Ký ức một thời trên những tuyến đường huyền thoại
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những ký ức một thời về tuyến đường huyền thoại – nơi những cô gái, chàng trai tuổi chưa đầy 20 từng tham gia phá đá, mở đường vẫn không thể phai mờ trong tâm thức của lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) thời ấy.
40 năm - ký ức một đoạn đường
Bước qua tuổi 20, chị Ngô Thị Thanh (sinh năm 1947), quê ở huyện Thanh Chương, Nghệ An (nay sinh sống tại xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) tình nguyện tham gia vào lực lượng TNXP, gia nhập tiểu đội 333 – N67, Tổng đội Cù Chính Lan. Cũng như bao người bạn cùng trang lứa, chị Thanh hăng hái ra trận tuyến theo tiếng gọi của Tổ quốc, với một lòng nhiệt huyết của lứa tuổi đôi mươi. Giờ đây, khi đã bước sang tuổi 65, chị vẫn nhớ như in về một thời cống hiến hết mình ở những trọng điểm ác liệt trên tuyến giao thông chiến lược 15A, 15B – nơi có huyền thoại Truông Bồn (huyện Đô Lương – Nghệ An). Chị Thanh nhớ lại: tiểu đội của chị lúc đó khoảng 30 người, ban đêm làm nhiệm vụ lấp hố bom, xẻ núi san đường, bảo đảm thông tuyến cho các đoàn xe chi viện lương thực, vũ khí cho chiến trường miền Nam, ban ngày cùng làm việc đồng áng, vườn tược giúp người dân địa phương. Dẫu đứng giữa cận kề cái chết, bởi công việc lấp hố bom không ai lường trước được những hiểm nguy, nhưng chị và đồng đội vẫn mong trời mau tối để nối liền những đoạn đường ban ngày bị bom địch tàn phá. Rồi trong tích tắc khi đang làm nhiệm vụ lấp hố bom ở đường 30 (đoạn Truông Bồn), bất ngờ bị địch thả bom liên tiếp, nhiều đồng chí, đồng đội của chị đã hy sinh - đó là giây phút khiến chị không cầm được nước mắt mỗi khi nhớ lại.
Bà Ngô Thị Thanh |
Trong sự khốc liệt của khói lửa chiến tranh, trước sự hy sinh, mất mát của đồng đội, những người như chị Thanh vẫn cất lên lời ca tiếng hát, bằng giọng hò đối đáp đậm âm hưởng dân ca Nghệ Tĩnh, rằng:
Anh về thưa với mẹ cha
Có cho anh lấy o này hay không?
Chiến tranh rồi sẽ đi qua
Cha mẹ sẽ đón em về với anh.
Lời ca tiếng hát lúc đó là sự cổ vũ tinh thần lớn nhất đối với những người ở chiến trường như chị. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, chị lập gia đình với một người cùng làng, đến năm 1986 chuyển vào Dak Lak lập nghiệp. Tại quê hương mới, chị cũng luôn cống hiến hết mình trong hoạt động đoàn thể tại cơ quan và nơi mình sinh sống. Vừa rồi, có dịp về quê hương, địa điểm chị Thanh muốn ghé thăm đầu tiên là tượng đài TNXP và mộ 13 chiến sĩ Truông Bồn – nơi hơn 40 năm về trước đã từng in dấu chân, tuổi trẻ và một thời vào sinh ra tử của bao lớp TNXP như chị.
Hồn nhiên tuổi trăng tròn trên tuyến đường ác liệt
Năm 1968, lúc ấy cô gái trẻ Nguyễn Thị Xê vừa tròn 16 tuổi rời quê lúa Thái Bình xung phong vào Quảng Bình mở đường 10 và 18 (thuộc tuyến đường Trường Sơn huyền thoại). Chị nhớ lại: ngày đầu tiên gia nhập đơn vị 953 – C89, chị vẫn vô tư hồn nhiên đúng bản chất của một cô gái mới lớn. Khi đơn vị hỏi ai xung phong làm nhiệm vụ giao liên, chị hồn nhiên hỏi lại giao liên là gì, sau đó chị là người đầu tiên tham gia làm nhiệm vụ ấy. Một kỷ niệm ngày đầu tiên làm nhiệm vụ: do sơ suất, chị Xê đã để thất lạc đôi dép cao su, phải mất cả ngày trời tìm kiếm. Sau một thời gian, quen dần với công việc, chị luôn tiên phong nhận mọi nhiệm vụ, không màng đến sự sống cái chết, chỉ biết mục tiêu trước mắt là giữ mạch máu vận tải thông suốt để xe tiếp tế vào chiến trường miền Nam ruột thịt. Chị và đồng đội ngày phá đá, đêm lấp hố bom. Có khi gặp những khối đá lớn, đường dốc thẳng đứng, chị và đồng đội vẫn kiên trì và mưu trí tìm cách hoàn thành nhiệm vụ. Là cô gái có “chút tài” về ca hát nên trong mọi hoạt động của tiểu đội, chị Xê đều tham gia. Theo “luật” của tiểu đội: ai làm nhiệm vụ ca hát sẽ được miễn làm việc khác, nhưng đối với chị miệng hát tay làm thì hiệu quả càng cao. Không chỉ là cây văn nghệ đơn thuần, chị còn có biệt tài hát “nhạc chế”, khiến đồng đội của chị lúc nào cũng phải phì cười. Bởi vậy, đồng đội của chị luôn gọi chị với biệt danh “Xê nhạc chế”.
Bà Nguyễn Thị Xê |
Trong nhiều ký ức vui, cũng có những ký ức buồn. Chị kể: vào khoảng năm 1969, khi cả tiểu đội đang ăn cơm trưa ở gần bến phà Long Đại (huyện Quảng Ninh – Quảng Bình) thì bị B52 thả bom. Đây là một trong những tọa độ lửa ác liệt nhất trong những năm 1968 - 1972, hàng vạn tấn bom của Mỹ ném xuống với tham vọng cắt đứt một trong những huyết mạch giao thông trên tuyến đường Trường Sơn, ngăn chặn sự chi viện cho chiến trường miền Nam. Giọng chùng xuống, chị nghẹn ngào kể: khi đó rất nhiều đồng đội của chị bị thương, có người đã hy sinh, không bao giờ trở lại. Bị địch phát hiện, đơn vị của chị phải chuyển vào cắm chốt tại hang đá gần đó, tiếp tục làm nhiệm vụ thiêng liêng mà Tổ quốc giao và làm thêm phần việc của những đồng đội đã ngã xuống.
Hiện chị Xê và gia đình đang làm việc và sinh sống ở xã Hòa Khánh (TP.Buôn Ma Thuột). Dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng với sự quan tâm của các đoàn thể, chính quyền địa phương và Chương trình “Nghĩa tình Trường Sơn” nên chị cảm thấy lòng mình ấm hơn, bởi bên cạnh luôn có đồng đội, đồng chí tương thân tương ái.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc