Chuyện kể của người chèo đò đưa quân qua phá Tam Giang thời đánh Mỹ
“Khi bàn chân của các o du kích, các chú bộ đội đáp bờ đến với vùng căn cứ cách mạng là lòng tui cảm thấy nhẹ nhõm, vui mừng khôn xiết; lúc ấy tay lái như được tiếp thêm sức mạnh để thuyền tiếp tục lướt sóng, vượt gió”…
Bà Lê Thị Cam (thôn 1, xã Ea Hu, huyện Cư Kuin) sinh năm 1952, quê gốc ở Phong Chương, Quảng Điền, Thừa Thiên Huế, tham gia cách mạng từ lúc 14 tuổi. Nhiệm vụ đầu tiên bà được giao là gùi gạo, tiếp tế nhu yếu phẩm và thuốc men cho vùng căn cứ cách mạng. Với trọng trách đó, ngày đêm bà theo chân các mẹ, các chị vượt qua nhiều tuyến đường, qua các chốt địch để đưa lương thực đến với bộ đội. Gùi gạo được một thời gian, năm 1969 bà và mẹ mình được giao nhiệm vụ chèo thuyền đưa bộ đội, du kích qua phá Tam Giang. Những vật dụng chính của 2 mẹ con lúc ấy là một chiếc thuyền, lưới đánh cá và dụng cụ nhổ rong. Bà nhớ lại, phá Tam Giang lúc bình thường phẳng lặng, nhưng cũng có lúc dữ dội khôn lường, nhất là mùa nước lũ. Những ngày đầu với công việc mới, bà cũng rất lo lắng vì nhiều lúc thuyền chao đảo, lương thực bị đổ hết xuống sông. May mắn với bà lúc ấy là luôn có mẹ bên cạnh, dạy cách giữ thăng bằng khi chèo thuyền. Hành trình của 2 mẹ con bà là ngày từ 5 giờ sáng đến 7 giờ tối bắt cá, vớt rong, đêm vận chuyển lương thực và bộ đội đến vùng căn cứ. Nguy hiểm nhất là lúc nửa đêm đưa quân sang sông, bởi trời tối như mực, lại không được sử dụng đèn, khiến mọi hoạt động đều phải thận trọng từng li từng tí. Tuy nhiên, dù nguy hiểm, vất vả nhưng nếu có lệnh của cấp trên là sẵn sàng cho thuyền vượt sóng.
Bà Cam kể lại những kỷ niệm trong thời tham gia cách mạng. |
Mỗi lượt qua sông, thuyền của bà chở được từ 3 đến 5 người; để tránh sự nghi ngờ và phát hiện của địch, bà bàn bạc với mẹ trang bị thêm dụng cụ đánh cá, đồ bảo hộ lao động cho các o, các chú. Bà kể: “Lúc đó tụi tui vui lắm, gần cả chục người đi trên chiếc thuyền vẫn nói chuyện râm ran mà ít khi bị địch phát hiện. Các o, các chú du kích thời ấy rất giỏi, đánh cá cũng không thua kém gì ngư dân trên phá Tam Giang này. Khi bàn chân của o du kích, các chú bộ đội đáp bờ đến với vùng căn cứ cách mạng là lòng tui cảm thấy nhẹ nhõm, vui mừng khôn xiết, lúc ấy tay lái như được tiếp thêm sức mạnh để thuyền tiếp tục lướt sóng, vượt gió…”. Cho đến giờ, bà không thể nhớ nổi lúc ấy mình đã đưa bao nhiêu lượt chiến sĩ qua sông, bao nhiêu tấn lương thực đến vùng căn cứ, nhưng một kỷ niệm không bao giờ phai đối với bà là lần bị địch phát hiện khi đang đưa gạo sang vùng căn cứ Hương Điền, 2 mẹ con buộc phải phi tang toàn bộ số gạo đó xuống sông, tiếc lắm! Nhưng vẫn phải làm để địch không có chứng cứ bắt 2 mẹ con. Cuối năm 1969, bà bị bắt vì địch tình nghi hoạt động cách mạng, nhưng với bản tính kiên cường, tuyệt đối không khai báo nên cuối cùng địch không có chứng cứ buộc phải thả bà ra. Sau ngày giải phóng, người con gái nhỏ nhắn ngày đêm vẫn vượt qua bao con sóng dữ của đầm phá Tam Giang ấy tiếp tục làm nghề đánh cá, kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
Năm 1979, gia đình bà vào Dak Lak lập nghiệp. Với bà, đâu cũng là quê hương và bà luôn dặn các con cống hiến sức trẻ xây dựng quê hương cũng chính là hoạt động cách mạng trong thời bình.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc