Kỷ niệm 83 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 – 3-2-2013)
Nơi Đảng ra đời tại Dak Lak
Đến cuối năm 1940, trước sự chuyển biến mau lẹ của tình hình thế giới và trong nước nói chung, tại Dak Lak nói riêng, một số chiến sĩ cộng sản tại Nhà đày Buôn Ma Thuột đã thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là tổ chức Đảng đầu tiên ra đời trên mảnh đất cao nguyên này. Từ đây, cách mạng Dak Lak chuyển sang một giai đoạn phát triển mới.
Nhà đày Buôn Ma Thuột - nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên tại Dak Lak. |
Những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp mới bước đầu đặt được dấu ấn cai trị của chúng trên đất nước ta. Chúng đã thiết lập nên mạng lưới nhà tù, nhà đày dày đặc với chế độ giam cầm hà khắc, bạo tàn. Nhà đày Buôn Ma Thuột ra đời trong guồng máy cai trị đó. Đến những năm 1930 - 1931, sau cao trào Xô Viết Nghệ -Tĩnh, Nhà đày Buôn Ma Thuột đã được xây dựng thành một điểm giam giữ lớn của thực dân Pháp và đến năm 1936 thì nơi đây đã trở thành một trung tâm giam giữ của khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Nhà đày Buôn Ma Thuột được xây dựng trên diện tích gần 2 ha, với bốn bức tường cao bao quanh, 4 góc đều có vọng gác và có lính canh 24/24 giờ, phía trong có 6 dãy lao tập trung giam giữ tù nhân, bên cạnh cổng chính ở phía Nam là dãy xà lim, nơi giam giữ tù chính trị thực dân Pháp cho là nguy hiểm. Sự tồn tại của Nhà đày Buôn Ma Thuột là một minh chứng sống động và hùng hồn cho một thời kỳ đầy gian nan, tàn khốc nhưng vô cùng anh dũng, vẻ vang của nhân dân Dak Lak nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.
Cảnh đàn áp tù chính trị ở Nhà đày Buôn Ma Thuột. |
Cách mạng Việt Nam đi đến ngày thắng lợi là kết quả đấu tranh kiên cường, bền bỉ của biết bao thế hệ dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng. Sẽ không thể kể hết những hy sinh, mất mát của bao lớp cha anh đã quên mình cho độc lập tự do của dân tộc. Trong cuộc đấu tranh đó, kẻ thù càng thâm hiểm, tàn bạo bao nhiêu thì tinh thần và ý chí cách mạng càng được tôi luyện bấy nhiêu. Chính vì vậy mà Nhà đày Buôn Ma Thuột được nhiều người biết đến không phải vì kết cấu kiến trúc, không phải vì đòn roi tra tấn tàn bạo của kẻ thù mà là ở phong trào đấu tranh anh dũng của các thế hệ tù nhân chính trị nơi đây. Nhà đày là nơi giam giữ nhiều chiến sĩ yêu nước, là môi trường rèn luyện cho biết bao thế hệ cách mạng. Nhiều người về sau đảm nhận những những vị trí quan trọng trong Đảng, Nhà nước và quân đội như các đồng chí: Võ Chí Công, Phan Đăng Lưu, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu…
Với việc Chi bộ Đảng ra đời tại Nhà đày Buôn Ma Thuột, sự lãnh đạo của Đảng đã được thống nhất không chỉ đối với các chiến sĩ bị giam cầm mà còn vượt ra khỏi phạm vi bốn bức tường đày ải. Cuộc vận động cách mạng ở Dak Lak phát triển thêm một bước mới. Các chiến sĩ cách mạng không những quan tâm tới việc xây dựng cơ sở trong Nhà đày mà còn chú trọng tới việc vận động, gây dựng cơ sở ở bên ngoài. Từ những hạt nhân cách mạng trong Nhà đày, những cơ sở cách mạng được gây dựng ngày một nhiều, trong đó đặc biệt phải kể đến đồn điền CADA và một số đồn điền khác trong địa bàn tỉnh.
83 mùa xuân đã đi qua kể từ ngày Chi bộ Đảng đầu tiên ra đời, Nhà đày Buôn Ma Thuột ngày ấy bây giờ đã trở thành một khu di tích lịch sử cấp quốc gia, là điểm đến của nhiều du khách xa gần để tìm hiểu, để tự hào về một thời đấu tranh hào hùng, kiêu hãnh của các thế hệ cách mạng cha anh.
Minh Khoa
Ý kiến bạn đọc