Multimedia Đọc Báo in

40 năm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" (12-1972 – 12- 2012):

Diễn biến cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B.52 của Mỹ

06:08, 14/12/2012

 

Ngày 17-12-1972, Ních-xơn chính thức ra lệnh mở Chiến dịch Lai-nơ-bêch-cơ II, sử dụng không quân chiến lược B.52, tập kích với quy mô hủy diệt vào Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã trên miền Bắc.

- Bộ Tổng Tham mưu ra lệnh cho Quân chủng PK-KQ chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất, đề phòng máy bay B.52 đánh từ vĩ tuyến 20 trở ra.

- Đêm 18-12-1972:

+ 18 giờ 50 phút, toàn Quân chủng PK-KQ chuyển trạng thái chiến đấu vào cấp 1.

+ 19 giờ 10 phút, Đại đội ra đa 16/Trung đoàn 291 phát hiện được nhiễu B.52, tiếp đó 19h15 phút, Đại đội ra đa 45/Trung đoàn 291 phát hiện và kịp thời báo cáo về sở chỉ huy: "B.52  đang vào miền Bắc".

+ 19 giờ 25 phút, không quân ta được lệnh cất cánh đón đánh các tốp máy bay chiến thuật Mỹ ở Tam Đảo, Việt Trì. Máy bay F.111 ném bom sân bay Nội Bài, Kép... 

+ Từ 19 giờ 20 phút đến 20 giờ 18 phút, nhiều tốp máy bay B.52 (mỗi tốp 3 chiếc) liên tiếp dội bom xuống khu vực sân bay Nội Bài, Đông Anh, Yên Viên, Gia Lâm...

+ 19 giờ 44 phút, quả đạn tên lửa đầu tiên của Tiểu đoàn 78 thuộc Trung đoàn Tên lửa Phòng không 257 được phóng lên.  

+ 20 giờ 13 phút, Tiểu đoàn 59/Trung đoàn tên lửa Phòng không 261 do Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Thăng chỉ huy phóng 2 quả đạn hạ 1 máy bay B.52 (rơi xuống cánh đồng Chuôm thuộc xã Phủ Lỗ huyện Đông Anh, cách trận địa gần 10 km). Đây là chiếc máy bay B.52 đầu tiên bị bắn rơi tại chỗ trên bầu trời Hà Nội.

+ Trong đêm đầu tiên 18-12 và rạng ngày 19-12, Mỹ huy động 90 lần chiếc B.52 ném 3 đợt bom xuống Hà Nội, 8 lần chiếc F.111 và 127 lần chiếc máy bay chiến thuật bắn phá các khu vực nội, ngoại thành. Mỹ đã ném khoảng 6.600 quả bom xuống 135 địa điểm thuộc Hà Nội, 85 khu vực dân cư bị trúng bom làm thương vong 300 người. Quân và dân ta bắn rơi 3 máy bay B.52 (2 chiếc rơi tại chỗ), 3 máy bay chiến thuật (2 chiếc F4, 1 chiếc A7).

+ Từ đêm 19-12 đến 29-12-1972, Mỹ liên tục tấn công Hà Nội và các địa phương khác trong toàn miền Bắc bằng máy bay chiến lược B.52, máy bay F.111 "cánh cụp cánh xòe", máy bay F4, F5 và các loại phương tiện tiến công đường không chiến thuật hiện đại khác và trong 12 ngày đêm oanh liệt đó không có ngày nào quân dân ta không bắn rơi máy bay B.52 của Mỹ. (trừ ngày 25/12, lấy cớ nghỉ lễ Nôen, địch tạm ngừng cuộc tập kích để củng cố lực lượng, ổn định tinh thần giặc lái, rút kinh nghiệm, tìm thủ đoạn và cách đánh mới).

+ Cao điểm nhất là ngày 26-12, lúc 22 giờ 05 phút, địch sử dụng 105 lần chiếc máy bay B.52 và 110 lần chiếc máy bay chiến thuật hộ tống, đánh ồ ạt, liên tục từ nhiều hướng và tập trung một đợt vào nhiều mục tiêu ở 3 khu vực Hà Nội, Hải Phòng và Thái Nguyên. Đây là trận đánh lớn nhất và là trận then chốt trong cuộc tập kích đường không chiến lược của địch. Trận tập kích này chỉ diễn ra trong thời gian hơn một giờ, ta đã bắn rơi 8 máy bay B.52. Thất bại lớn này đã làm suy sụp tinh thần và ý chí của giới cầm quyền Nhà trắng và Lầu Năm góc. Đến đêm 29/12 máy bay B.52 của Mỹ chỉ dám đánh vào khu gang thép Thái Nguyên, Đồng Mỏ (Lạng Sơn), Kim Anh (Vĩnh Phú), mà không dám tập trung lực lượng ở toạ độ lửa  Hà Nội nữa.

 Trước sự thất bại lớn và liên tiếp trong 12 ngày đêm đánh phá miền Bắc Việt Nam, 7 giờ sáng ngày 30/12, Ních-xơn buộc phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và chấp nhận quay lại bàn đàm phán. Cuộc tập kích chiến lược quy mô lớn bằng máy bay B.52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và miền Bắc Việt Nam của Mỹ đã bị thất bại hoàn toàn.

Ảnh minh họa, nguồn internet
Ảnh minh họa, nguồn internet

 

Tội ác của đế quốc Mỹ

Cuộc cuộc tập kích đường không chiến lược tháng 12-1972 của đế quốc Mỹ là một cuộc ném bom hủy diệt vô cùng man rợ. Trong 12 ngày đêm, Mỹ đã sử dụng 663 lần chiếc B52 và 3.920 lần chiếc máy bay chiến thuật, ném xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số mục tiêu trọng yếu khác trên miền Bắc nước ta, hơn 100 ngàn tấn bom đạn. Riêng Thủ đô Hà Nội cúng đã sử dụng 441 lần chiếc B.52 cùng hàng ngàn lần chiếc máy bay chiến thuật, ném hơn 10 ngàn tấn bom (sức công phá hủy diệt tương đương 2 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Hi-rô-si-ma và Na-ga-sa-ki - Nhật Bản). Chúng đã huỷ diệt nhiều khu phố, làng mạc, phá sập 5.480 ngôi nhà, trong đó gần 100 nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ga, giết hại 2.368 dân thường, làm bị thương 1.355 người khác.

Phố Khâm Thiên, một khu vực có mật độ dân số đông nhất Hà Nội, đã bị bom B.52 tàn phá cả chiều dài trên 1 km, gần 2000 ngôi nhà, đền chùa, trường học, trạm xá bị phá sập, 287 người chết, 290 người bị thương, có gia đình 6 người ngồi trong hầm chết toàn bộ. Cùng với Khâm Thiên, máy bay B.52 của Mỹ còn rải bom xuống hơn 100 điểm dân cư trong thành phố (Bệnh viện Bạch Mai, Gia Lâm, Yên Viên, Uy Nỗ. An Dương...) làm hơn 1.000 người bị thương vong.    

Chiến thắng của quân và dân ta

Trong 12 ngày đêm từ ngày 18 đến ngày 29/12/1972 có 81 máy bay Mỹ bị ta bắn rơi, gồm: (34 chiếc B.52, 5 chiếc F.111A, 21 chiếc F.4C-E, 4 chiếc A6A, 12 chiếc A7, 1 chiếc F.105D, 2 chiếc RA5C, 1 chiếc trực thăng HH53, 1 chiếc trinh sát không người lái 147SC).

Sau cuộc ném bom tàn bạo ấy, ngày 30-12-1972, tướng Gioóc Ết-tơ, Phó chỉ huy không quân chiến lược Mỹ, đã thú nhận trên tạp chí Không lực Hoa kỳ rằng, “Tổn thất về máy bay chiến lược B.52 cùng các nhân viên phi hành là hết sức nặng nề, là đòn choáng váng đánh thẳng vào những nhà vạch kế hoạch của Lầu Năm góc”.

   Trong hồi ký của mình, Ních-xơn viết: “Nỗi lo của tôi trong những ngày này không phải là lo những làn sóng phản đối, phê phán nghiêm khắc ở trong nước và trên thế giới, mà chính là mức độ tổn thất về máy bay B.52 quá nặng nề”. Đi đôi với tổn thất về máy bay, phía Mỹ còn phải chịu thêm tổn thất về người lái. Trong quân đội, người lái máy bay được coi là sinh lực cao cấp. Để đào tạo được 1 phi công đặc biệt là phi công chiến lược B.52, phi công F.111 phải tốn khá nhiều tiền bạc và thời gian. Chỉ hơn 10 ngày Không quân Hoa Kỳ đã mất gần 100 phi công (bị chết và bị bắt). Đây đều là những phi công kỳ cựu, có giờ bay cao, có phi công có hơn 6.000 giờ bay.   

  Thông thường trong chiến tranh, ở những trận tập kích đường không lớn, tỷ lệ tổn thất về máy bay của phe tiến công là khoảng 1 -2%. Vậy mà trong cuộc tập kích không quân chiến lược cuối tháng 12-1972 này tỷ lệ tổn thất về máy bay của Mỹ (chỉ tính riêng B.52) đã lên tới 17% (34/193 chiếc), thực sự là sự tổn thất khủng khiếp.  

Nguồn tài liệu: Cục Tuyên huấn - Tổng cục Chính trị


Ý kiến bạn đọc