyền cách mạng vừa mới ra đời, vận mệnh dân tộc đã đứng trước tình thế "ngàn cân treo sợi tóc”. Vào thời điểm cách mạng Việt Nam đang giữa cơn phong ba bão táp ấy, thiên tài Hồ Chí Minh đã tỏa sáng rực rỡ với sứ mệnh lịch sử lái con thuyền cách mạng vượt mọi thác ghềnh. Ở Hà Nội, vừa lo đối phó với bọn Tưởng và bè lũ tay sai ở miền Bắc, Bác và Thường vụ Trung ương Đảng hàng giờ theo dõi chặt chẽ diễn biến phức tạp ở miền Nam. Bác căn dặn nhân dân Nam Bộ bình tĩnh, nhân nhượng để giữ vững nền hòa bình. Nhưng dã tâm của thực dân Pháp là muốn đô hộ nước ta lần nữa và ngày 23-9 chúng đã nổ súng đánh chiếm sở cảnh sát, trụ sở UBND, nhà máy điện, kho bạc..., chúng đã buộc nhân dân ta phải cầm súng để bảo vệ nền độc lập tự do vừa mới giành được từ tay Nhật.

Sáng ngày 23-9-1945, cuộc họp gồm các đồng chí Hoàng Quốc Việt (Thường vụ Trung ương Đảng), Ung Văn Khiêm, Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Nguyễn, Phạm Ngọc Thạch, Huỳnh Văn Tiểng... đã quyết định vừa gửi điện xin chỉ thị Bác và Trung ương Đảng, vừa phát động nhân dân đứng lên chống quân xâm lược. Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ được thành lập do đồng chí Trần Văn Giàu làm Chủ tịch. Chiều ngày 23-9, Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ ra Tuyên cáo quốc dân khẳng định: “Cương quyết phấn đấu, toàn dân hãy đoàn kết để bảo vệ quốc gia”. Quân và dân Nam Bộ, mở đầu là Sài Gòn-Chợ Lớn đã nhất tề đứng dậy, thay mặt nhân dân cả nước mở đầu cuộc kháng chiến.

Ngày 26-9-1945, qua làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, Bác Hồ gửi gắm lòng mình qua lời kêu gọi Hỡi đồng bào Nam Bộ! Nước ta vừa tranh quyền độc lập, thì đã gặp nạn ngoại xâm (…) Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ. Chúng ta nên nhớ lời nói oanh liệt của nhà đại cách mạng Pháp “Thà chết tự do hơn sống nô lệ” ( …) Chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của cả quốc dân. Chúng ta nhất định thắng lợi vì cuộc đấu tranh của chúng ta là chính đáng”. Người còn căn dặn chân tình tâm huyết: “Đối với người Pháp bị bắt trong lúc chiến tranh … phải đối đãi với họ khoan hồng. Phải làm cho thế giới, trước hết là làm cho dân Pháp biết rằng: chúng ta là quang minh chính đại. Chúng ta chỉ đòi quyền độc lập tự do, chứ chúng ta không vì tư thù tư oán, làm cho thế giới biết rằng chúng ta là một dân tộc văn minh, văn minh hơn bọn đi giết người, cướp nước”.  Rồi Chính phủ Trung ương cũng ra Huấn lệnh: “Hỡi đồng bào Nam Bộ! Lòng kiên quyết dũng cảm của nhân dân Nam Bộ chống lại quân đội xâm lăng của Pháp chẳng những làm cho đồng bào toàn quốc cảm phục, mà lại đã chứng tỏ cho thế giới đều biết cái quyết tâm độc lập của nhân dân Việt Nam (…). Làm cho thế giới biết rằng nhân dân Việt Nam không chịu ách nô lệ của Pháp một lần nữa…”. Hưởng ứng lời hiệu triệu của Chính phủ, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khắp các địa phương Bắc - Trung - Nam sục sôi hướng về Nam Bộ “Cương quyết giành độc lập”, “Ủng hộ cuộc kháng chiến anh dũng của đồng bào Nam Bộ”, phát động “Quỹ ủng hộ Nam Bộ”, thanh niên nô nức tòng quân, các chi đội Nam tiến gấp rút lên đường vào Nam chiến đấu... Nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn đã triển khai nhiều biện pháp để bảo vệ thành quả cách mạng, các địa phương Nam Bộ ra sức củng cố, xây dựng lực lượng vũ trang. Chiến trường Nam Bộ thật sự quy tụ sức mạnh cả nước đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược.

Một tháng sau, liên tục trong hai ngày 28 và 29-10-1945, Bác kính yêu đã có những việc làm hướng về mảnh đất Nam Bộ yêu quý. Ngày 28-10, nhân danh Chính phủ lâm thời, Bác gửi điện văn cho Thống chế Tưởng Giới Thạch kịch liệt phản đối việc quân Anh-Ấn giúp quân Pháp gây hấn ở Nam Bộ. Ngày 29-10, Bác tiếp tục gửi lời kêu gọi động viên đồng bào Nam Bộ: “Hỡi đồng bào trong Nam, quân Pháp dưới bóng quân đội Anh đang tàn sát đồng bào ta trong Xứ (…). Tâm trí tôi luôn luôn bên cạnh mấy triệu đồng bào quyết chiến đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ cho nền độc lập Việt Nam, để tỏ rõ cho hoàn cầu biết rằng dân tộc Việt Nam đầy đủ tinh thần hy sinh chiến đấu (...). Đồng bào trong Nam, trong một tháng nay, đã tỏ rõ tinh thần vững chắc, hùng dũng, đáng làm gương cho lịch sử thế giới. Ngày nay, trước tình trạng khó khăn, toàn thể quốc dân Việt Nam hồi hộp theo cuộc chiến đấu ở Nam Bộ. Nhưng thời cuộc càng khó khăn chừng nào, tôi chắc rằng tinh thần anh chị em càng cương quyết hơn chừng ấy. Trước nạn ngoại xâm, toàn thể quốc dân đã đoàn kết chặt chẽ thành một khối kiên cố, thành một lực lượng thống nhất mà không đội quân xâm lăng nào đánh trả được”. Ngày 7-11-1945, Bác lại có bài diễn văn đọc trong những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến. Lời Bác xúc động vang lên: “Gần tháng rưỡi nay, bọn thực dân Pháp hoành hành trong Nam Bộ. Đồng bào Nam Bộ đang hy sinh tranh đấu một cách oanh liệt vô cùng …”. Bác cũng nêu rõ rằng, nhân dân Việt Nam rất yêu chuộng hòa bình, “nhưng nếu cần phải hy sinh mấy triệu chiến sĩ, nếu cần phải kháng chiến bao nhiêu năm để giữ gìn quyền độc lập của Việt Nam … thì chúng ta vẫn kiên quyết hy sinh và kháng chiến”. Phải nói rằng, đó là những ngày tháng lòng Bác hướng về Nam Bộ nhiều nhất. Bác đau lòng khi nghe tin máy bay Pháp tàn sát đồng bào Nam Bộ. Dù căm phẫn, nhưng Bác vẫn đề nghị nhân dân phân biệt rõ bạn-thù, không mắc mưu kẻ địch.

Để kêu gọi, động viên đồng bào, chiến sĩ, cán bộ, thanh niên Nam Bộ, Bác đã liên tục gửi nhiều bức thư vào Nam. Ngày 1-12-1945, Người ký lệnh cử một phái đoàn Chính phủ do ông Lê Văn Hiến dẫn đầu vào thăm hỏi và nắm chắc tình hình các địa phương miền Nam, đồng thời tự tay đánh máy một bức thư gửi “Các chiến sĩ cùng đồng bào Nam Bộ và phía Nam Trung Bộ”. Thư Bác viết: “Từ ba tháng nay, các anh chị em đã đem xương máu ra để giữ lấy từng tấc đất của Tổ quốc. Tôi và tất cả đồng bào Bắc Bộ và phía Bắc Trung Bộ đã bao nhiêu lần tức giận khi nghe bọn thực dân Pháp đạp lên lãnh thổ của ông cha ta, giết hại nòi giống ta. Đã bao nhiêu lần phấn khởi khi nghe những chiến công oanh liệt do những vị vô danh và hữu danh anh hùng của dân tộc tạo nên, đã bao nhiêu lần hồi hộp có thể khóc được trước những gương vô cùng hy sinh, vô cùng can đảm của những người con yêu của Tổ quốc. Do đó tôi càng tin chắc rằng, với một nước đã có những đứa con hy sinh như thế, anh hùng như thế, đã có một khối toàn dân đoàn kết như thế, nước ta nhất định không thể bị mất lại một lần nữa. Để bảo vệ Tổ quốc, chúng ta còn phải chiến đấu nhiều. Chỉ có chiến đấu mới vượt được những trở lực, khó khăn. Chỉ có chiến đấu mới đưa lại vẻ vang cho Tổ quốc”. Ngày 31-5-1946, trước lúc lên đường sang Pháp theo lời mời của Chính phủ nước này, Người lại có thư “Gửi đồng bào Nam Bộ”. Trong thư, Bác khẳng định: “Đồng bào Nam Bộ đã hy sinh tranh đấu mấy tháng trường để giữ gìn non sông cho toàn nước Việt Nam. Cho nên đồng bào cả nước đều phải nhớ ơn đồng bào Nam Bộ. Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”. Nắm được mưu đồ tách Nam Bộ ra khỏi nước Việt Nam thống nhất của thực dân Pháp nên ngày 11-7-1946, ngay trong thời gian thăm nước Pháp, bên lề Hội nghị Phông-ten-nơ-bơ-lô, Người tuyên bố trước công luận: “Nam Bộ là một miếng đất Việt Nam. Đó là thịt của thịt chúng tôi, là máu của máu chúng tôi... Trước khi đảo Corse trở nên đất của nước Pháp, thì Nam Bộ đã là đất Việt Nam”. Và ngay sau khi từ Pháp trở về, ngày 23-10-1946, Bác cũng đã có lời tuyên bố với quốc dân: “…Chúng ta đều chung một tổ tiên dòng họ, đều là ruột thịt anh em. Nước có Trung, Nam, Bắc, cũng như một nhà có ba anh em(…). Không ai có thể chia rẽ con một nhà… không ai có thể chia rẽ nước Việt Nam ta” … Đón nhận tình cảm bao la ấm áp của Người, đón nhận sự giúp đỡ, chi viện của đồng bào cả nước, đồng bào Nam Bộ đã đứng lên chiến đấu vì sự sống còn của Tổ quốc.

Trong khói lửa của cuộc chiến tranh tự vệ, chiến tranh nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, mỗi quốc dân, mỗi ấp xã, mỗi đường phố đã nhanh chóng tìm ra trăm ngàn cách đánh giặc bảo vệ quê hương, đất nước. Lửa từ đất Nam Bộ lan truyền để 9 năm sau, ngọn lửa đó đã góp phần cùng lửa cả nước thiêu cháy lũ thực dân, làm sáng thêm thiên sử vàng của dân tộc Việt Nam…

Nguyễn Văn Thanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.