Multimedia Đọc Báo in

Không thể nào quên một thời hào hùng

21:50, 29/04/2013

Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm, nhưng kỷ niệm về một thời hào hùng đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc vẫn còn in đậm trong ký ức của nhiều người. Họ - những người con đất Việt ấy, đã một thời không tiếc máu xương, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng. Hôm nay, khi đất nước đã độc lập, thanh bình gần 40 năm, họ kể lại những kỷ niệm đáng nhớ về một thời đấu tranh gian khó với niềm tự hào vô hạn…

Nữ “diễn viên” dân vận trong lòng địch

Ít ai biết, người con gái mảnh khảnh ấy là một nữ cán bộ cách mạng được ta cài cắm vào nội thành, gây dựng cơ sở cách mạng ngay trong lòng địch, hoạt động cho đến khi giải phóng hoàn toàn miền Nam. Bà là Nguyễn Thị Minh Trinh (SN 1934) vợ của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Dak Lak Huỳnh Văn Cần.

Đã bước sang tuổi 70, nhưng bà Trinh vẫn còn minh mẫn lắm. Bà vẫn nhớ như in, và hồ hởi kể về những tháng ngày hoạt động bí mật, đấu tranh ngay trong lòng địch. Bà kể: Cuối năm 1964, từ Hà Nội, bà được điều động vào Dak Lak làm cán bộ Ban Tổ chức Tỉnh ủy trực tiếp bám dân ở khu vực Khuê Ngọc Điền (Krông Bông). Vốn nhanh nhẹn, mưu trí, năm 1967, tổ chức đã cử bà vào hoạt động trong nội thành Buôn Ma Thuột, móc nối, tạo dựng cơ sở cách mạng chuẩn bị cho Tổng tấn công, nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968. Sau Mậu Thân, nhiều đơn vị của ta trong nội thành bị đánh bật ra ngoài, một số cơ sở cách mạng bị lộ, để đảm bảo an toàn bà Trinh được rút về căn cứ chờ thời cơ khác. Không lâu sau, Tỉnh ủy lại thành lập các đội công tác và đưa bà về tiếp tục bám dân ở vùng ven nội thành, xây dựng trở lại cơ sở cách mạng. Do chưa bị lộ, bà Trinh lại tiếp tục được đưa trở lại hoạt động, bám dân dọc vùng ven thành phố ở cánh đông.

Bà Trinh kể: thời kỳ này mới xảy ra biến cố 1968 nên địch hết sức cảnh giác, chúng thường xuyên đi càn, tìm bắt cơ sở cách mạng của ta. Các đội công tác chỉ bám vùng ven mà chưa tiến sâu được vào nội thành. Đây là thời kỳ hoạt động “ngày địch, đêm ta” hết sức gian nan và nguy hiểm. Ban ngày địch đi càn thì ta nằm im, đêm đến thì ta bí mật lẻn vào nội thị, tìm cách móc nối lại với các cơ sở cách mạng trước đây chưa bị lộ. Các tổ công tác bí mật tổ chức tuyên truyền về chủ trương, chính sách cho nhiều cơ sở mới, có khi ngay trong rẫy cà phê, rừng cao su, hay trong rừng. Ta chủ động gây dựng cơ sở ở những nơi mà địch bỏ, khiến chúng không ngờ tới. Một trong những số đó là cơ sở cách mạng buôn Phung (nay là trung tâm điều trị bệnh phong ở huyện Krông Ana). “Thời đó địch rất sợ bệnh phong, chúng không bao giờ lai vãng tới buôn này vì sợ lây. Nắm bắt tâm lý đó, tổ công tác của bà Trinh đã bám buôn, tổ chức nhiều đợt tuyên truyền đường lối chính sách, tổ chức khám chữa bệnh, cấp thuốc men, hướng dẫn bà con cách phòng bệnh. Vì vậy, buôn Phung trở thành cơ sở cách mạng tin cậy, và cực kỳ an toàn của ta. Bà con tại đây đều đi theo cách mạng, ra sức nuôi giấu cán bộ, cung cấp lương thực. Nhờ vậy, từ sau năm 1968 ta đã khôi phục, xây dựng lại được một hệ thống cơ sở cách mạng khu vực nội thành rộng khắp.

Năm 1975, khi đã gây dựng lại cơ sở trong nội thành vững chắc, một lần nữa tổ chức lại cử bà Trinh cải trang vào hoạt động hợp pháp trong nội thành, tổ chức nhiều đợt đấu tranh chính trị, binh vận, phát động quần chúng nổi dậy treo cờ cách mạng, khiến chúng hoàn toàn bất ngờ.

“Hoạt động trong lòng địch rất nguy hiểm, không cho phép mình sơ sẩy. Ngoài việc phải cải trang tốt, đòi hỏi phải xử lý mọi tình huống phải hết sức linh hoạt, chuẩn xác. Kể ra, thời đó tôi cũng không thua gì diễn viên là mấy” – bà Trinh cười hiền tâm sự.

Nữ quân y dũng cảm, khôn khéo đánh lừa quân địch

Cũng như bao cô gái, chàng trai khác người dân tộc Êđê sinh sống tại Tây Nguyên, những năm 1960, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, bà H’Đêm Niê (hiện là Cựu chiến binh, sống tại tổ liên gia 1, buôn Alê A, phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) đã hăng hái lên đường tham gia hoạt động cách mạng.

Mặc dù không trực tiếp cầm súng chiến đấu như các chiến sĩ ngoài mặt trận nhưng bằng khả năng, ý chí của mình, cô gái Êđê H’Đêm Niê đã trở thành nữ y tá và giữ chức vụ Bí thư Chi đoàn của đơn vị quân y hậu cần lưu động, luôn theo sát các đoàn quân cách mạng tại khu căn cứ Cư Ju (huyện Krông Bông bây giờ) để vận chuyển, cứu chữa cho các chiến sĩ quân giải phóng bị thương. Một kỷ niệm đáng ghi nhớ đã theo H’Đêm suốt cả chặng đường đời sau này, đó là lần bà được giao nhiệm vụ tiếp nhận, cứu chữa khẩn cấp cho một thương binh bị địch bắn vào bụng, đang trong tình trạng mất nhiều máu. Bà H’Đêm kể: “Lúc đó tôi vẫn đang chăm sóc cho 2 chiến sĩ bị thương khác tại nhà của một hộ dân. Trong khi dụng cụ cứu thương và thuốc men quân y vừa hết, chưa kịp đến đơn vị lấy về thì bất ngờ bị quân địch kéo đến nhà kiểm tra, truy xét gắt gao do chúng phát hiện vết máu đọng lại trên bụi cây gần nhà. Trước tình huống “ngàn cân treo sợi tóc”, tôi đã nhanh trí lấy dao tự cứa mạnh vào cổ tay mình cho chảy nhiều máu, đồng thời xé vải áo để quấn lên vết thương nhằm đánh lừa quân địch, rằng vết máu trên đất kia là của mình do đi làm rẫy không cẩn thận bị chặt vào tay. Mấy tên lính ngụy không dễ bị mắc lừa, chúng giả bộ tin và chỉ kiểm tra qua loa khi không phát hiện điều gì lạ và kéo nhau ra về. Đi được một quãng chúng quay lại núp ở phía xa để rình mọi hoạt động trong nhà. Linh tính mách bảo tôi không nên chủ quan. Tôi làm như không biết và vẫn dọn dẹp nhà cửa như ngày thường, nấu cơm nước xong liền vác dao vào rừng tìm cây thuốc để cầm máu, trị vết thương cho các chiến sĩ đang giấu trong nhà. Khi ra khỏi nhà, tôi thoáng thấy một trong số mấy tên lính ngụy lúc trước đến kiểm tra đang lai vãng gần đó nhưng chúng vẫn để tôi đi và lén theo dõi xem tôi đi đâu, liên lạc với ai. Sau khi tìm được cây thuốc cầm máu và trị vết thương tôi liền nhai nát một ít để đắp vào vết thương trên tay mình, phần còn lại tôi quấn bên ngoài lớp vải che vết thương để đem về. Khi về đến gần nhà thì bất ngờ bị mấy tên lính ngụy chặn đường kiểm tra xem tôi có mang thứ gì khác về không, sau khi không phát hiện điều gì bất thường thì chúng mới yên tâm bỏ đi. Số lá thuốc tôi mang về đã kịp thời điều trị vết thương cho các chiến sĩ bị thương, nhất là cứu sống được người lính bị thương nặng đang trong tình thế nguy kịch”.

Vững tay lái trên dọc dải Trường Sơn khói lửa

Kể về những ngày tháng hào hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Nguyễn Đăng Quý (SN 1953), Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Tân Lợi (TP. Buôn Ma Thuột) không thể nào quên hình ảnh từng đoàn xe vận tải băng rừng lội suối từ miền Bắc hùng dũng tiến vào chi viện miền Nam dưới mưa bom bão đạn của quân thù.

Như được sống lại với những thời khắc lịch sử năm xưa, ông Quý bồi hồi kể lại: “Đầu năm 1972, tôi tham gia bộ đội và được phân công tham gia vào Đoàn 59, thuộc đơn vị vận tải Bộ Tư lệnh Quân khu V. Chỉ sau mấy ngày huấn luyện, tôi được giao nhiệm vụ vận chuyển thuốc nổ, đạn dược, khí tài, quân tư trang từ Lạng Sơn vào chi viện các tỉnh trung Trung bộ và Tây Nguyên. Thời ấy, trên dọc dải Trường Sơn Đông và Trường Sơn Tây, Mỹ ngụy cho máy bay liên tục quần đảo, ném bom đánh chặn đoàn quân tiếp viện của ta từ Bắc vào chiến trường miền Nam. Khi ấy, gọi là đường Trường Sơn nhưng chỉ toàn rừng với suối. Xe tiếp viện của quân ta phải vất vả lắm mới “bò” được từng chặng một. Đã vậy, máy bay của địch liên tục tuần tiễu trên đầu và sẵn sàng dội bom bất kể lúc nào nên thời ấy chuyện sống – chết chỉ nằm trong gang tấc. Mặc dù biết rằng khó khăn gian khổ và hiểm nguy cận kề nhưng anh em không hề nao núng mà trái lại còn quyết tâm cao hơn với nhiệm vụ được giao. Đoàn xe của chúng tôi khi ấy luôn sắt son một lời thề trong tim là: Danh dự lớn nhất của người lính là phải tham gia đấu tranh cho đến ngày giải phóng mới về, hoặc là sẽ hy sinh cho Tổ quốc”.

Tâm nguyện “hy sinh cho Tổ quốc” ấy đã được ông Quý cùng các đồng đội của mình thể hiện qua những chuyến hàng không mệt mỏi từ Lạng Sơn vào tiếp tế cho Tây Nguyên. Ông Quý kể: Có những chuyến hàng, khi đang luồn rừng vào Nam thì bị địch phát hiện, bắn hỏa điểm báo hiệu. Ngay lập tức địch điều động hàng chục chiếc máy bay lượn tới ném bom dữ dội. Trước tình thế nguy cấp đó, đại đội xe của ông quyết định cử chiếc xe đi đầu tiên chấp nhận hy sinh bật đèn pha tiến lên phía trước để… làm mồi nhử địch, cứu cả đoàn xe hàng đang mắc kẹt trong tầm ngắm của địch… Cứ như vậy, ông Quý cùng đồng đội luôn vững vàng tay lái trên dọc dải Trường Sơn vận chuyển hàng hóa, âm thầm lặng lẽ góp sức mình vào ngày toàn thắng của cách mạng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tự hào vì được góp sức vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông Quý càng tự hào hơn vì cũng trong giai đoạn lịch sử hào hùng ấy, ông vinh dự được chọn để chở gỗ quý từ miền Nam ra xây Lăng Bác. Ông nhớ lại: Vào tháng 4-1974, theo yêu cầu của Trung ương, ông là một trong 40 người lái xe giỏi được tuyển chọn từ 6 tiểu đoàn vận tải để chở gỗ quý từ miền Trung ra xây Lăng Bác. Vinh dự và tự hào lắm, nhưng trách nhiệm cũng rất nặng nề. Bởi chuyến xe này mang ý nghĩa rất đặc biệt, là tình cảm của quân giải phóng miền Nam và nhân dân 9 tỉnh trung Trung bộ, Tây Nguyên gửi về với Bác… nên anh em chúng tôi lo lắm. Chở thế nào cho an toàn tuyệt đối… Cũng may trên đường đi không gặp bất trắc gì nên đoàn chúng tôi về tới Ba Đình chỉ sau đúng 1 tháng hành quân. “Giờ nhớ lại chuyến đi lịch sử ấy, tôi vẫn còn cảm thấy vô cùng sung sướng và tự hào vì đã được góp phần công sức nhỏ bé của mình “chở” tình cảm của quân và dân miền Nam ra với Bác – vị lãnh tụ kính yêu của cách mạng Việt Nam!” – ông Quý bồi hồi tâm sự.

Người lính đặc công và những trận đánh không thể nào quên

Gần 40 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ký ức về những trận đánh trên chiến trường Tây Nguyên ngày ấy có lẽ không bao giờ phai trong tâm trí của người lính đặc công Lê Hải Nam (SN 1949), quê ở Bình Lục, Hà Nam. Năm 1969, khi vừa tròn 20 tuổi ông nhập ngũ và được biên chế vào đơn vị đặc công của đại đội 4, tiểu đoàn 8, sư đoàn 320. Đơn vị ông sau đó được tăng cường vào Nam chiến đấu.

Ông Nam kể: tháng 9-1970, ông cùng đơn vị hành quân vào đến quân khu 5 thì nhận được lệnh của trên điều 100 chiến sĩ tiểu đoàn 8 vào chiến đấu tại Dak Lak, trong đó có ông. Khi đến được Dak Lak, đơn vị chỉ còn 99 người, một đồng đội của ông đã hy sinh trên đường hành quân. 99 người sau đó được biên chế vào 3 đại đội thuộc Tiểu đoàn 401, đặc công Dak Lak.

Vừa đặt chân lên đất Dak Lak, tháng 12-1970, ông Nam cùng đơn vị đã có trận đánh đầu tiên, chặn đánh địch càn quét từ đồi Cư Kúc (huyện Ea Kar) về khu căn cứ H9 (Krông Bông bây giờ). Theo chỉ đạo của cấp trên, đại đội ông phân công 2 tổ gồm 6 đồng chí phục kích chặn đánh địch ngay trên đường hành quân không cho chúng tiến sâu vào khu căn cứ.  2 tổ của ông Nam đã bí mật phục kích hai bên đường thuộc khu vực xã Cư Drăm, lực lượng địch vừa đến đây đã bị các chiến sĩ đặc công chặn đánh. Quá bất ngờ, địch không kịp chống trả, 8 tên địch bị tiêu diệt tại chỗ, ta thu được 8 khẩu súng. Trận đánh làm cho địch khiếp sợ vội vàng rút quân, căn cứ cách mạng H9 vì thế được an toàn.

Trận đánh khó quên nhất đối với ông Nam đó là trận chiếm đồi Cư M’gar. Ông Nam kể: cuối năm 1972, khi đang đóng quân tại căn cứ H9, ông cùng đơn vị nhận được lệnh hành quân về đánh đồi Cư M’gar. Đây là một cứ điểm quan trọng của địch, được bố trí pháo hạng nặng, cài mìn bảo vệ nghiêm ngặt nhiều lớp. Trên đồi cao đặt một khẩu pháo 105 ly, từ cao điểm này, địch có thể dội pháo về khống chế xã Hòa Thuận (TP. Buôn Ma Thuột) chặn đường tiến của quân ta từ hướng Bắc. Để nắm bắt tình hình, 2 tổ đặc công đã được điều động bí mật vào nắm địa hình và biết được quanh chân đồi địch cài rất nhiều mìn bảo vệ. Chúng còn bố trí  nhiều cạm bẫy, chặt cả cây rừng treo lên cao, chỉ chờ khi quân ta vào sẽ lập tức chặt dây cho gỗ lao xuống đè người. Nắm được tình hình, địa thế, 2 tổ đặc công của ông Nam đã báo cáo về cấp trên để lên kế hoạch tác chiến. Vì tính chất quan trọng, trong trận đánh này, trên đã quyết định điều tiểu đoàn trưởng xuống trực tiếp chỉ huy đại đội, riêng ông Nam là tiểu đội trưởng được điều xuống làm chiến sĩ. Sau khi lên kế hoạch tiêu diệt cứ điểm đồi Cư M’gar, quân của ta từ căn cứ H9 bí mật hành quân đi vòng qua huyện Cư Jút sang huyện Buôn Đôn rồi tiến dần áp sát cứ điểm của địch. Trong đêm tối, một tổ đặc công của ông Nam đã ngụy trang, đột nhập vào bên trong bắt được một tên lính gác, lấy quần áo mặc vào giả làm quân địch, và đã bí mật đặt 4 quả mìn phá hủy khẩu pháo 105 ly. Theo quy định từ trước, khi lực lượng đặc công cho nổ mìn phá hủy khẩu pháo, đó cũng là hiệu lệnh để quân ta đồng loạt tấn công. Trận đánh bắt đầu từ lúc hơn 1 giờ, đến khoảng 2 giờ sáng thì ta đã hoàn toàn làm chủ cứ điểm này, phá hủy khẩu pháo 105 ly của địch, thu hàng chục khẩu súng. Đánh xong, quân ta nhanh chóng rút về căn cứ, khi địch nhận được tin báo cứ điểm đồi Cư M’gar bị tấn công đã điều động 6 xe thiết giáp cùng bộ binh đến tiếp viện, bao vây đánh chiếm lại , tuy nhiên quân ta đã rút êm. Nói về trận đánh đồi Cư M’gar, ông Nam tự hào, đó là một trận đánh rất nhanh, gọn của quân ta, thể hiện khả năng hợp đồng tác chiến ăn ý giữa các đơn vị, trong đó có công không nhỏ của lực lượng đặc công. Ngoài những trận đánh trên, ông Nam cùng đơn vị còn tiếp tục tham gia đánh nhiều trận khác như trận Cheo Reo - Phú Bổn, Buôn Hồ, đánh địch ở đèo Phượng Hoàng…

Năm 1973, khi ông cùng đơn vị đang chuẩn bị chiến dịch đánh Buôn Hồ thì nhận được lệnh từ cấp trên điều ông về làm cảnh vệ cho đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Văn Cần. Thời kỳ này dù không trực tiếp tham gia các chiến dịch, nhưng ông luôn dõi theo, nắm bắt mọi diễn biến trên chiến trường và rất vui mừng mỗi khi nhận tin thắng trận báo về từ các chiến trường. Miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông lập gia đình, về sống tại thôn Kiên Cường, xã Hòa Thuận (TP. Buôn Ma Thuột), làm người lính giữa đời thường.

Mưu trí, dũng cảm tiêu diệt tên tay sai đầu sỏ

Để chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân 1968, ông Nguyễn Xuân Lạn (hiện sống tại khối 9, phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) được đơn vị điều động từ miền Bắc vào chiến trường Buôn Ma Thuột tham gia biệt động thành trong đơn vị K1, trực tiếp tham gia hoạt động trong lòng địch. Với phương châm bí mật, mưu trí của những người lính biệt động, ông cùng đồng đội đã tiêu diệt nhiều tên ác ôn đầu sỏ, chỉ điểm của địch để tạo điều kiện cho các đơn vị bộ đội khác hoạt động.

Với ông Lạn, kỷ niệm mà ông không thể nào quên, đó là lần trực tiếp nhận nhiệm vụ tiêu diệt tên chỉ huy người Mỹ có biệt danh tiếng Việt là Tư Điền - tình báo CIA Mỹ hoạt động tại Dak Lak. Đây là một trong những tên chỉ huy có uy quyền và giỏi nhất của quân đội Mỹ lúc bấy giờ, sự tàn ác của hắn là không thể nào kể xiết. Nhiều đồng chí của ta không may lọt vào tay hắn đã bị hành hạ, tra tấn dã man cho đến chết. Có lẽ vì thế mà ngay cả những tên lính dưới quyền hắn cũng truyền tai nhau rằng: “Ngày nào Tư Điền không giết người là hắn ăn không ngon ngủ không yên”.

Ông Lạn kể: “Sau quá trình theo dõi, nắm bắt được tình hình, cấp trên đã giao nhiệm vụ cho tôi trực tiếp tiêu diệt tên ác ôn này, thông qua mật khẩu ngắn gọn ghi trên giấy: “Chỉ lãi không được lỗ - Khó khăn lắm thì hòa”. Điều này cũng khẳng định rõ cấp trên đã tin và giao trọng trách này cho tôi và yêu cầu phải hoàn thành, không được lùi bước, nếu đến bước đường cùng chấp nhận hy sinh chứ không để lọt vào tay địch. Sau khi được một đồng chí cùng đơn vị có mật hiệu là Kim Sơn theo dõi và báo tình hình cho tôi là đối tượng cần tiêu diệt hiện đang ngồi tại quán lẩu dê trước cổng cơ sở Ấp Tư của địch (ngã ba đường Hoàng Diệu giao với Phan Chu Trinh, TP. Buôn Ma Thuột ngày nay) với đặc điểm nhận dạng rõ ràng. Bằng nghiệp vụ sắc bén của mình, tôi nhanh chóng thay đổi trang phục, ăn mặc bảnh bao với áo quần màu xanh sơ-vin, tóc chải óng mượt đóng giả là một sinh viên, đi xe máy đến quán ăn lẩu dê nói trên. Như một người bình thường, tôi bước vào quán tìm chỗ ngồi nhưng thực ra là để quan sát và xác định đối tượng đang ngồi ở đâu. Sau khi nhận dạng được tên Tư Điền và 2 tên lính đang ngồi ăn, tôi cũng chọn cho mình một chỗ thuận lợi rồi gọi một tô cháo dê để đối tượng không cảm thấy nghi ngờ về vị khách mới đến. Chờ một lúc, sau khi đối tượng và đồng bọn cúi xuống ăn tiếp tôi nhẹ nhàng đi lại gần rút súng giấu sẵn trong người bắn vào đầu tên Tư Điền chết tại chỗ, còn hai tên lính đi cùng sợ hãi chui vào gầm bàn trốn. Tiêu diệt xong mục tiêu tôi nhanh chóng rút ra, ngồi lên xe nổ máy chạy đi như không có chuyện gì xảy ra. Hai tên lính cũng lấy xe đuổi theo nhưng chạy được một quãng tôi đã đánh lạc hướng được bọn chúng và trở về đơn vị an toàn, thay quần áo và dạo bộ ra ngồi ở quán nước vỉa hè như những ngày bình thường để không ai hoài nghi về mình.

Những trận đánh “không tốn một viên đạn”

Chúng tôi có may mắn gặp được ông Trịnh Ngọc Bổ (SN 1948), từng công tác trong Ban Binh vận tỉnh, nghe ông kể về những trận đánh “không tốn một viên đạn” mà vẫn khiến địch đầu hàng…

Năm 1965, ông Bổ được phân công về hoạt động tại Ban Binh vận tỉnh. Thời kỳ này, ông làm nhiệm vụ binh vận tại các trại tù binh của ta ở các khu căn cứ H4, H5, H6. Sau đó, chuyển lên hoạt động ở các đội công tác phía trước tại H 11 (vùng căn cứ ven Buôn Ma Thuột) dọc đồn điền 47, 48, 49 về đến km62 trên tuyến Quốc lộ 21.

Giai đoạn từ năm 1972 trở đi là thời kỳ các bên cùng tham gia đàm phán Hiệp định Paris, cũng là thời kỳ tranh chấp căng thẳng giữa ta và địch. Ta chủ động lấy đấu tranh chính trị, binh vận làm trọng tâm. Các tổ công tác binh địch vận của tỉnh hoạt động không ngơi nghỉ và và gặp nhiều nguy hiểm nhất. Cũng trong thời kỳ này, các tổ công tác binh vận đã có những “trận đánh” để đời.

Ông Bổ kể, vào tháng 2-1975, một tổ công tác của ông gồm 5 người phối hợp với bộ đội chủ lực về đánh ấp địch ở buôn Krông Pak – xã Ea Kly (Krông Pak). Đây là ấp cửa ngõ, trấn giữ khu vực đồn điền 47, 48, trên quốc lộ 21, và được địch trang bị vũ khí hiện đại. Đặc biệt, tên ấp trưởng nơi đây hết sức cứng đầu. Cấp trên chỉ đạo cần phải làm chủ được ấp này, để tạo tiền đề cho việc giải phóng Phước An, tiến lên giải phóng Buôn Ma Thuột. Từ chiều tối 14-2, tổ công tác của ông Bổ áp sát ấp địch. Bản thân ông Bổ trực tiếp mang loa phóng thanh treo lên hàng rào ấp chiến lược rồi mở loa kêu gọi binh lính địch bỏ súng đầu hàng cách mạng. Tiếng loa vừa cất lên lần thứ nhất, địch từ bên trong nổ súng bắn thủng loa. Không nao núng, ông Bổ tiếp tục cầm loa dự phòng thứ 2 leo lên tường rào mắc lại và tiếp tục kêu gọi, đến lần thứ 3 thì bên trong ấp im bặt, không có tiếng súng bắn ra nữa. Nhận định địch đã lung lay, lực lượng binh vận của ta tiếp tục áp đảo về tinh thần, yêu cầu binh lính địch lập tức đốt một đống lửa to để soi sáng, các binh lính cầm đuốc trên tay, chúc mũi súng xuống đất. Thấy địch làm theo yêu cầu, quân giải phóng đã nhanh chóng ập vào bắt gọn 8 tên, gồm ấp trưởng, ấp phó, các trung đội, liên trung đội của địch và thu giữ 51 súng các loại và 1 máy bộ đàm, giải phóng toàn bộ ấp đúng vào rạng sáng ngày 14-2.

Nói về chiến thắng này, ông Bổ chia sẻ: Ta giành được chiến thắng nhanh, không mất mát về người đó là nhờ tổ công tác đã biết nắm cơ sở, xây dựng cơ sở từ bên trong lòng địch. Trước khi quyết định đánh ấp, tổ công tác binh vận đã liên tục rải truyền đơn vào bên trong, tuyên truyền chủ trương chính sách, đường lối đúng đắn của ta, kêu gọi địch đầu hàng. Từ những lần rải truyền đơn này, ta đã xây dựng được những “cơ sở ngầm” bên trong lòng địch, nhiều binh lính ngụy dù chưa hoàn toàn theo cách mạng nhưng không có ý chống lại. Khi thấy thời cơ chín muồi thì quyết định hành động.

Đối với người làm công tác đấu tranh binh vận, có nhiều trận đánh giành chiến thắng không tốn một viên đạn, nhưng cũng có nhiều trận đánh lực lượng binh vận đã phải đổ máu, hy sinh không ít. Ông Bổ kể lại kỷ niệm những lần thoát chết may mắn trên đường đi công tác. Đó là lần ông cùng tổ tiến đánh đồi Cư Kúc (Ea Kar), khi cả đội đang bí mật bò sâu vào căn cứ địch, bất ngờ chân ông dẫm phải một quả mìn, chỉ cần giơ chân lên, quả mìn sẽ nổ ông và các đồng đội sẽ mất mạng. Biết dẫm phải mìn, nhưng ông không hề nao núng mà rất bình tĩnh, giữ yên và kêu gọi đồng đội đến hỗ trợ tháo gỡ. Lần đó cả đội an toàn, nhưng được một phen hú vía. Lần khác, khi đang trên đường về khu vực xã Ea Phê, ông cùng đồng đội bị địch phục kích, nhiều đồng đội ông bị hy sinh, bản thân ông trúng đạn bị thương nặng. Đồng đội đã phải cõng ông vượt hơn 2 giờ đường rừng mới đưa ra được nơi tập kết, cứu chữa.

Ông Bổ chia sẻ, người làm binh vận cũng như người lính đi ra chiến trường, có thể hy sinh bất cứ lúc nào. Sau mỗi trận đánh, chỉ khi về đến căn cứ an toàn mới biết mình còn sống. “Người lính ra chiến trường thì có súng, chúng tôi làm binh vận thì xem loa là vũ khí, luôn mang theo bên mình. Sau mỗi lần đi công tác về đều phải sửa chữa, lau chùi, cất giữ rất cẩn thận, yêu loa như vợ, như con” – ông Bổ cười chia sẻ.

Ký ức của người nữ giao liên 12 tuổi

12 tuổi bà đã giác ngộ cách mạng, được tổ chức phân công làm giao liên, lo đưa, nhận thư từ căn cứ vào nội thành. Tuổi nhỏ nhưng bà đã nhiều lần mưu trí thoát được sự kiểm tra phát hiện của địch, và chưa một lần để lộ bí mật hay lọt  tài liệu vào tay kẻ địch. Đó là nữ giao liên Nguyễn Thị Miên (SN 1958), đang sinh sống tại thôn 1 (còn gọi thôn căn cứ cách mạng Kiên Cường) xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột.


Bà Miên kể về cơ duyên trở thành giao liên của mình: Thời đó, thôn Kiên Cường là căn cứ cách mạng, mẹ bà là một đảng viên và là bí thư chi bộ thôn. Nhà nằm sát ngay bìa rừng, là nơi cán bộ cách mạng thường xuyên lui tới bàn việc. Ba mất sớm, nhà có 3 mẹ con, mẹ vì nhiệm vụ cách mạng nên thường đi vắng, Miên là con gái đầu, nên đã sớm phải cáng đáng việc nhà, chăm em. Khi mới 10 tuổi, mồi lần nhà có cán bộ cách mạng về họp hành, bàn chuyện, cô bé Miên thường được mẹ, các cô, chú giao nhiệm vụ phải đứng ngoài canh gác. Lúc thì chăn bò quanh nhà, khi thì giặt đồ, múc nước, vừa làm việc nhưng Miên luôn để mắt cảnh giới xung quanh; nhờ nhiều lần kịp thời phát hiện nguy hiểm báo cho mọi người, Miên được tổ chức khen ngợi.  Năm 1970, khi tròn 12 tuổi, Miên được kết nạp vào tổ chức, nhận nhiệm vụ làm giao liên đưa thư từ, tài liệu mật từ căn cứ vào nội thành và nhận từ nội thành về.

Lần đầu tiên nhận nhiệm vụ đi bắt liên lạc với cơ sở nội thành, Miên đã không để xảy ra sơ suất nào. Sau khi lên khu vực Ngã Sáu, gặp “người của ta” trao đổi mật hiệu để nhận biết cơ sở, Miên trở về an toàn. Sau khi biết nơi cất giấu hòm thư, cứ khoảng 1 tuần, có khi 1 tháng, tổ chức lại giao tài liệu để Miên đưa đi. Từ căn cứ về nội thành, Miên chỉ đi về trong ngày mà không để lại nghi ngờ gì.

Bà Miên kể, nhiều lần đi làm nhiệm vụ gặp tình huống nguy hiểm, nhưng nhờ nhanh trí nên bà đều thoát. Đó là vào một buổi chiều, bà được tổ chức giao tài liệu. Cất giấu vào người cẩn thận, Miên đi bộ ra đường cái để bắt xe về nội thành như mọi ngày thì đụng ngay một toán lính địch trên đường tuần tra. Chúng giữ lại hỏi: “Muộn rồi, giờ này còn đi đâu?”. Bị giữ lại bất ngờ, trong người lại có tài liệu của tổ chức, nhưng bà không hề run sợ mà nhanh nhảu trả lời: “Cháu lên phố đi chơi thăm người bà con, ngày mai cháu về”. Thấy cô bé nhỏ thó, đen nhẻm trả lời hồn nhiền, tốp lính địch không mảy may nghi ngờ mà để cho Miên đi. Lần khác, Miên đi đưa và nhận tài liệu ở hòm thư trong nhà thờ lớn, hôm đó trúng ngày cuối tuần nhà thờ có lễ, Miên đi muộn, đến nơi thì mọi người đã vào làm lễ, ngoài cổng cảnh sát bảo vệ nghiêm ngặt. Miên bình tĩnh chờ đợi cho đến khi tan lễ, cảnh sát giải tán mới vào lấy tài liệu. Lần đó, Miên đã về đến nhà muộn. Một lần khác, bà đi đưa tài liệu tại khu vực sân vận động, tại đây có tổ chức chiếu bóng, người đi xem đông nên rất dễ để giao, nhận tài liệu nhưng cũng rất dễ bị người khác để ý. Không dám chủ quan, Miên giả vờ làm người đi xem phim, quan sát xung quanh thấy an toàn, không ai để ý mới bí mật bỏ tài liệu vào hòm thư, và lấy tài liệu giấu vào người rồi ung dung ra về.

Cũng có lần, việc đưa nhận tài liệu của Miên đã không thành công. Đó là lần tổ chức thay đổi hòm thư, thay đổi người nhận, Miên vào nội thành “bắt” được cơ sở mới vào buổi chiều tối. Sau khi trao đổi mật hiệu, Miên được  cơ sở nội thành chở bằng xe du lịch đi vòng vòng quanh phố, sau đó dừng trước một ngôi nhà chỉ đây là hòm thư mới. Hôm sau, Miên theo nhiệm vụ lên nhận tài liệu tại địa chỉ hòm thư mới, nhưng do hôm trước đi vào buổi tối, Miên đã không nhớ nên không tìm ra và đã không giao được tài liệu nên đành mang trở về. Đó là lần duy nhất cô giao liên 12 tuổi không hoàn thành nhiệm vụ, và thấy rất buồn...

Nhóm PV (thực hiện)

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.