Multimedia Đọc Báo in

Người chiến sĩ biệt động năm xưa

21:19, 28/04/2013

Ở tuổi 65, song thoạt nhìn, Trần Phước Long, nguyên chiến sĩ biệt động thị xã Buôn Ma Thuột như mới chỉ qua tuổi ngũ tuần bởi dáng vẻ khỏe khoắn, linh hoạt. Và hẳn mọi người sẽ  còn ấn tượng hơn nếu được nghe ông kể những câu chuyện về thời chiến, những trận đánh “xuất quỷ nhập thần”, “thoắt ẩn, thoắt hiện” của lực lượng biệt động khiến kẻ địch phải khiếp sợ mà ông là một trong những người trực tiếp tham gia…

Ông  Trần Phước Long  gợi lại những  ký ức  thời  chiến tranh.
Ông Trần Phước Long gợi lại những ký ức thời chiến tranh.

Ông Trần Phước Long quê ở Quảng Nam, di dân vào Krông Bông theo gia đình từ lúc nhỏ. Năm 16 tuổi ông gia nhập lực lượng V80 (lực lượng bộ binh), chiến đấu trên địa bàn tỉnh Dak Lak. Khi Đội Biệt động thị xã Buôn Ma Thuột thành lập năm 1968, ông được điều lên công tác tại đây. Nhiệm vụ lúc bấy giờ của ông cùng đồng đội là phục kích, tập kích chống địch đi càn, đánh sâu vào nội thị, củng cố các cơ sở cách mạng. Cứ cách 3 - 4 ngày Đội lại tổ chức những trận đánh chớp nhoáng ngay trong thị xã, vào các đồn, bốt làm tiêu hao sinh lực và gây tâm lý hoang mang, khủng hoảng trong nội bộ địch. Chiến tranh đã lùi xa, những hồi ức về một thời bom đạn lần lượt hiện về như những thước phim quay chậm qua ký ức của người cựu binh dày dạn kinh nghiệm chiến trường, không phải bằng cột mốc thời gian mà là những trận đánh. Ông bảo, cũng như nhiều đồng đội không thể nào nhớ cụ thể từng trận đánh mà đội đã tham gia, nhưng với riêng ông thì trận đánh Băng ca lô (nơi Mỹ đóng quân) và nhận nhiệm vụ ám sát tên cố vấn của Sư bộ 23 Mỹ là những kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời binh nghiệp. Trận thứ nhất đánh vào Băng ca lô Mỹ được xem là “đòn thử” đối với lực lượng biệt động, bởi nơi đây được đánh giá là căn cứ địa “bất khả xâm phạm”, “nội bất xuất, ngoại bất nhập” mà lính Mỹ rất tự tin rằng “Việt cộng” không thể nào xâm nhập được. Bao quanh Băng ca lô là những hàng rào lưới B40 cao đến mười mấy mét, chọc thẳng lên trời đầy ngạo nghễ. Bên trong địch xây lô cốt, hệ thống phòng thủ vững chắc, với đầy đủ trang bị vũ khí hiện đại. Sau khi nghiên cứu, rà soát, tính toán các phương án tấn công, Đội đã quyết định di chuyển từ hướng Bắc Buôn Ma Thuột lên đường Bà Triệu, đột kích tấn công bất ngờ vào lô cốt địch khiến chúng không kịp trở tay. Cuộc chiến ngay trong ụ pháo địch diễn ra trong khoảng 30 phút, sau đó toàn đội rút lui an toàn, không có thương vong về người. Trận đánh “xuất quỷ nhập thần” ấy đã làm tổn thương không ít sinh lực địch. Trận đánh thứ 2 là ám sát tên cố vấn của Sư bộ 23 Mỹ. Khi đã nghiên cứu chỗ ở, giờ giấc sinh hoạt đi lại của tên này, ông cùng đồng đội giả trang, lọt vào biệt thự hắn ở nằm ẩn mình chờ thời cơ, khi đối tượng vừa xuất hiện, ông và đồng đội người bắn, người ném lựu đạn thẳng về phía hắn rồi nhanh chóng tẩu thoát theo hướng ngược lại khu gia binh. Lúc này, bọn lính canh gác phía sau nã từng loạt đạn như mưa, may mắn cả hai người lọt xuống một giao thông hào, địch không phát hiện, hôm đó thoát chết trong gang tấc...

 Sau ngày giải phóng Buôn Ma Thuột, ông về làm Đại đội trưởng Đại đội C1 (Thị đội Buôn Ma Thuột) với cấp hàm Trung úy, tham gia truy quét Phulrô và bị thương năm 1977. Ông được đơn vị đưa về an dưỡng tại tịnh xá B2 Tỉnh đội và công tác tại đây đến khi về hưu… Niềm vui của ông bây giờ đi đây đó, thăm thú bạn bè đồng đội trước kia, gợi nhắc lại những kỷ niệm không thể quên về một thời đạn bom khói lửa cũng như nhắc nhở con cháu phải biết quý trọng, nâng niu, gìn giữ “hoa thơm, trái ngọt” của độc lập tự do mà cha ông đã không tiếc máu xương giành lấy.

Đăng Triều

 

 


Ý kiến bạn đọc