Multimedia Đọc Báo in

Về thăm Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng

13:48, 27/10/2012

Chỉ mất hơn mười phút đi phà, từ bến phà Ô Môn (TP. Long Xuyên-An Giang) là đến Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng được xây dựng khang trang, bề thế trên Cù lao Ông Hổ (nay là xã Mỹ Hòa Hưng) - quê hương của người con ưu tú đất phương Nam.

Bốn năm sau ngày Bác Tôn mất (1978), ngôi nhà ở ấp Mỹ An- xã Mỹ Hòa Hưng-TP. Long Xuyên, nơi gắn liền với thời niên thiếu của Bác đã được Bộ VH-TT (nay là Bộ VH-TT-DL) công nhận là Di tích cấp Quốc gia. Từ đó Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Giang rất quan tâm đến ngôi nhà, cũng như việc định hướng quy hoạch, tôn tạo và phát triển nơi đây thành Khu di tích lịch sử để phục vụ du khách trong và ngoài nước đến tham quan.

Ngôi nhà gắn với thời niên thiếu của Bác Tôn.
Ngôi nhà gắn với thời niên thiếu của Bác Tôn.

Cũng như bao ngôi nhà khác của người Nam Bộ, nhà Bác Tôn cũng chẳng khác biệt gì. Cổng vào được làm bằng gỗ lim, qua cổng là lối vào nhà dài hơn 11 m, bên phải có trồng một hàng cau và bên trái là khóm trầu xanh tốt- một nét kiến trúc truyền thống của người Nam Bộ xưa, nay vẫn được gìn giữ hầu như nguyên vẹn. Ngôi nhà thời niên thiếu của Chủ tịch Tôn Đức Thắng được xây dựng vào năm 1887, do thân sinh của Bác là cụ Tôn Văn Đề cất trước khi Bác Tôn chào đời một năm (20-8-1888). Ngôi nhà được thiết kế theo kiểu nhà sàn lót bằng gỗ thao lao, cách mặt đất khoảng 0,7 m. Kết cấu ngôi nhà gồm ba gian, hai chái có diện tích khoảng 156 m2. Mái nhà lợp ngói âm dương. Bên trong ngôi nhà đến nay vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị như hai di ảnh song thân của Bác Tôn, bộ ngựa gõ, tủ thờ cẩn xà cừ và một số bức ảnh  chụp Bác Tôn trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp.

Năm 1988, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Bác Tôn, tỉnh An Giang đã tiến hành trùng tu một số hạng mục của ngôi nhà, đồng thời xây dựng thêm một số công trình mới (đường, điện, nước, cây xanh...) tại quê hương Mỹ Hòa Hưng để phục vụ người dân trên cả nước và bạn bè quốc tế đến thăm viếng. Đặc biệt vào năm 1998, tại khu di tích này đã được Nhà nước đầu tư xây dựng thêm một số công trình khá quy mô: công viên, rạch cảnh, cầu kiều, nhà trưng bày và giới thiệu thân thế, sự nghiệp và đền tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, với tổng diện tích trên 6 ha. Nhà tưởng niệm có dáng dấp giống như các đền chùa dân gian gồm một gian, hai chái, nóc cổ lầu và được lợp bằng ngói ống đỏ tươi. Nơi đây dành để trưng bày, giới thiệu đầy đủ cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng từ thời niên thiếu ở quê  nhà, cho đến lúc ra đi hoạt động cách mạng và những năm tháng cuối đời của người...

Mỗi giai đoạn về cuộc đời của Bác Tôn đều có nhiều tư liệu, hiện vật chứng minh sinh động và hùng hồn, giúp du khách tham quan hiểu đầy đủ, trọn vẹn cuộc đời của Bác. Còn đền tưởng miệm có kiến trúc hình vuông, trông lên như một đóa sen tinh khiết. Bốn hướng đều có lối dẫn vào đền với ba bậc cấp bằng đá Granit lấy từ khu vực Bảy Núi - An Giang. Bên trong ngôi đền, phần chính diện là các bao lam, thành vọng được chạm lộng rất công phu với các họa tiết hình các loài hoa sen – cúc – trúc -  mai, dây lá... rất hoa mỹ. Phía trong bao lam, thành vọng là tượng bán thân của Bác Tôn được đúc bằng đồng đặt trên một bục cao uy nghi và trang trọng.  Nhìn chung, kiến trúc của ngôi đền- từ nội thất đến cảnh quan bên ngoài đều được bố cục hài hòa, mang đậm nét văn hóa truyền thống dân tộc.

Nhà  trưng bày,  giới thiệu  thân thế  và sự nghiệp của Bác Tôn.
Nhà trưng bày, giới thiệu thân thế và sự nghiệp của Bác Tôn.

Kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Bác Tôn, khu lưu niệm có thêm một số hiện vật và công trình mới được bổ sung như: chiếc chuyên cơ mang số hiệu YAK 40 đã từng đưa Bác Tôn vào TP Hồ Chí Minh dự Lễ mừng chiến thắng ngày 15-5-1975; phục chế chiếc canô đã từng đưa Bác Tôn từ Côn Đảo trở về đất liền vào tháng 9-1945, phục chế ngôi nhà làm việc của Bác Tôn ở Tuyên Quang trong thời kỳ kháng Pháp (1946-1954) và nhiều công trình nghệ thuật khác như cầu tàu, tranh gỗ mỹ thuật, Trung tâm thông tin- du lịch cộng đồng... Với lòng tôn kính của thế hệ sau đối với Bác Tôn, kể từ ngày 20-8-1988, tỉnh An Giang đã chọn ngày sinh của Bác làm ngày lễ hội truyền thống hằng năm của thành phố Long Xuyên. Đặc biệt, với giá trị lịch sử và nhân văn của khu lưu niệm, ngày 10-5-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định xếp hạng di tích lịch sử - Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng là Di tích Quốc gia đặc biệt. Và để xứng tầm sự tôn vinh này, được biết trong thời gian tới, tỉnh An Giang tiếp tục đầu tư ngân sách trên 12 tỷ đồng tôn tạo đền thờ ; nhà trưng bày; hệ thống đường giao thông nội bộ, điện chiếu sáng và nhiều hạng mục khác để biến quê hương của người con ưu tú An Giang thành điểm đến trong hành trình du lịch văn hóa-lịch sử và sinh thái của miền đất Nam Bộ.

Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng là tấm gương sáng ngời của Chủ nghĩa Cộng sản, vượt qua mọi thử thách nghiệt ngã trong lao tù của đế quốc và sự khốc liệt của chiến tranh, cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân. Chủ tịch Tôn Đức Thắng là tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng, ở bất cứ cương vị nào, từ người công nhân bình thường, đến Chủ tịch nước đều sống khiêm tốn, giản dị, suốt đời cần kiệm, liêm, chính gần gũi với đồng chí, đồng bào....

Việc trao cho Khu lưu miệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt là sự tôn vinh của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những công lao, đóng góp to lớn của Chủ tịch Tôn Đức Thắng cho đất nước và dân tộc; có ý ngĩa lớn trong việc giáo dục truyền thống cho thế hệ mai sau...

(Trích Diễn văn của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đọc tại Lễ trao Bằng công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt cho Khu Lưu niệm Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng tại xã Mỹ Hòa Hưng-TP .Long Xuyên-An Giang)

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.