Đường đến "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không"
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" thể hiện truyền thống càng đánh càng mạnh của quân đội ta trong quá trình vừa xây dựng, vừa chiến đấu, đánh bại chiến tranh công nghệ, chiến tranh điện tử quy mô lớn của Mỹ. Trước hết, đó là kỳ tích về chiến đấu và lao động của từng chiến sĩ phòng không-không quân (PK-KQ) trực tiếp đối đầu với địch ở cấp chiến thuật, nhất là các kíp chiến đấu của các tiểu đoàn hỏa lực và các cán bộ kỹ thuật đã dũng cảm, sáng tạo từng bước đánh bại tất cả các thủ đoạn tinh vi của không quân Mỹ…
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thông qua cách đánh B-52. |
“Bửu bối" B-52?
Đầu năm 1972, để hỗ trợ cho quân ngụy đang thua ở Quảng Trị và để gây sức ép với ta trong bế tắc ở Hòa đàm Paris, Mỹ đã mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân lần thứ 2 đánh phá miền Bắc Việt Nam.
Lần đầu tiên Mỹ đã dùng B-52 leo thang đánh rộng ra từ Quảng Bình, Vinh, Thanh Hóa đến Hải Phòng và uy hiếp Thủ đô Hà Nội. Bộ đội Tên lửa Hải Phòng bắn nhiều đạn, nhưng B-52 không rơi.
Lầu Năm Góc vội chủ quan, tuyên bố: “Bằng kỹ thuật điện tử hiện đại, không lực Hoa Kỳ đã bịt mắt được toàn bộ hệ thống phòng không Bắc Việt. Giờ đây B-52 có thể ném bom vào bất cứ mục tiêu nào trên lãnh thổ miền Bắc, B-52 là bất khả xâm phạm".
Bộ đội Phòng không băn khoăn lo lắng về thủ đoạn mới của địch và khả năng đánh trả của ta, trăn trở với nhận định của Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng: “Khả năng sớm muộn gì Mỹ sẽ sử dụng B-52 đánh lớn vào Hà Nội để gây sức ép với ta, đang trở thành hiện thực".
Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ quán triệt quyết tâm của Bác Hồ năm xưa: “Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền. Dù chúng có B-57, B-52, hay “bê" gì đi chăng nữa, ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng"; phát động cuộc thi mới: “Quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, đi sâu nghiên cứu địch, thực hiện lời Bác dạy".
Tư lệnh Phòng không Lê Văn Tri giao cho Bộ Tham mưu, trực tiếp là tôi, bấy giờ là Tham mưu phó phụ trách nghiên cứu và huấn luyện chuyên về tên lửa: “Đồng chí hãy tập hợp anh em có trình độ chuyên môn và có quyết tâm cao, để nghiên cứu xây dựng tài liệu về cách đánh B-52 của tên lửa, càng sớm càng tốt".
Tôi rất lo lắng, vì nhiệm vụ này không dễ dàng gì. Là một trong ba con át chủ bài về phương tiện tấn công chiến lược của Mỹ, B-52 là loại máy bay ném bom hiện đại nhất, thường bay ở độ cao trên 10.000m, mỗi chiếc có thể mang đến 30 tấn bom, được trang bị đến 15 máy gây nhiễu các loại và được bảo vệ chặt chẽ.
Đường đến “Điện Biên Phủ trên không"
Ngay từ năm 1962, Bác Hồ đã chỉ thị cho đồng chí Phùng Thế Tài, lúc đó là Tư lệnh Quân chủng Phòng không, cần quan tâm đầu tư nghiên cứu loại máy bay này để không bị bất ngờ. Vào đầu năm 1966, khi Mỹ lần đầu tiên dùng B-52 đánh ra đèo Mụ Giạ (Quảng Bình), Bác đã giao nhiệm vụ cho đồng chí Đặng Tính, Chính ủy Bộ đội PK-KQ: Đã đến lúc phòng không phải tìm cách đánh B-52. Chấp hành chỉ thị của Bác, Trung đoàn 238 - trung đoàn tên lửa thứ 2 mới ra quân đã được đưa vào khu vực Vĩnh Linh để nghiên cứu quyết đánh B-52. Bộ Tham mưu quân chủng đã cử một số cán bộ tác chiến, quân báo, đội trinh sát nhiễu, dưới sự lãnh đạo của Phó Tư lệnh Hoàng Văn Khánh, vào Vĩnh Linh để cùng Trung đoàn 238 nghiên cứu nhiễu của địch và tìm cách đánh B-52. Kết quả, ngày 17-9-1967, Trung đoàn 238 đã bắn rơi chiếc B-52 đầu tiên trên miền Bắc nước ta.
Vào năm 1969, từ những kinh nghiệm, Trung đoàn 238 đã hình thành tài liệu đánh B-52 đầu tiên của tên lửa nhưng do điều kiện lúc đó nên tài liệu còn sơ khai, cần phải bổ sung nhiều.
Bộ đội Tên lửa chuẩn bị chiến đấu trong Chiến dịch “Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không”. Ảnh: T.L |
Theo chỉ đạo của Bộ Tư lệnh, Bộ Tham mưu chúng tôi đã bắt đầu thành lập ra Ban nghiên cứu biên soạn tài liệu đánh B-52 của tên lửa. Ban biên soạn gồm các cán bộ đầu ngành và cán bộ chủ chốt của Bộ Tham mưu và Trường Sĩ quan Phòng không. Tùy theo chủ đề, chúng tôi tranh thủ sự giúp đỡ của chuyên gia Liên Xô; huy động sự đóng góp của một số cán bộ của Sư đoàn Phòng không Hà Nội, của Viện Khoa học kỹ thuật quân sự Bộ Quốc phòng; tranh thủ ý kiến cả của các cơ quan có liên quan của Bộ Tổng tham mưu; dựa vào tư liệu của Bộ Quốc phòng và của chuyên gia Liên Xô, các tài liệu thu được của địch, kể cả khai thác các lời cung của tù binh phi công Mỹ. Nhưng thiết thực hơn, đã nghiên cứu các bản sơ kết, tổng kết kinh nghiệm của cả các trận đánh thành công lẫn thất bại của tên lửa từ khi ra quân đánh máy bay cường kích, ném bom các loại, nhất là B-52… Xuất phát từ những trận đánh B-52 của Trung đoàn 238 tại Vĩnh Linh năm 1966-1967 đến các trận đánh B-52 ở các cửa khẩu 559, Đường 9 - Nam Lào, Chiến dịch Trị Thiên năm 1972… Khảo sát kinh nghiệm đánh tập trung, hiệp đồng binh chủng, chống nhiễu của các trận chống tập kích quy mô lớn của địch vào Hà Nội năm 1966-1967, nhưng sốt dẻo nhất là các trận đánh B-52 của tên lửa những ngày tháng 4-1972.
Bộ Tham mưu Quân chủng đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo chuyên đề khá sôi nổi.
Về nghiên cứu địch, đã đi sâu phân tích các thủ đoạn mới về kỹ, chiến thuật của địch, nhất là về các nhiễu điện tử, nhiễu ngoài đội hình, nhiễu tiêu cực, nhiễu tích cực trong đội hình, thủ đoạn phóng tên lửa Shrike chống ra-đa của ta.
Tập trung nghiên cứu điểm yếu của nhiễu điện tử. Nhận thấy không phải chỗ nào, lúc nào nhiễu cũng giống nhau, nên cần khai thác những điểm có lợi cho ta. Cần chú ý nhiễu tổng hợp của địch trong đội hình mật tập, sử dụng lực lượng quy mô lớn.
Về cách đánh của ta, sử dụng tập trung từ 2 đến 3 tiểu đoàn tên lửa hiệp đồng binh chủng đánh vào một tốp máy bay địch, trong điều kiện địch gây nhiễu tổng hợp và sử dụng rộng rãi tên lửa Shrike chống ra-đa. Bố trí đội hình phù hợp, tập trung vào hướng đường bay chủ yếu có trận địa chốt có thể cơ động hỏa lực, có trận địa cơ động vòng ngoài, đánh địch từ xa, sẵn sàng chuyển hóa thế trận, kết hợp với đánh chính diện, đánh đòn, đánh bên sườn, đánh đuổi, tạo thế trận bao vây địch, hạn chế tác hại của nhiễu.
Nội dung Tài liệu đánh B-52 được tiếp tục bổ sung hoàn chỉnh dần qua các Hội nghị quân chính của quân chủng, thông qua các phương án tác chiến đánh B-52 vào tháng 7 và 9 năm 1972. Tại Hội nghị quân chính mở rộng vào tháng 10-1972, thành phần gồm các cán bộ từ cơ sở trở lên thuộc Quân chủng PK-KQ, Tài liệu đánh B-52 chính thức được thông qua. Sau đó được in và gửi xuống các tiểu đoàn tên lửa để nghiên cứu học tập, vận dụng.
Tháng 11-1972, địch dùng B-52 đánh vào Tây Nghệ An. Ngày 23-11-1972 quân chủng cử một kíp chiến đấu và một số cán bộ tham mưu xuống Tiểu đoàn 43, Tiểu đoàn 44 thuộc Trung đoàn 263 bố trí ở Tây Nghệ An để theo dõi, hỗ trợ đánh B-52 theo tài liệu mới. May mắn thay, đêm đó, tên lửa của ta đã bắn B-52 rơi tại chỗ ở biên giới Việt - Lào - Thái Lan. Phía Mỹ lần đầu tiên đã phải công nhận B-52 bị SAM 2 bắn rơi.
Những kinh nghiệm mới được bổ sung vào tài liệu. Quân chủng phát động tiếp một đợt huấn luyện đột kích về đánh B-52 cho tên lửa. Tư lệnh Quân chủng lại giao nhiệm vụ cho tôi phụ trách một số cán bộ và trắc thủ cốt cán, lần lượt đi xuống một số tiểu đoàn để huấn luyện và kiểm tra sẵn sàng chiến đấu theo phương án, phối hợp với cán bộ của các sư đoàn phòng không. Đoàn cán bộ này được anh em gọi vui là "gánh hát rong".
Cuối tháng 11-1972, phương án cuối cùng đánh B-52 đã được Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng và tập thể lãnh đạo Bộ Tổng tham mưu trực tiếp thông qua, sau đó được Đại tướng Võ Nguyên Giáp phê chuẩn.
Hiệp đấu quyết định và những bài học lịch sử
Trong cuộc không kích chiến lược chủ yếu bằng B-52 cuối năm 1972, Mỹ đã huy động 4.547 lần chiếc máy bay các loại, trong đó có 663 lần chiếc B-52, tức là 1/2 số máy bay B-52 và 1/3 máy bay chiến thuật của Mỹ, ném xuống miền Bắc nước ta hàng vạn tấn bom. Nhưng kết quả Mỹ đã mất 81 máy bay hiện đại, trong đó có 34 chiếc B-52, có 16 chiếc rơi tại chỗ, mất hàng trăm phi công sừng sỏ, tỷ lệ tổn thất lớn xấp xỉ 15% - một tỷ lệ khiến Mỹ không chịu nổi, phải kết thúc chiến dịch sớm, ngoài ý muốn của Nhà Trắng và Lầu Năm Góc... Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã biểu dương “lực lượng phòng không-không quân cùng quân và dân miền Bắc đã làm nên một trận Điện Biên Phủ trên không vẻ vang nhất".
Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không" thể hiện nghệ thuật tác chiến phòng không Việt Nam, đỉnh cao là chiến dịch chống tập kích đường không của Mỹ: Từ trận mở đầu thắng giòn giã (18-12-1972), tới trận thắng quan trọng (20-12-1972), kết cục là trận then chốt quyết định (26-12-1972). Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã vượt ra khỏi phạm vi của một chiến dịch thông thường, góp phần quyết định “đánh cho Mỹ cút”, tạo tiền đề “đánh cho ngụy nhào” vào mùa xuân 1975.
Trung tướng Vũ Xuân Vinh (Nguyên Tham mưu phó Quân chủng Phòng không – Không quân)
Nguồn Báo QĐND
Ý kiến bạn đọc