Multimedia Đọc Báo in

KỶ NIỆM 40 NĂM CHIẾN THẮNG “HÀ HỘI – ĐIỆN BIÊN PHỦ TRÊN KHÔNG”

Hào khí Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội 12 ngày đêm lịch sử

00:20, 10/02/2013

Với ý chí, tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, quân dân Thủ đô Hà Nội đã sẵn sàng, bình tĩnh, tự tin quyết chiến đấu và chiến thắng, phát huy sức mạnh thế trận phòng không nhân dân, cùng với các lực lượng phòng không, không quân làm nên một “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, đập tan cuộc tập kích chiến lược đường không của đế quốc Mỹ.

Thế trận rộng khắp

Từ tháng 6-1972, Bộ Tư lệnh Thủ đô thành lập 8 đại đội tự vệ tập trung thoát ly sản xuất. Trong nội thành, mỗi khu phố tổ chức 1 đại đội pháo phòng không 100 mm gồm 5 khẩu đội với quân số 50 người để tăng cường hỏa lực bắn máy bay địch. Cán bộ, chiến sĩ các đơn vị phần lớn là công nhân của nhiều xí nghiệp được tập trung lại. Riêng xí nghiệp đóng xe ca Hà Nội đảm nhiệm tổ chức đại đội của khu Ba Đình. Ở ngoại thành, mỗi huyện tổ chức 1 đại đội bộ binh tập trung, trang bị đủ súng đạn, làm nhiệm vụ cơ động chiến đấu trên địa bàn huyện. Hệ thống trận địa bắn máy bay bay thấp của dân quân, tự vệ được tổ chức thành 62 trận địa trực chiến, bố trí sát mục tiêu bảo vệ. Trong nội thành, các cơ quan, xí nghiệp có từ 70 tự vệ trở lên tổ chức các đơn vị chiến đấu trang bị súng máy cao xạ cơ động đánh địch nhưng không hoàn toàn thoát ly sản xuất; dưới 70 tự vệ được trang bị súng bộ binh làm nhiệm vụ chiến đấu tại chỗ và là lực lượng xung kích trong khắc phục hậu quả bom, đạn địch. Ở ngoại thành, dân quân, du kích mỗi thôn xã đều chia thành ba lực lượng gồm: lực lượng chiến đấu cơ động được trang bị súng máy cao xạ; lực lượng chiến đấu tại chỗ được trang bị súng bộ binh và lực lượng phục vụ chiến đấu. Ngoài ra còn tổ chức 414 trạm quan sát, 36 đài quan sát, 95 cơ sở thông tin điện thoại.

Sau khi ổn định biên chế, tổ chức và tập trung huấn luyện cấp tốc, từ ngày 25-8-1972, bốn đại đội pháo 100 mm của 4 khu phố nội thành lần lượt ra trực chiến, trận địa bố trí ở khu vực tiếp giáp giữa nội thành và ngoại thành, đặt dưới sự chỉ huy thống nhất của Sư đoàn Phòng không 361.

19 giờ 25 phút ngày 18-12-1972, chiến dịch phòng không của quân dân ta chống lại cuộc tập kích đường không chiến lược của Mỹ bắt đầu. Tham gia chiến dịch phòng không gồm có: 6 trung đoàn tên lửa; 14 trung đoàn và 8 tiểu đoàn cao xạ; toàn bộ Binh chủng Không quân gồm 3 trung đoàn không quân tiêm kích; Binh chủng Ra – đa gồm 4 trung đoàn, 1 tiểu đoàn; riêng lực lượng bảo vệ Hà Nội gồm: Sư đoàn 361 (3 trung đoàn tên lửa, 6 trung đoàn cao xạ), các đơn vị không quân, binh chủng Ra-đa, một số tàu hải quân và 356 trận địa phòng không của dân quân tự vệ trang bị súng trung liên, đại liên và pháo phòng không 100 mm. Dân quân tự vệ Thủ đô tham gia chiến dịch có 4 đại đội pháo  100 mm (20 khẩu), 192 trận địa với 721 khẩu súng máy phòng không 14,5 mm, 12,7 mm và trên 40.000 dân quân tự vệ trang bị súng trường, tiểu liên, súng cối sẵn sàng cơ động đánh địch đổ bộ đường không, truy bắt giặc lái. Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bom đạn địch gây ra, thành phố đã vận động và tổ chức cho 55 vạn người sơ tán khỏi thành phố, đào hàng vạn hố cá nhân, hàng trăm hầm tập thể, hơn 10.000 km giao thông hào. Tuy vũ khí trang bị thô sơ, lực lượng không nhiều nhưng được bố trí hợp lý, đồng thời làm tốt công tác phòng không nhân dân nên đã tạo thành thế trận phòng không rộng khắp nhiều tầng, nhiều lớp, lưới lửa dày đặc, có thể đánh địch từ nhiều hướng, nhiều tầm cao khác nhau, làm hạn chế ưu thế tính năng, tác dụng của trang bị, phương tiện chiến tranh hiện đại của không quân Mỹ, vô hiệu hóa nhiều thủ đoạn thâm độc, tinh vi, xảo quyệt của chúng.

Câu trả lời cho “huyền thoại sức mạnh không lực Hoa Kỳ”

Bước vào chiến đấu, thế trận phòng không của quân dân Thủ đô Hà Nội tiếp tục được củng cố, hoàn thiện và đã phát huy ưu thế làm tiêu tan “huyền thoại sức mạnh không lực Hoa Kỳ”. Dưới sự chỉ huy thống nhất tập trung từ Bộ Tổng tham mưu, trực tiếp từ Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân, các đơn vị phòng không, không quân, các đơn vị trực chiến của dân quân, tự vệ đã chiến đấu mưu trí, kiên cường tiêu diệt các loại máy bay chiến lược chiến thuật của Mỹ. Ngày đầu tiên (18-12) bắn rơi 3 pháo đài bay B52 trong đó 2 chiếc rơi tại chỗ. Ba ngày tiếp theo, quân dân ta đã tiêu diệt 23 máy bay, trong đó có 9 B52, 7 chiếc rơi tại chỗ.

Trong quá trình chiến đấu, lực lượng vũ trang Thủ đô luôn luôn thể hiện rõ sự thông minh mưu trí, tinh thần dũng cảm, ý chí kiên cường, kịp thời điều chỉnh thế trận tạo thành lưới lửa phòng không tầm thấp không cho địch tự do đánh phá các mục tiêu, buộc chúng phải nâng độ cao, tạo điều kiện cho bộ đội tên lửa và không quân phát huy ưu thế tiêu diệt máy bay địch, đồng thời trực tiếp bắn cháy máy bay hiện đại của không quân Mỹ, làm thất bại âm mưu thủ đoạn thâm độc, xảo quyệt của kẻ thù.

Để gây căng thẳng thường xuyên cho nhân dân ta, địch dùng thủ đoạn cho máy bay F111 hoạt động ở độ cao thấp và rất thấp, liên tục đột nhập vùng trời Hà Nội đánh phá các mục tiêu.

Trước tình thế đó, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã kịp thời điều chỉnh lực lượng và triển khai đội hình, trận địa hợp lý: tổ chức và trực tiếp chỉ huy một đại đội tự vệ với 5 súng máy cao xạ 14.5 mm gồm 3 trung đội tự vệ Nhà máy gỗ Hà Nội, Nhà máy cơ khí Mai Động và Nhà máy cơ khí Lương Yên. Đại đội có nhiệm vụ bắn máy bay bay thấp, chủ yếu là F111, bảo vệ nhà máy và các mục tiêu cảng Sông Hồng, Bệnh viện Việt – Xô, Viện quân y 108. Sáng ngày 22-12, đại đội cơ động đến trận địa Vân Đồn, bố trí chiến đấu nhằm phục kích, đón lõng đường bay đột nhập của máy bay địch. Công tác chuẩn bị chiến đấu của đại đội xong trước 16 giờ. Vào 20 giờ, đại đội nhận lệnh vào cấp 1, toàn đại đội vào vị trí chiến đấu. 20 giờ 18 phút, các khẩu đội bắt mục tiêu đồng loạt nổ súng, máy bay địch trúng đạn bốc cháy rơi xuống Lương Sơn, Hòa Bình. Chiến công này góp phần quan trọng tăng thêm niềm tin vào chiến thắng, cổ vũ, động viên tinh thần, ý chí chiến đấu của quân dân Thủ đô. Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí lãnh đạo thành phố, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã đến tận trận địa động viên, khen ngợi cán bộ, chiến sĩ đại đội tự vệ.

Từ ngày 25-12, địch thực hiện thủ đoạn mới: ban ngày dùng máy bay chiến thuật đánh phá ác liệt các trận địa phòng không và sân bay của ta, ban đêm chúng huy động lực lượng lớn máy bay B52 và máy bay chiến thuật, đồng thời, thay đổi thời gian đánh phá các mục tiêu ở cả Hà Nội, Hải Phòng và Thái Nguyên.

Đối phó với sự thay đổi chiến thuật của không quân Mỹ và rút kinh nghiệm chiến đấu, Bộ Tư lệnh Thủ đô tổ chức lại thành 23 trận địa tập trung, bố trí thành từng cụm phục kích đón lõng các đường bay của địch, 4 đại đội pháo 100 mm được bổ sung thêm đạn. Nhờ đó, hiệu quả chiến đấu của quân dân ta ngày càng cao. Trong đêm 26 và ngày 27-12, các lực lượng bảo vệ Thủ đô Hà Nội bắn rơi 5 chiếc B52 và 1 chiếc F4. Đêm ngày 27 và đêm ngày 28-12, quân dân ta bắn rơi 7 máy bay B52, riêng đêm ngày 27 bắn rơi 4 chiếc, 2 chiếc rơi tại chỗ, trong đó 1 chiếc chưa kịp cắt bom đã trúng đạn và rơi xuống Ngọc Hà, chỉ cách Quảng trường Ba Đình 500 m. Đêm ngày 29-12, Tiểu đoàn 79, Sư đoàn phòng không Hà Nội bắn rơi 1 chiếc B52 - chiếc cuối cùng trong chiến dịch “Lai – nơ- bếch – cơ II”.

Tâm thế

Vượt lên gian nguy, thử thách, sự tàn phá khốc liệt của mưa bom, bão  đạn, bộ đội phòng không, dân quân, tự vệ Thủ đô ngẩng cao đầu “nhằm thẳng quân thù mà bắn”, có những đồng chí bị thương nặng vẫn không rời trận địa. Để bảo đảm trực chiến, sẵn sàng tiêu diệt địch, hai chiến sĩ tự vệ pháo cao xạ 100 mm khu phố Đống Đa đã tổ chức đám cưới ngay tại trận địa. Những chiến sĩ quan sát trên các đài quan sát bố trí ở nóc nhà cao kiên quyết bám trụ, theo dõi sát tình hình, có những chiến sĩ dùng dây buộc mình vào thành sắt của đài quan sát để khỏi bị bật xuống đất, khi máy bay địch bổ nhào ném bom vào trận địa vẫn không rời vị trí, vẫn bình tĩnh đánh dấu từng khu vực ném bom, báo cáo về Sở Chỉ huy. Các cơ quan quân sự khu phố và huyện huy động lực lượng dân quân tự vệ, chủ động chi viện cho các đơn vị đang chiến đấu: tiếp đạn, cứu thương, đóng góp hơn 2 triệu ngày công xây đắp, sửa chữa trận địa, sân bay bị địch ném bom và làm đường cơ động cho các đơn vị phòng không. Dân quân tự vệ ở cơ sở địa phương tổ chức các tổ cứu thương, vận tải, cấp dưỡng để phục vụ bộ đội. Tự vệ các công ty cầu đường bám trụ các trục đường, phối hợp với các lực lượng khác thu dọn các chướng ngại, tháo gỡ, phá hủy 10.000 quả bom các loại để giải phóng mặt đường, bảo đảm giao thông thông suốt trong mọi tình huống. Nhân viên bưu điện ngày đêm thường trực bên đài, bên máy, bình tĩnh nối dây trong bom đạn, bảo đảm vững chắc thông tin liên lạc. Chiến sĩ tự vệ cứu thương các bệnh viện, trạm xá cứu chữa cho hàng nghìn người bị thương, bị nạn. Tuy đã trở thành chiến trường nóng bỏng, song quân dân Thủ đô vẫn hoàn thành nghĩa vụ của hậu phương lớn, hàng hóa chi viện cho chiến trường vẫn được vận chuyển theo kế hoạch, 6 tiểu đoàn quân tăng cường lần lượt hành quân vào Nam chiến đấu.

Với vị trí là cửa ngõ, áo giáp chở che, quân dân Hà Tây đã luôn sát cánh, chia lửa, phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với quân dân Thủ đô tạo thế trận liên hoàn hiểm hóc như thiên la địa võng vùi thây những “pháo đài bay”, “con ma”, “thần sấm”, “cánh cụp, cánh xòe”, không cho chúng tiếp cận các mục tiêu đánh phá trên địa bàn Thủ đô, góp phần làm tiêu tan huyền thoại sức mạnh không lực Hoa Kỳ.

Thắng lợi của quân dân Thủ đô là chiến công của hào khí Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội. Thắng lợi đó đã làm tỏa sáng và nâng giá trị văn hóa 1000 năm Thăng Long – Hà Nội lên tầm cao mới.

Đ.T  

(Dựa trên nguồn tài liệu của Thiếu tướng Phí Quốc Tuấn - 

Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.