Multimedia Đọc Báo in

Vua Gia Long với việc khảo sát thủy trình ra Hoàng Sa

16:54, 27/05/2013

Gia Long là vị vua đầu tiên của vương triều Nguyễn, trong 18 năm trị vì đất nước (1802 – 1820), dù có nhiều công việc phải làm để củng cố vương triều nhưng ông cũng không quên việc phái quân ra biển đảo để khẳng định chủ quyền đối với các đảo và quần đảo, nổi bật là những việc làm tại quần đảo Hoàng Sa.

Trước thời Gia Long, hải đội Hoàng Sa vốn được thành lập từ thời các chúa Nguyễn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh hải và khai thác các sản vật trên biển. Lực lượng chủ yếu của hải đội Hoàng Sa là những người ở các xã An Vĩnh, An Hải và An Kỳ (tỉnh Quảng Ngãi). Hiểu được vai trò to lớn của hải đội Hoàng Sa nên vua Gia Long đã cho lấy thêm người dân tại các địa phương khác bổ sung vào đội Hoàng Sa để củng cố thêm sức mạnh của đội quân này nhằm đối phó với những biến cố có thể xảy ra trên vùng lãnh hải. Khi lên làm hoàng đế của triều Nguyễn, Gia Long đã tổ chức lại đội Hoàng Sa mạnh hơn cả về vai trò lẫn tổ chức hoạt động.

Sách “Đại Nam thực lục” phản ánh vua Gia Long cho Võ Văn Phú mộ dân bổ sung vào đội Hoàng Sa.
Sách “Đại Nam thực lục” phản ánh vua Gia Long cho Võ Văn Phú mộ dân bổ sung vào đội Hoàng Sa.

Sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ”, quyển 22, năm Gia Long thứ 2 (1803) có chép: “Tháng 7, lấy Cai cơ Võ Văn Phú làm Thủ ngự cửa biển Sa Kỳ, sai mộ dân ngoại tịch lập làm đội Hoàng Sa”.

Sách “Đại Nam thực lục” nói về việc vua Gia Long phái Phạm Quang Ảnh và đội Hoàng Sa ra thăm dò đường biển.
Sách “Đại Nam thực lục” nói về việc vua Gia Long phái Phạm Quang Ảnh và đội Hoàng Sa ra thăm dò đường biển.

Bên cạnh việc chỉnh đốn lại đội Hoàng Sa, triều Nguyễn nói chung và vua Gia Long nói riêng đã thấy được sự cần thiết việc hành trình ra Hoàng Sa bởi đây là nơi ở xa phần đất liền. Vì vậy nhà vua đã cho quân ra thăm dò đường biển để khảo sát lộ trình ra quần đảo này. Đây là việc làm thể hiện một tầm nhìn xa vì Hoàng Sa là một quần đảo tiền tiêu nằm ở phía Đông có liên quan đến chủ quyền của đất nước. Gia Long xem Hoàng Sa như một tấm bình phong nhằm đề phòng những cuộc tấn công của các thế lực trong và ngoài nước. Khảo sát thủy trình ra Hoàng Sa có mục đích lâu dài và trên hết đó là việc tối quan trọng để giữ vững được quần đảo này.

Sách “Đại Nam thực lục” chép vua Gia Long cử đội thủy quân ra đảo Hoàng Sa đo đạc thủy trình.
Sách “Đại Nam thực lục” chép vua Gia Long cử đội thủy quân ra đảo Hoàng Sa đo đạc thủy trình.

Sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ”, quyển 50, năm Gia Long thứ 14 (1815) chép rằng: “Tháng 2, sai đội Hoàng Sa là những người của Phạm Quang Ảnh ra đảo Hoàng Sa thăm dò đường biển”.

Công việc thăm dò đường thủy ra Hoàng Sa không chỉ làm trong một thời gian ngắn mà được kéo dài qua nhiều năm bởi đây là việc rất khó khăn. Trong quá trình hoạt động của đội Hoàng Sa, thăm dò đường biển là nhiệm vụ bắt buộc vì đó không chỉ thuận lợi cho để khai thác sản vật mà còn rất quan trọng để triều đình đối phó khi Hoàng Sa có những biến cố xảy ra. Đội Hoàng Sa thực hiện những công việc theo sự chỉ đạo của triều đình và mỗi khi thực hiện xong nhiệm vụ tại Hoàng Sa và các vùng biển khác, hải đội Hoàng Sa phải báo cáo công việc với triều đình.

Sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ”, quyển 52, năm Gia Long thứ 15 (1816) ghi rõ: “Tháng 3, sai thủy quân và đội Hoàng Sa đi thuyền ra Hoàng Sa để thăm dò đường thủy”.

Trong thời gian làm hoàng đế, vua Gia Long đã 3 lần phái quân ra Hoàng Sa thực hiện công việc đo đạc thủy trình. Những việc làm của vua Gia Long khẳng định sự thống nhất toàn vẹn của vương triều vì phần lãnh hải không thể tách rời với lãnh thổ đất liền. Những việc liên quan đến Hoàng Sa không phải là việc riêng của cá nhân hay bộ nào, mà đó là việc chung của toàn bộ vương triều. Những việc làm của vua Gia Long trong thời gian ông trị vì đất nước là tiền đề cho sự phát triển vượt bậc của hải quân triều Nguyễn các đời vua sau và xứ Hoàng Sa đã được các triều vua tiếp theo giữ vững. 

Lê Khắc Niên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.